AFF Cup: 'Ao làng' sao ai cũng máu vô địch?
(Thethaovanhoa.vn) - AFF Cup vốn dĩ được ví như giải đấu “ao làng”, nhưng sân chơi Đông Nam Á năm nay bỗng dưng “xôm tụ” khi ai cũng “máu” vô địch.
Lịch thi đấu của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2021
* 19h00, 06/12: Lào vs Việt Nam
* 19h00, 12/12: Việt Nam vs Malaysia
* 16h30, 16/12: Indonesia vs Việt Nam
* 16h30, 19/12: Việt Nam vs Campuchia
Vòng bảng AFF Cup 2021:
* 16h30, 05/12: Singapore vs Myanmar
* 19h00, 05/12: Timor Leste vs Thái Lan
* 16h30, 06/12: Campuchia vs Malaysia
* 19h00, 06/12: Lào vs Việt Nam
* 16h30, 08/12: Myanmar vs Timor Leste
* 19h00, 08/12: Philippines vs Singapore
* 16h30, 09/12: Malaysia vs Lào
* 19h00, 09/12: Indonesia vs Campuchia
* 16h30, 11/12: Timor Leste vs Philippines
* 19h00, 11/12: Thái Lan vs Myanmar
* 16h30, 12/12: Lào vs Indonesia
* 19h00, 12/12: Việt Nam vs Malaysia
* 16h30, 14/12: Philippines vs Thái Lan
* 19h00, 14/12: Singapore vs Timor Leste
* 16h30, 15/12: Indonesia vs Việt Nam
* 19h00, 15/12: Campuchia vs Lào
* 16h30, 18/12: Thái Lan vs Singapore
* 19h00, 18/12: Myanmar vs Philippines
* 16h30, 19/12: Việt Nam vs Campuchia
* 19h00, 19/12: Malaysia vs Indonesia
Vòng bán kết (đá lượt đi lượt về)
Lượt đi:
* 22/12: Nhì A vs Nhất B
* 23/12: Nhì B vs Nhất A
Lượt về:
* 25/12: Nhất B vs Nhì A
* 26/12: Nhất A vs Nhì B
Chung kết (lượt đi và về)
Lượt đi:
* 29/12/2021: Thắng BK1 vs Thắng BK2
Lượt về:
* 01/01/2022: Thắng BK2 vs Thắng BK1
Từ cúp “con Cọp”
Đã tròn 25 năm với 12 lần tổ chức, chỉ có 4 quốc gia vô địch giải đấu này. AFF Cup, tiền thân với tên gọi Tiger Cup, ra đời từ năm 1996 nhờ sự hỗ trợ tài chính từ một thương hiệu bia nhằm tạo ra sân chơi riêng cho cấp ĐTQG khu vực, thay vì gắn với SEA Games. Chia tay bia Tiger để chuyển sang xe máy Suzuki từ năm 2008 nhưng người ta vẫn hay dùng cụm từ cửa miệng “cúp con Cọp” khi nói về lịch sử của giải đấu.
Xuyên suốt lịch sử giải đấu từ Tiger Cup sang AFF Cup luôn đi kèm với những thay đổi khác nhau về thể thức thi đấu. Ở những kỳ đầu tiên, giải đấu chỉ diễn ra tại 1 quốc gia chủ nhà. Đến năm 2002, các trận đấu thuộc vòng bảng sẽ diễn ra ở 2 quốc gia, một trong 2 nước này sẽ tiếp tục tổ chức các trận đấu thuộc vòng đấu loại trực tiếp. Đến năm 2018, thể thức sân nhà - sân khách đã được áp dụng tại vòng đấu bảng. Theo đó, các đội tuyển sẽ được chơi 2 trận trên sân nhà, 2 trận trên sân khách.
Cái “cúp con Cọp” ấy, người Thái đã 5 lần lên ngôi với sự thống trị ở những năm đầu giải đấu được khai sinh. Singapore với “chiến lược, chiến thuật” từ nguồn lực cầu thủ ngoại cũng vô địch 4 lần. Malaysia cũng kịp 1 lần nâng cúp dưới bàn tay của “phù thủy” Rajagopal. Bóng đá Việt Nam ăn mừng ngôi vương theo “chu kỳ 10 năm” 2008 - 2018 với 2 nhà cầm quân ngoại quốc là Calisto và Park Hang Seo. Indonesia hẳn sẽ tiếc nuối nhiều nhất, khi họ đã 5 lần vào chơi chung kết nhưng đều “lỡ hẹn” với ngôi vương.
AFF Cup, rõ ràng được xem như sân chơi lớn nhất dành cho ĐTQG của bóng đá khu vực. Nhưng bao năm nay, những kết quả từ sân chơi này phản ánh chính xác thực trạng của bóng đá Đông Nam Á. Quanh đi, quẩn lại chỉ có vậy với không nhiều tính cạnh tranh. Quá ít tính cạnh tranh, hẳn nhiên không tạo ra nhiều động lực để phát triển. Bóng đá Đông Nam Á vẫn mãi chịu tiếng “vùng trũng”.
Biết là thế, nhưng “đến hẹn lại lên”, dẫu cái hẹn cho giải đấu lần này phải chờ đến 3 năm mới được hội ngộ.
Tới AFF Cup 2021, ai cũng “máu” vô địch
Dịch Covid-19 khiến giải đấu lớn nhất của bóng đá khu vực không thể đi theo theo lộ trình đúng như mong đợi. Sau 2 lần tạm hoãn, AFF Cup được chuyển vào cuối năm 2021 tại Singapore. Dịch bệnh cũng tác động không nhỏ đến sự chuẩn bị của mỗi ĐTQG trong khu vực. Cùng với đó, cả sự dừng lại, thậm chí phải đóng băng của các giải đấu quốc nội khiến cả “làng” Đông Nam Á như vừa “tỉnh ngủ” trước thềm AFF Cup lần này.
Bóng đá Việt Nam quay về “ao làng” khi đã “ngợp nước” nơi biển lớn với 6 trận toàn thua tại vòng loại thứ 3 World Cup. Malaysia vẫn đang “lỡ dở” với sách lược có hay không cầu thủ nhập tịch. HLV Shin Tae Yong đang đề ra những mục tiêu quá cao khi đến làm việc với ĐTQG Indonesia, trong khi nguồn lực của bóng đá xứ Vạn đảo lúc này chẳng mấy dư dả. Thái Lan, sau quãng “thoái trào” đang cố vùng vẫy để bật trở lại vị thế vốn có của mình trong khu vực. Bức tranh toàn cảnh bóng đá Đông Nam Á trước thềm AFF Cup 2021 được nhìn nhận trên những phác họa như thế.
Chưa rõ những thể hiện lúc thực chiến đến đâu nhưng hơn thế, hệ lụy để lại trong giai đoạn dịch Covid-19 tác động cũng quá nhiều, nhưng nhìn quanh, thấy ai cũng hô hào vô địch. Mục tiêu đã được đặt ra rất rõ ràng từ đội tuyển Việt Nam quyết bảo vệ ngôi vương cho đến Thái Lan không muốn tụt xa hơn nữa. Người Mã lại muốn trả “món nợ” đã vay trước đội tuyển Việt Nam 3 năm về trước, trong lúc Indonesia hay Singapore đều giấu tham vọng vào lòng.
Câu hỏi được đặt ra ở đây, tại sao giải đấu “ao làng” này, năm nay các đội khát khao đến thế. Trong khi cả Thái Lan cùng Việt Nam đang cố đi thoát đi cho mục tiêu xa hơn nằm ở chỗ vươn tầm châu lục, thậm chí mơ tới VCK World Cup.
Bóng đá Thái Lan đã từng “no nê” với danh hiệu vô địch AFF Cup. Kiatisuk thời còn là cầu thủ đến lúc cầm quân, đã từng có những chức vô địch “dễ như ăn kẹo”. Nhưng rồi, thời kỳ “hậu” Kiatisuk, người Thái đang tuột dốc vài năm gần đây.
Nhiều năm về trước, đã từng có lúc, bóng đá Thái Lan ưỡn ngực tự hào rằng mình chẳng cần quan tâm đến giải đấu hay đối thủ khu vực. Thậm chí, người Thái đã từng có ý định đưa đội trẻ đi đá AFF Cup hay họ dùng cầu thủ hạng B cho giải đấu năm 2018. Vẫn biết Thái Lan hời hợt với AFF Cup để đuổi theo giấc mộng châu Á không phải là con đường sai. Nhưng để đi trên con đường đó phải cần và mất nhiều thứ từ thời gian, tiền của và những nỗ lực không ngừng. Vậy nên, với những lần “ngợp nước” khi vươn ra biển lớn, đã khiến Thái Lan hụt hẫng vài năm. Những trận thua đậm ở tầm châu lục, đủ để họ tỉnh mộng và hiểu rằng cần thêm thời gian.
Để làm lại, cũng như cố lấy lại những gì đã mất từ AFF Cup, người Thái đang cuống cuồng cho sự chuẩn bị của mình. Không chỉ một bản hợp đồng ngắn hạn với HLV Alexandre Polking, Thái Lan đang làm hết sức để những cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài kịp trở về chinh chiến trên đất Singapore. Tham vọng đã được Trưởng đoàn Nualphan Lamsam tin tưởng rằng đội tuyển Thái Lan vươn lên khuynh đảo Đông Nam Á một lần nữa.
Và áp lực từ ngôi vương cho bóng đá Việt
4 năm qua, dưới thời ông Park, bóng đá Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế ở khu vực, còn tạo ra tiếng vang ở đấu trường châu lục. Vòng loại thứ 3 World Cup đánh dấu “mốc son” như thế. Nhưng như vậy, cũng không có nghĩa bóng đá Việt Nam đã vượt ra khỏi giới hạn khu vực để vươn tầm châu lục. Mọi thứ chỉ mới bắt đầu cùng với dùng dằng giữa câu chuyện vị thế Đông Nam Á và đẳng cấp châu Á mà thôi. 6 trận thua trong những “ngày đàng học sàng khôn” đủ để bóng đá Việt Nam tỉnh mộng và nhìn lại mình.
Không phủ nhận những cái đã có, những điều đã đạt được khi nhìn thấy đội tuyển Việt Nam đã mạnh hơn, cứng cáp hơn. Nhưng đó chỉ là sự tiến bộ so với chính chúng ta khi đối chiếu ở nhiều giai đoạn chứ chưa thể nói rằng bóng đá Việt Nam đã ở tầm cao châu lục. Bóng đá Việt Nam vẫn phải từng bước để giải bài toán làm sao để nâng tầm từ vị thế Đông Nam Á lên tầm mức châu Á. Mỗi bước đi đều có lớp lang, tính kế thừa, khó để đốt cháy giai đoạn. Vì thế, không ngạc nhiên, khi bảo vệ ngôi vô địch vẫn như mục tiêu tiên quyết dành cho thầy trò ông Park.
Phải dứt khoát với nhau rằng muốn vươn tầm, trước hết cần khẳng định vị thế ở Đông Nam Á. Đó là lý do mà bóng đá Việt Nam vẫn luôn dồn tâm trí cho mỗi kỳ SEA Games, mỗi bận AFF Cup. Cho đến thời điểm hiện tại, đội tuyển Việt Nam mới chỉ giành được 2 chức vô địch Đông Nam Á. Chức vô địch đầu tiên năm 2008, đó là thời điểm mà bóng đá Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp hơn so với các nền bóng đá cùng khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia. Phải mất 10 năm, đội tuyển Việt Nam mới lại vô địch trở lại. 10 năm đó, lần lượt Malaysia, Singapore và Thái Lan áp đảo giải đấu này.
Vì thế, muốn đi xa, phải đi bằng những bước căn cơ, vững chắc. Vẫn biết “ao làng” nhưng cũng phải chơi, chơi với thái độ trách nhiệm. Muốn ra “biển lớn” cần vượt lên hẳn từ “ao làng”.
Ông Park đứng trước danh hiệu AFF Cup thứ 2 Nếu đội tuyển Việt Nam đăng quang trên đất Singapore, HLV Park Hang Seo sẽ đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung, khi trở thành người thứ 4 bảo vệ được ngôi vô địch AFF Cup. Peter Withe, người Anh, là HLV đầu tiên 2 lần liên tiếp vô địch AFF Cup. Ông dẫn dắt tuyển Thái Lan đăng lên ngôi ở Tiger Cup (tiền thân của AFF Cup) vào các năm 2000 và 2002. Khi đó, tuyển Thái Lan với những cầu thủ Kiatisak, Tawan, Dusit, Sakda, họ gần như không có đối thủ tại khu vực. Sau Thái Lan, đội tuyển Singapore bắt đầu giai đoạn thành công tại AFF Cup, khi sử dụng các cầu thủ nhập tịch. HLV người Serbia Radojko Avramovic giúp tuyển Singapore vô địch AFF Cup năm 2004 và bảo vệ thành công danh hiệu này vào năm 2007. Đội tuyển Thái dưới sự dẫn dắt của Kiatisak từ năm 2013 đến 2017 cũng để lại dấu ấn Trong giai đoạn này, “Sắc” đã đưa Thái Lan 2 lần vô địch AFF Cup 2014, 2016. |
Trần Tuấn