7 điều gốc rễ dẫn đến sự tụt dốc của một gia đình: Có nhiều hơn 3 thứ thì báo động ngày suy bại không còn xa nữa
Một gia đình dù là giàu có phát đạt hay suy bại tụt dốc thì đều có nguyên nhân, không gì là tự nhiên, càng không phải do ông trời bạc đãi, mà là do chính người trong dòng tộc đã phạm phải một số sai lầm. Dưới đây là 7 nguyên nhân gốc rễ thường dẫn đến sự suy bại của một gia đình, nếu có trên 3 thứ thì tình trạng của bạn đã đến mức báo động rồi đấy!
1. Gia đình bất hòa, không một lòng
Nhiều người cho rằng sự bất hòa là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu sự suy bại của một gia đình. Người xưa cũng có câu: "Gia hòa vạn sự hưng." Muốn gia đình ngày càng phát triển thì mối quan hệ giữa các thành viên cũng phải ngày càng hòa hợp.
Trong lịch sử Trung Quốc có một doanh nhân tên Kiều Trí Dung, do gia đình làm ăn thất bại, Kiều Trí Dung dù không thích chuyện kinh doanh, cũng đành bỏ dở sự nghiệp văn bút, thậm chí bỏ cả người yêu thanh mai trúc mã của mình để về khôi phục lại gia trang, chấn hưng gia tộc. Gia đình và bạn bè đã giúp Trí Dung rất nhiều trong việc khôi phục lại Kiều gia. Cùng với tài năng kiệt xuất và tấm lòng nhân hậu bác ái hiếm có, cuối cùng Kiều Trí Dung cũng vượt qua những sóng gió trên đường đời, từ đó chấn hưng Kiều gia, khôi phục lại một gia tộc đứng bên bờ vực của sự suy vong. Câu chuyện về Kiều gia "phú khả địch quốc" nổi tiếng đến mức đã được chuyển thể thành phim, mang tên "Kiều Gia Đại Viện".
Cựu Tổng đốc Lưỡng Quảng thời nhà thanh, Lý Hồng Chương cũng đã từng tặng cho Kiều gia một đôi liễn: "Con cháu hạnh đức là sự hưng thịnh của dòng tộc. Huynh đệ hòa thuận là tài nguyên của gia đình."
Qua đó, ta thấy rõ, sự giàu có của một gia đình vốn không nằm ở vật chất, mà nằm ở tình thân.
2. Gia phong bất chính, tất có tai ương
Tôi đã từng chứng kiến một câu chuyện có thật như thế này:
Một cậu bé sinh ra trong gia đình giàu có, trong quá trình trưởng thành, mỗi khi cậu gây rắc rối bên ngoài, gia đình đều sử dụng tiền để giúp cậu giải quyết ổn thỏa. Dần dần, trong nhận thức của cậu bé đã hình thành kiểu tư duy, không có gì trên thế giới mà không thể giải quyết được bằng tiền. Khi cậu ta lớn lên, để kiếm tiền, cậu bất chấp mọi giá, cuối cùng dấn thân vào con đường tù tội.
Thứ mà một gia đình truyền thừa lại cho thế hệ sau này không chỉ có huyết thống mà còn có cả gia phong. Có câu: "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời." Một gia phong tốt, bất cứ lúc nào cũng là gốc rễ của sự thịnh vượng trong một gia đình. Gia đình nghèo cũng có thể phất lên nhờ có tư duy giáo dục tốt, và ngược lại, một gia đình dù giàu có đến đâu, nếu gia phong tệ thì có núi vàng cũng sẽ bị bào mòn nhanh chóng. Vì thế, để lại tài sản cho con cái thừa kế, chi bằng để lại đức hạnh cho con cái thì tốt hơn.
3. Lười biếng là một thói xấu
Trang mạng Zhuanlan của Trung Quốc từng có một thời phát sốt với tin tức, một quản lý tầng trung của một doanh nghiệp nhà nước, có sự nghiệp gia đình viên mãn, nhưng sau khi dính vào cá độ bóng đá, anh đã thua tất cả tài sản tích lũy của gia đình.
Không chỉ thế anh còn mắc nợ thêm một số tiền lớn ở bên ngoài. Mà khoản nợ này, dựa vào thu nhập của anh và vợ thì phải mất hơn 20 năm mới có thể trả hết, một gia đình hạnh phúc cứ thế bị hủy đi một cách dễ dàng. Sự lười biếng và sa lầy vào những thói quen xấu không chỉ hủy hoại một người, mà còn hạ gục cả một gia đình.
4. Xem nhẹ giáo dục
Một gia đình không coi trọng giáo dục cũng giống như một cái bình bị thủng đáy, cho dù có bao nhiêu nước thì cái bình cũng không cách nào chứa được. Có nhiều gia đình ép con nghỉ học để đi làm sớm, kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, nhưng họ lại chỉ thấy cái lợi trước mắt, mà không biết rằng học vấn sẽ mang lại cho con cái họ nhiều lợi ích hơn trong tương lai.
Kiến thức không chỉ có thể thay đổi số phận của một cá nhân, mà còn quyết định hướng đi tương lai của một gia đình. Một gia đình không có mùi thơm của sách, thì dù có nhiều tiền cũng khó giữ được.
5. Không coi trọng sức khỏe
Trong bộ phim tài liệu của BBC, "Sự Thật Về Sức Khỏe", các nhà nghiên cứu đã phát hiện: Người càng nghèo thì càng không chú trọng đến sức khỏe.
Họ thích ăn các loại đồ ăn vặt, không thích thể thao, và không có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ. Vì thế mà họ thường có nhiều khả năng mắc bệnh, và một khi bị bệnh thì sẽ rất dễ bị phá sản.
Tờ "Nhật Báo Chiết Giang" của Trung Quốc từng đăng một tin tức như này:
Anh Lý 30 tuổi, vì đau dạ dày nên đã đến bệnh viện để kiểm tra và được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Bác sĩ nhìn kết quả xét nghiệm mà thở dài, dạ dày đã bị thối rữa, và các tế bào ung thư đã di chuyển từ dạ dày đến gan. Anh Lý thức đêm đã liên tục hơn 1 năm, không bao giờ tập thể dục, thích uống rượu và bỏ bữa chính. Gia đình cũng nhiều lần nhắc nhở anh chú ý đến sức khỏe, nhưng anh luôn nói mình còn trẻ, không cần lo. Sau khi biết được bệnh tình, gia đình anh đã phải chi rất nhiều tiền để chữa trị, nhưng sau 3 tháng, anh Lý vẫn không qua khỏi.
Có người nói rằng giữa tầng lớp trung lưu và người nghèo, giữa sự thịnh vượng vừa phải và nghèo đói cùng cực, chỉ có một khoảng cách rất nhỏ, đó là bệnh tật. Nếu để sức khỏe của bạn bị đe dọa, nó đồng nghĩa với việc gia sản của bạn cũng đang bị đe dọa. Những người không coi trọng sức khỏe là những người vô trách nhiệm nhất đối với gia đình của chính mình.
6. Nhận thức hạn hẹp
Vào những năm 1990, nhà xã hội học người Mỹ, Barbara vì muốn tìm hiểu lý do vì sao người nghèo không thể "trở mình", đã làm một thí nghiệm xã hội.
Cô hóa thân thành tầng lớp lao động bình thường, trà trộn vào tầng thấp nhất trong xã hội và sống với những người lao động đang phải vật lộn với các vấn đề cơm áo gạo tiền. Sau khi tiếp cận với các nhóm người khác nhau thuộc tầng lớp này, cô kết luận rằng: Nguyên nhân gốc rễ của sự nghèo khổ của một gia đình không phải là nghèo đói về mặt kinh tế, mà là nghèo về nhận thức.
Mức độ nhận thức của một người quyết định họ thuộc về tầng lớp nào trong xã hội. Nếu các thành viên trong gia đình có nhận thức hạn hẹp, thiếu tư duy lâu dài thì dù có nỗ lực, chăm chỉ đến đâu cũng chỉ là vô ích.
7. Không biết tiết kiệm
Tăng Quốc Phiên từng nói: "Gia cần tất hưng, người cần tất kiệm, vĩnh viễn không sợ nghèo."
Tăng Quốc Phiên lấy hai chữ "cần kiệm" làm nguyên tắc sống. Quần áo, giày và vớ của ông đều được may bởi nữ quyến trong nhà. Khi ăn cũng chỉ luôn dùng 1 món, chứ không bày biện quá nhiều. Nhà có khách mới phá lệ làm thêm một món mặn.
Vì thế mà hậu duệ của Tăng Quốc Phiên ai cũng thấm nhuần tính cách cần kiệm này của ông. 8 đời nhà Tăng Thị đã có tới hơn 240 người thành danh và không một ai là kẻ vô dụng.
Giàu có không có nghĩa là được lãng phí. Các thành viên trong gia đình biết tiết kiệm, tích lũy, thì khi đối mặt với sự vô thường trong đời, những sự cố bất ngờ mới có thể gánh vác nổi.
Gia đình là một tổng thể. Sự hưng thịnh của một gia đình có được là nhờ vào nỗ lực chung của tất cả các thành viên. Ai cũng có vai trò riêng, trách nhiệm riêng để duy trì và phát triển tổ ấm.