AFF Cup 2016: Không phải có HLV ngoại là thành công
Myanmar và canh bạc của Gerd Zeise
Ngày 18/10/2015, LĐBĐ Myanmar (MFF) đã quyết định bổ nhiệm HLV đội U-19 Myanmar Gerd Zeise làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia nước này để thay thế cho người tiền nhiệm Radojko Avramovic.
Quyết định bổ nhiệm này được cho là không bất ngờ. Ông Radojko Avramovic đã bị MFF chấm dứt hợp đồng vì màn trình diễn nghèo nàn của tuyển Myanmar tại vòng loại World Cup 2018 và Asian Cup 2019. Sau 5 trận đấu, với sự dẫn dắt của ông Avramovic, tuyển Myanmar chỉ có vỏn vẹn 4 điểm (1 thắng, 1 hòa, 3 thua), tạm xếp thứ tư ở bảng G.
Kể từ khi ngồi vào cương vị dẫn dắt đội tuyển Myanmar, Zeise luôn nỗ lực với tham vọng giúp đội tuyển nước này có một bước tiến nhảy vọt, để có thể sánh ngang với những đội bóng mạnh trong khu vực. Là một chiến lược gia đến từ Đức, triết lý Zeise luôn tập trung vào 2 yếu tố là thể lực và ý thức chiến thuật tập thể. Triết lý này đã được áp dụng từ đội U19 và ở ĐTQG, nơi có những cầu thủ trẻ được Zeise đôn từ đội U19 lên, nó vẫn đang vận hành tốt. Cũng chính bởi triết lý này, mới đây ông Zeise đã đưa ra một quyết định gây nhiều tranh cãi. Đang tập huấn ở châu Âu, HLV Gerd Zeise đã quyết định đuổi 2 cầu thủ Thiha Zaw và Kyaw Ko Ko về nước, vì cho rằng họ không phù hợp với cách chơi mà ông đang xây dựng. Trên tờ Myanmar Times, cán bộ truyền thông Zaw Min Htike cho biết, đây là quyết định của HLV Gerd Zeise: “HLV của đội bóng nói rằng hai cầu thủ này không phù hợp với phong cách chơi của đội. Ông muốn xây dựng đội bóng dựa trên tinh thần tập thể, khuôn mẫu chứ không dựa vào bất cứ cá nhân nào”.
Gerd Zeise là một canh bạc của chủ nhà Myanmar
Thực tế, với bóng đá Việt Nam, ông Zeise cũng không phải là một cái tên quá lạ lẫm. Ông này từng có quãng thời gian làm việc ở CLB Đà Nẵng trong năm 2006 với vai trò Giám đốc kĩ thuật và hưởng mức lương 4000 USD (đã bao gồm chi phí ăn ở và sinh hoạt). Nhưng chỉ sau một mùa bóng, hai bên đường ai lấy đi. Trước khi rời Đà Nẵng, ông Gerd Zeise cũng đề nghị được tiếp tục làm bóng đá trẻ cho CLB Đà Nẵng. Tuy nhiên, đội bóng sông Hàn từ chối và sau nhiều năm thăng trầm, ông mới được mời về dẫn dắt đội U19 Myanmar, nơi ông giành được tiếng vang với thành tích dự giải World Cup U20 thế giới năm 2015.
Trong một phát biểu mới đây, ông Zeise đã đánh giá thấp Việt Nam hơn cả... Campuchia. Nhà cầm quân người Đức cũng khẳng định Myanmar mới là đội sẽ giành tấm vé đầu tiên của bảng B để vào bán kết. Với lợi thế sân nhà, đó không phải là một mục tiêu quá xa vời. Nhưng nếu Zeise thất bại, cơ hội để ông bám trụ lại với tuyển Myanmar sẽ gần như không còn.
Đông Nam Á không còn chuộng HLV ngoại
Việc Ziese nhận lời ngồi vào chiếc ghế nóng của tuyển Myanmar bị xem là một canh bạc bởi trước đó, một người giàu kinh nghiệm bậc nhất về bóng đá Đông Nam Á là Radojko Avramovic cũng đã “không chịu được nhiệt”. Nhà cầm quân người Serbia này làm việc cùng tuyển Singapore từ năm 2003 tới 2012, nơi ông có 3 AFF Cup (2004, 2007 và 2012). Tuy nhiên, khi đến Myanmar, tham vọng giúp đội tuyển nước này “hóa rồng” đã thất bại. Avramovic chỉ trụ lại được 1 năm tại đây.
Tất nhiên, Zeise không phải là HLV ngoại duy nhất ở AFF Cup 2016. Nhưng có thể nhận thấy, số HLV nước ngoài làm việc ở các đội bóng Đông Nam Á đang ít đi trông thấy. Trong số 8 đội tuyển dự AFF Cup 2016, chỉ có 3 đội được dẫn dắt bởi các nhà cầm quân nước ngoài. Tại bảng B, Campuchia cũng đang được dẫn dắt bởi Lee Tae-hoon, một người Hàn Quốc trong khi ở bảng A, chỉ có một HLV ngoại duy nhất là Alfred Riedl, một người Áo, đang dẫn dắt tuyển Indonesia.
Việc chỉ có 3 HLV ngoại ở AFF Cup 2016 có thể coi là một sự khác biệt lớn bởi ở những giải đấu trước đó, số HLV ngoại luôn tỏ ra áp đảo so với các nhà cầm quân nội. Tại sao lại có sự khác biệt này?
Những HLV nội như Kiatisak vẫn đủ tài năng để hướng tới thành công
4 chức vô địch Đông Nam Á của Singapore đều nhờ các HLV ngoại: Whitbread (1998) và Radojko Avramović (2004, 2007, 2012). 2/4 chức vô địch của Thái Lan cũng nhờ HLV ngoại Peter Withe (2000 và 2002). Chiếc cúp duy nhất mà Việt Nam có cũng nhờ ông Enrique Calisto. Tuy nhiên, thành tích của các HLV nội ở giải đấu này cũng không tệ. Ông Thawatchai Sartjakul giúp Thái Lan vô địch AFF Cup năm 1996. Kiatisuk Senamuang lên ngôi năm 2014 trong khi K. Rajagobal cũng giúp Malaysia lần đầu vô địch Đông Nam Á năm 2010.
Thái Lan, với đẳng cấp của đội bóng số một Đông Nam Á, luôn biết cách để khẳng định vị thế của mình ở đấu trường khu vực. Sau quãng thời gian thuê những nhà cầm quân ngoại, họ trở lại với chính những nhà cầm quân nội. Hiện tại, dưới tài cầm quân của Kiatisuk, Thái Lan cho thấy họ thậm chí còn mạnh hơn, đẳng cấp hơn. Singapore là một ví dụ tương tự. 3 chiếc cúp AFF với Avramovic là một kì tích. Nhưng sau khi chia tay HLV người Serbia, Liên đoàn bóng đá nước này không tìm một HLV ngoại đẳng cấp khác. Họ đặt niềm tin vào ông Varadaraju Sundramoorthy, một người Singapore chính gốc. Ngay như tuyển Việt Nam, sau khi thất bại với HLV Miura, chúng ta đã chọn HLV Nguyễn Hữu Thắng.
Xu hướng chọn HLV nội của các đội tuyển Đông Nam Á giải quyết cho các Liên đoàn hai vấn đề chính. Thứ nhất, nó giúp các Liên đoàn không phải mất cả núi tiền để thuê HLV ngoại. Ví dụ, khi thuê ông Miura, VFF phải trả số tiền 20000 USD (tương đương 400 triệu VNĐ) nhưng với Hữu Thắng, họ chỉ mất khoảng 10000 USD.
Thứ hai, HLV nội là những người am hiểu bóng đá bản địa nhất. Do vậy, họ sẽ không phải cần tới những chuyên gia tư vấn trong việc chọn nhân sự cũng như chiến thuật áp dụng cho đội tuyển mà họ cầm quân. Đó là một lợi thế lớn bởi những am hiểu về bóng đá bản địa sẽ giúp cho HLV có lựa chọn tốt nhất về mặt con người. Ông ta hiểu rõ điểm mạnh hay điểm yếu của ĐT để đưa triết lý bóng đá phù hợp với chất lượng và tư duy của đội tuyển.
Với những thành công mà Kiatisuk (Thái Lan) và Rajagobal (Malaysia) có được ở 2 trong 3 kì AFF Cup gần đây, sẽ không ngạc nhiên nếu ở AFF Cup 2016 này, sẽ lại có một HLV nội bước lên đỉnh cao của danh vọng.
Trần Giáp
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần