8 người bạn rủ nhau sống chung trên núi: Gần như chẳng tốn đồng nào, cố gắng nuôi dạy thế hệ nhỏ giữa núi đồi
Sống trên núi không đơn thuần là “sở thích ẩn dật thư thái” như nhiều người tưởng tượng, thực tế có rất nhiều việc cụ thể phải làm.
Từ năm 2015, ngọn núi Bắc Phong, tại Phúc Châu, Trung Quốc, đã lần lượt đón 8 người bạn trẻ đến từ hàng loạt các thành phố lớn như Bắc Kinh, Hàng Châu. Họ đều là những người thuộc thế hệ 9x đã quyết định sống một cuộc đời hoàn toàn khác biệt.
Cuộc sống đầy khác biệt giữa chốn rừng núi
So với thành phố, chi phí sinh hoạt khi về quê, sống trên núi như vậy cực kỳ thấp. Họ hiếm khi phải tiêu đến tiền vì tài nguyên núi cho phép họ tự cung tự cấp. Trời ấm thì cùng nhau trồng rau, trời lạnh thì chặt củi nhóm lửa.
Không gian thoáng đãng và yên tĩnh đã cho họ nhiều cảm hứng sáng tạo hơn, rất hữu ích cho công việc của Tiểu Lôi và Tiểu Sinh - những người sáng tác tác phẩm sơn mài truyền thống, và cả Tiểu Khải - làm nghề gốm điêu khắc.
Nhóm của họ có tổng cộng 8 người, cùng sinh sống trong một ngọn núi. Họ thường gặp gỡ và chăm sóc lẫn nhau. Cuộc sống vừa độc lập, tự do, vừa hạnh phúc sum vầy.
Vào mùa đông, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm trên núi khá lớn. Khi mặt trời lặn sớm lúc bốn giờ, trời đột ngột chuyển lạnh. Mọi người sẽ tới sân nhà của Tiểu Lôi để cùng nhau đốt lửa, đặt một ấm trà lên bếp, vừa ăn uống, vừa trò chuyện.
Quyết định rời phố về quê chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng mỗi người đều có cơ duyên và lựa chọn của chính họ. Có người theo học nghệ thuật truyền thống từ một người thầy ẩn cư trên núi; có người thì mệt mỏi với cuộc sống thị thành, mỗi ngày mất hàng giờ đồng hồ để chen lấn tàu điện ngầm; có người muốn tìm một chốn bình yên để tập trung sáng tác; có người rơi vào cảnh bị di dời… Với rất nhiều lý do khác nhau, họ lại cùng đưa ra một quyết định tương tự.
Những ngôi nhà trên núi được dựng theo kiểu cổ điển hình tại Phúc Châu. Trước cửa là một khu vườn nhỏ do chính tay họ vun trồng.
Một bông hoa nở trước ngưỡng cửa của ngôi nhà truyền thống.
Ở miền núi, việc xây dựng nhà vườn phụ thuộc hoàn toàn vào vật liệu địa phương. Họ thường đi dạo khắp các ngọn núi, khi nhìn thấy loại cây mình thích thì đào về trồng. Khi bắt gặp những viên đá đẹp và bằng phẳng, họ cũng thu thập để lát thành con đường hoặc khoảng sân rải sỏi trong nhà.
Cấu trúc của nhà cổ là hình vuông, vì vậy ánh sáng mặt trời có thể đi đến mọi ngóc ngách trong ngôi nhà tùy vào từng thời điểm trong ngày.
Những khoảng "giếng trời" tự nhiên giúp mọi người vừa làm việc, sinh hoạt, vừa ngắm trời xanh mây trắng như một bức tranh.
Họ có một phòng trà để cùng tụ tập vào mỗi buổi chiều.
Thỉnh thoảng, bạn sẽ nghe thấy tiếng mèo đi trên mái nhà ban đêm. Sáng sớm, nắng xuyên qua các kẽ hở trên tấm gỗ, chiếu từng dải xuống giường, trở thành chiếc đồng hồ báo thức tự nhiên.
Đó là những trải nghiệm rất bình yên khi sống trong một không gian đậm mùi truyền thống.
Cách đó không xa là căn nhà hai tầng được cải tạo khang trang, xây cùng một xưởng vẽ bên cạnh.
Ngôi nhà này được lắp đặt với nhiều cửa sổ kính, giúp tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên.
Ở phía sân sau, họ có một trang trại nhỏ để nuôi gà, vịt, thỏ và trồng rau. Mỗi lần nấu nướng, họ chỉ cần đi thẳng ra vườn là có được những nguyên liệu thực phẩm tươi mới nhất.
Phòng ăn đặt ở ngoài sân, là một gian nhà kính, diện tích rộng rãi, có bộ bàn lớn cùng những chiếc ghế dài để cả nhóm cùng nhau ăn uống.
Họ sống gần nhau để tiện bề tụ họp, chăm sóc và giúp đỡ.
"Động vật hoang dã là hàng xóm, núi đồi hun hút là sân chơi"
Hệ sinh thái trên núi rất đa dạng. Lúc đầu, Tiểu Khả còn hoảng sợ khi thấy rắn bò vào nhà. Nhưng sau vài lần được mọi người chỉ dạy, giờ anh đã có thể tự nhiên bắt rắn rồi thả về núi.
Thỉnh thoảng, họ còn gặp heo rừng, hoẵng núi, sóc đột nhập vào nhà. "Khi quen rồi, mọi người sẽ thấy những loài động vật hoang dã giống như hàng xóm mà thôi. Thỉnh thoảng xuất hiện, chào hỏi, không can thiệp lẫn nhau, và mỗi người đều có vị trí của mình trong núi", Tiểu Khả cười đùa.
Sống trên núi không đơn thuần là "sở thích ẩn dật thư thái" như nhiều người tưởng tượng, thực tế có rất nhiều việc cụ thể phải làm.
"Khi cỏ dại mọc um tùm thì phải nhổ cỏ, khi lá rụng vào mùa thu đông thì phải nhanh tay quét dọn liên tục. Mọi thứ trên núi đều có nhịp điệu riêng của nó. Con người khó có thể thay đổi tự nhiên, chỉ có thể thích nghi với những điều đó.
Đợi đến khi bản thân quen với lối sống này, bạn mới cảm nhận được vẻ đẹp thực sự của cuộc sống miền núi. Bạn không cần phải cố đi tìm cảm hứng, hầu hết mọi thứ bạn nhìn thấy đều là tự nhiên. Đó chính là cảm hứng bất tận", Tiểu Vận chia sẻ.
Khi mới tới đây, cô đặc biệt ấn tượng bởi sự khác biệt giữa cuộc sống trên núi và thành phố.
"Ở Bắc Kinh, lúc nào tôi cũng tâm niệm sẽ cố gắng làm việc vài năm, sau đó dành thời gian để tập trung sáng tạo. Tuy nhiên, guồng quay cuộc sống luôn đẩy mình không ngừng tiến lên, chưa bao giờ có thể dừng lại.
Sau khi đến vùng núi, tôi mới thấy rằng nó không bất tiện như mình từng tưởng tượng. Ngọn núi này có điện, có Internet, có cả một nhà hàng nhỏ và điểm thu gom chuyển phát nhanh.
Điều quan trọng là ở đây, chỉ đối mặt với thiên nhiên và chính mình, bạn sẽ dần nhận ra điều mình thực sự cần", Tiểu Vận cho biết.
Trước kia, một nửa thu nhập của cô dùng để trả tiền thuê nhà, nửa còn lại dùng để sinh hoạt, giao du kết bạn, mua sắm quần áo, nước hoa, trang sức, đủ thứ linh tinh.
Bây giờ sống ở miền núi, lòng ham muốn vật chất của cô giảm đi trông thấy. Quần áo hàng hiệu, giày mũ sặc sỡ hay nước hoa thơm nức trở thành những thứ không cần thiết. Ngoại trừ tiền mua đồ tạp hóa không thể "tự trồng được", chi phí điện nước, và một khoản tiền thuê nhà rất khiêm tốn, hầu như cô không còn việc gì phải chi tiêu.
Sau khi cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống trên núi, những người trẻ tuổi bắt đầu hành trình nuôi dưỡng thế hệ con cái của mình ngay tại đây. Cả gia đình Tiểu Khải và Tiểu Lôi đều đã có con. Họ đều sở hữu chung quan điểm nuôi dạy, đó là để con cái lớn lên tự do trên núi.
Họ thường đưa nhóm trẻ đi leo núi, phân biệt các loài cây, các loài động vật.
Sau này, khi trẻ biết đi, họ chỉ cho con những khu vực an toàn, rồi để trẻ tự khám phá. Họ muốn con mình khỏe mạnh, da ngăm đen và hiểu ngọn núi như nhà mình.
*Nguồn: Oneyi
Con trai xây nhà 170 m2 dành tặng cha mẹ: Từng là nhà cấp 4 nay thành 'biệt thự' giữa vùng quê