69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023): Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tấm lòng trân trọng, mối quan tâm sâu sắc và những mong muốn thiết tha về Hà Nội. Người cũng luôn dành cho cán bộ và nhân dân Thủ đô những tình cảm đặc biệt…
Người nhấn mạnh: "cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta" và nhắc nhở phải "làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần".
Hà Nội đón Bác về trong những mùa thu lịch sử
- Mùa thu lịch sử năm 1945, sau ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, Hà Nội lần đầu tiên đón Bác Hồ về đọc Tuyên ngôn Độc lập
Ngày 26/8/1945, Hà Nội lần đầu đón Bác trở về từ chiến khu Việt Bắc. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Bác đã soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào: "… Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Đáp lại lời Người, cả quảng trường hô vang: Việt Nam độc lập muôn năm! Ủng hộ Mặt trận Việt Minh! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến qua Đài Tiếng nói Việt Nam: "Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Câu nói ấy đã ngân vang đến mọi miền đất nước và đi vào tâm thức của mỗi người dân Việt Nam như một lời hiệu triệu của non sông đất nước.
Tết Bính Tuất năm 1946 là Tết độc lập đầu tiên sau gần một thế kỷ dân tộc ta bị nô lệ, nên đồng bào cả nước vô cùng vui mừng phấn khởi. Đối với Bác, đây cũng là lần đầu tiên Bác được đón Tết ở Thủ đô.
Trong đêm giao thừa, Bác đã đi thăm Hồ Gươm, đến thắp hương ở Đền Bạch Mã, rồi đi chúc Tết một số gia đình người dân ở Hà Nội, như: gia đình cụ Nguyễn Văn Tố ở phố Hàng Sắt, cụ Vương Kim Toàn ở trước cổng chợ Hôm; gia đình Giáo sư Tôn Thất Tùng, gia đình đồng chí Trần Duy Hưng và một số gia đình công nhân lao động. Các gia đình được Bác đến thăm và chúc Tết đều rất xúc động.
- Mùa thu lịch sử năm 1954, Hà Nội lại được đón Bác về sau ngày Giải phóng Thủ đô
Sau cái Tết Độc lập đầu tiên năm 1946, dân tộc ta lại bước vào 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp và cuối cùng đã giành thắng lợi vẻ vang. Đầu tháng 10/1954, ta chuẩn bị mọi điều kiện để tiếp quản Thủ đô.
16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút hết sang phía Đông cầu Long Biên để rời khỏi Hà Nội. Đến 16 giờ 30, Quân đội Nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố, tiếp quản toàn bộ thành phố Hà Nội gọn gàng và trật tự. Ngay trong ngày 9/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng trên Báo Nhân Dân, trong đó Bác đề cập đến các vấn đề như giữ gìn trật tự, an ninh, duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán cũng như văn hóa…, đồng thời yêu cầu nhân dân, bộ đội và cán bộ phải thi hành đúng chính sách và tuân theo kỷ luật mà Ủy ban Quân chính đã công bố. Chia sẻ về điều này, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, người chuyên sưu tầm tư liệu về Hà Nội cho rằng, đây là điều đặc biệt, bởi Hà Nội là nơi duy nhất Bác có viết lời kêu gọi này. Lời kêu gọi Bác viết: "Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!... Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là: người đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân"
Ngày 10/10/1954, ngay khi nhân dân Hà Nội với cờ hoa, khẩu hiệu chào đón đoàn quân chiến thắng trở về, Bác viết bài "Giữ gìn trật tự, an ninh" đăng trên báo Nhân dân khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng một "Thủ đô bình yên, tươi đẹp". Bác viết: "Chính phủ ta đã về Thủ đô. Hiện nay, việc quan trọng nhất của Thủ đô là giữ vững trật tự, an ninh. Có giữ vững trật tự, an ninh, thì nhân dân Thủ đô mới an cư, lạc nghiệp... Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khoẻ cả về vật chất và tinh thần".
Sau đó 3 ngày, Bác đã chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ tại Hà Nội. Kết thúc hội nghị, Bác nói: "Việc tiếp quản Thủ đô thành công là do dân ta tốt, bộ đội ta tốt. Sau những ngày vui vừa qua cần giải quyết tốt những phát sinh mới xảy ra... Cuộc đấu tranh tuy còn khó khăn, gian khổ nhưng chính nghĩa về ta. Đoàn kết tốt ta nhất định thắng".
Trong không khí sôi động và hồ hởi khi mọi người cùng bắt tay xây dựng cuộc sống mới, ngày 13/10/1954, Bác đã viết bài đăng trên Báo Nhân Dân, động viên nhân dân Hà Nội: "Mỗi một người dân Hà Nội, bất kỳ thuộc tầng lớp nào, bất kỳ làm công việc gì, đều cần phải cố gắng làm trọn nhiệm vụ của mình, đều cần phải góp phần vào công việc ổn định sinh hoạt của Thủ đô ta".
Chiều 15/10/1954, Chính phủ và Bác chuyển từ Sơn Tây về Hà Nội. Tin Bác về Thủ đô tuy chưa công bố nhưng người dân Hà Nội đã chuẩn bị cờ hoa, biểu ngữ suốt dọc đường từ Hàng Đẫy, Cửa Nam về Đồn Thủy (nơi làm việc tạm thời của Chính phủ khi mới về Hà Nội những ngày đầu giải phóng) để đón Bác. Kể từ thời điểm đó, Bác đã sống và làm việc tại Thủ đô cho đến khi qua đời (2/9/1969).
Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Thủ đô Hà Nội
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội trên mỗi bước đường chiến đấu và chiến thắng.
Ngay từ khi chưa về sống và làm việc tại Thủ đô, người đã luôn nghĩ về Hà Nội, vì Hà Nội. Điều này thể hiện qua những bài nói, bài viết và những lá thư động viên, cổ vũ của Người đối với mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Ngay sau khi đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), Bác liền gửi thư nhắn nhủ chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, những người đã dũng cảm "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" rằng: "lòng Già Hồ luôn luôn ở bên cạnh các em".
Trong những năm tháng gian lao kháng chiến chống Pháp, Bác đã gửi thư cho đội du kích Thủ đô và đồng bào vùng Hà Nội, khen ngợi những chiến công của quân dân Hà Nội. Bác "viết thư này với cả tấm lòng thương xót, yêu mến và tin tưởng"; đồng thời nhấn mạnh: "Đồng bào vùng Hà Nội đang nêu gương dũng cảm cho toàn quốc"…
Dù phải gian lao kháng chiến, dù bộn bề công việc quốc gia đại sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành cho đồng bào và chiến sĩ Thủ đô sự quan tâm ân cần, chu đáo. Bác dõi theo mỗi khó khăn, thắng lợi và từng bước phát triển để kịp thời chia sẻ, động viên, cổ vũ quân dân Thủ đô kiên cường và kiên trì kháng chiến, cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau khi về Hà Nội khi Thủ đô được giải phóng, ngày 16/10/1954, tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh có buổi tiếp chuyện thân mật với các đại biểu nhân dân thủ đô. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1946, các cụ, các mẹ, anh chị em và các cháu thiếu nhi Hà Nội lại được gặp trực tiếp Bác Hồ, được nghe lại tiếng nói ấm áp của Bác, nên ai cũng xúc động. Cuối buổi nói chuyện, Bác đã gửi lời hỏi thăm tới toàn thể đồng bào, chiến sĩ Hà Nội và tin tưởng: "Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta".
Trải qua 15 năm sống và làm việc tại Hà Nội, cứ mỗi dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc, Bác luôn dành trọn những ngày nghỉ của mình để đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sĩ. Đặc biệt là những đêm giao thừa, Bác thường ghé thăm những người lao động mà không thông báo trước. Ai cũng xúc động và cảm nhận sâu sắc về tấm lòng nhân ái, sự quan tâm chu đáo và tình thương bao la vô bờ bến của Bác dành cho các tầng lớp nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng. Những lần gặp Bác là kỷ niệm không bao giờ phai trong ký ức của người dân và cán bộ và chiến sĩ Thủ đô Hà Nội.
Đối với Đảng bộ thành phố Hà Nội, Bác luôn có những quan tâm, hướng dẫn từ chủ trương, bước đi cụ thể. Bác lưu ý "phải xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa" và yêu cầu: "Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng"… "Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu", "Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác"…
Bác kính yêu đã đi xa hơn 50 năm, song tấm lòng, tình cảm, lời dặn dò tâm huyết và những chỉ dẫn kịp thời của Bác đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Thủ đô. Đó cũng chính là ánh sáng soi đường, cổ vũ, động viên cán bộ và nhân dân Thủ đô trên những chặng đường cách mạng, để một Hà Nội với bề dày truyền thống lịch sử luôn được bảo tồn và phát triển, không chỉ kiên cường, anh dũng, hào sảng trong lửa đạn của chiến tranh mà còn thơ mộng, hòa bình trong "trái tim của cả nước"; xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước Việt Nam đổi mới và hội nhập; luôn là niềm tin yêu, hy vọng của nhân dân cả nước trước những thách thức của hôm nay và mai sau.
69 năm Thủ đô được giải phóng, hình ảnh Bác kính yêu, cùng hình ảnh đoàn quân hùng dũng tiến về Hà Nội năm nào lại hiện về, như tiếp thêm sức mạnh cho Thủ đô yêu dấu của chúng ta tiếp tục vững bước đi lên trong những chặng đường mới.