7 sự kiện nổi bật tuần qua
(Thethaovanhoa.vn) - Dưới đây là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua, được nhiều người dân trong cả nước quan tâm.
- Điếu văn các liệt sĩ CASA 212: Các anh đi để lại danh thơm 'Bộ đội Cụ Hồ'
- VIDEO: 'Người rơi nước mắt, trời tuôn mưa' đúng thời khắc truy điệu 9 chiến sĩ CASA-212
Từ ngày 1-7-2016, 18 Bộ luật và luật sẽ có hiệu lực, trong đó có nhiều luật quan trọng, liên quan đến việc trưng cầu dân ý đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước; tăng cường hiệu lực giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng...
Điển hình như: Luật trưng cầu ý dân; Luật điều ước quốc tế; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật an toàn thông tin mạng; Luật an toàn, vệ sinh lao động; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật thống kê; Luật thú y.
Trước đó, sáng 30-6, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về việc lùi thời hiệu thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13. Bên cạnh đó, Nghị quyết nêu bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Theo Nghị quyết này, thời hiệu thi hành của các Luật trên được lùi từ ngày 1-7-2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành, trừ một số quy định có lợi cho người phạm tội.
2. Tổ quốc ghi công 10 liệt sĩ hy sinh trong 2 vụ tai nạn máy bay
Tính đến ngày 28-6-2016, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn máy bay CASA-212, số hiệu 8983 đã tìm thấy 8 trong tổng số 9 thành viên của phi hành đoàn. Trục vớt được cả 2 hộp đen của máy bay CASA-212, số hiệu 8983.
Thi thể của 8 đồng chí đã được Tàu Bệnh viện và các tàu chuyên dùng của hải quân đưa về đất liền và được các cơ quan chuyên môn xác định danh tính trong ngày 29-6.
Sáng 30-6, Lễ tang cấp cao 9 đồng chí phi công thành viên tổ bay máy bay CASA-212 đã được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông.
Quang cảnh lễ viếng các liệt sĩ. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Ghi nhận sự hy sinh anh dũng của các đồng chí phi công và thành viên tổ bay máy bay CASA-212, Chủ Tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất đối với từng thành viên của Phi hành đoàn CASA-212; Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết định nâng lương một lần đối với Đại tá Lê Kiêm Toàn và 8 đồng chí còn lại, mỗi đồng chí thăng một bậc quân hàm.
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1169/QĐ-TTg cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" cho 10 liệt sĩ đã hy sinh trong tai nạn máy bay SU-30MK2 và CASA-212 gồm: Đại tá Trần Quang Khải, Đại tá Lê Kiêm Toàn, Đại tá Nguyễn Đức Hảo, Trung tá Nguyễn Văn Chính, Trung tá Nguyễn Ngọc Chu, Thiếu tá Lê Văn Đình, Đại úy Đỗ Văn Mạnh, Thượng úy Nguyễn Văn Thái, Thượng úy Nguyễn Bá Thế, Thượng úy Lê Đức Lam.
Hiện, các lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm kiếm Thượng úy Lê Đức Lam thành viên còn lại của phi hành đoàn và trục vớt các bộ phận còn lại của 2 máy bay CASA-212 và SU-30MK2.
3. Công bố kết luận về nguyên nhân cá chết ở miền Trung
Tại buổi họp báo Chính phủ chuyên đề tháng 6/2016, chiều 30/6, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đã cung cấp thông tin làm rõ hơn những quan tâm của báo chí và dư luận liên quan đến việc xử lý sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại miền Trung.
Theo đó, trong những tháng qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát các nguồn thải; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và đã phát hiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) có một số hành vi vi phạm; xác định những sự cố xảy ra trong quá trình vận hành thử nghiệm của FHS đã dẫn đến nước thải từ Công ty xả ra biển có chứa các độc tố Phenol, Xyanua, Hydroxit Sắt vượt quá mức cho phép là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.
Ông Trần Nguyên Thành (giữa), Chủ tịch HĐQT cùng ban lãnh đạo công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh
Formosa Hà Tĩnh cũng đã chính thức nhận trách nhiệm, xin lỗi người dân và Chính phủ Việt Nam về việc đã gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng; cam kết bồi thường thiệt hại về kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung với tổng số tiền 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD.
Formosa Hà Tĩnh cũng đã cam kết không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của Việt Nam. Cùng với đó là khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, hoàn thiện công nghệ của nhà máy theo yêu cầu của các Bộ, ngành Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tĩnh.
4. Cầu Ghềnh thông tàu sau 3 tháng bị chia cắt
Sáng 25-6, chuyến tàu hỏa đầu tiên chạy tuyến Hà Nội - Sài Gòn đã chính thức được lưu thông qua cầu Ghềnh (Đồng Nai), nối lại đường sắt Bắc - Nam sau hơn 3 tháng bị gián đoạn, do sự cố sà lan đâm sập cầu Ghềnh vào trưa 20-3.
Trước khi quyết định chính thức cho thông cầu, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã cho tàu chạy thử tải qua cầu Ghềnh nhiều lần. Sau các chuyến tàu chạy thử này, các kỹ sư của từng bộ phận kiểm tra sự liên kết của đường tàu, đo độ cân bằng của đường ray... Kết quả của hội đồng kỹ thuật sau khi kiểm tra thử tải cho thấy bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật nên quyết định chính thức cho thông tàu, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách, vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam và ngược lại.
5. Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2016 diễn ra từ 1 đến 4-7
Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2016 sẽ diễn ra trên cả nước từ ngày 1-4/7. Đây là kỳ thi quan trọng nhất trong năm, quy mô quốc gia với 2 mục đích: vừa dùng kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 có 120 cụm thi (gồm 50 cụm thi tốt nghiệp và 70 cụm thi đại học); tổng số điểm thi: 1.452; tổng số phòng thi: 31.292. Tổng số thí sinh đăng kí dự thi là 887.409.
Kỳ thi tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 180 phút. Các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT: thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng: thí sinh dự thi 4 môn như trên và thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường đại học, cao đẳng quy định. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT chỉ thi các môn xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
6. Huế - thành phố xanh quốc gia của Việt Nam năm 2016
Ngày 28-6, tại thành phố Huế đã diễn ra lễ công bố Huế là thành phố xanh quốc gia của Việt Nam năm 2016. Đây là kết quả cuộc bầu chọn do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) tổ chức, thông qua sự đánh giá của 17 thành viên độc lập của các tổ chức khác nhau trên thế giới thực hiện.
Năm 2016, thành phố Huế của Việt Nam cùng 127 thành phố đến từ 21 quốc gia khác trên khắp các châu lục được tham gia dự thi "Thành phố xanh quốc tế". Ngay trong lần tham gia đầu tiên, thành phố Huế đã vượt qua các tiêu chí khắt khe để lọt vào danh sách các thành phố xanh trên thế giới với cam kết đến năm 2020 Huế sẽ giảm 20% mức phát thải khí nhà kính so với mức phát thải của năm 2011.
Kèm với cam kết này là 7 chương trình hành động cụ thể, trong đó thành phố Huế chú trọng vào việc xanh hoá đô thị, phát triển du lịch xanh, xử lý nước thải và rác thải hiệu quả, hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo và nguyên liệu xây dựng thân thiện với môi trường...
7. Tôn vinh và phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam
Ngày 28-6, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001- 28/6/2016) với chủ đề “Gia đình yêu thương”.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và từng gia đình, từng cá nhân có những hành động thiết thực để tôn vinh và phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về gia đình, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam 2020 tầm nhìn 2030, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến 2020…
TTXVN/Hoài Nam (tổng hợp)