62 năm Thông tấn xã Giải phóng: Sẵn sàng hy sinh cho những dòng tin 'chảy mãi'
Thông tấn xã Giải phóng là một trường hợp hiếm có và có lẽ là có một không hai trong lịch sử báo chí thế giới.
Ra đời và trưởng thành dưới bom đạn kẻ thù, ở giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, nên Thông tấn xã Giải phóng đã chịu nhiều tổn thất, hy sinh mà có lẽ hiếm một cơ quan báo chí nào trên thế giới phải trải qua. Nhưng cũng vì thế những chiến công, những vinh quang mà Thông tấn xã Giải phóng gặt hái được cũng khó ai có thể sánh bằng.
Những dòng tin, những bức ảnh thấm đẫm mồ hôi và máu của những nhà báo-chiến sỹ Thông tấn xã Giải phóng
62 năm đã trôi qua kể từ thời khắc 19 giờ ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc ở tỉnh Tây Ninh, Thông tấn xã Giải phóng đã phát đi bản tin đầu tiên, trịnh trọng thông báo về sự ra đời của hãng thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam: “Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có nhiệm vụ phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam. Ngoài ra Thông tấn xã Giải phóng cũng sẽ cung cấp một số tài liệu về tình hình địch và ta để vạch trần âm mưu, ý đồ của địch cũng như để làm sáng tỏ đường lối, chính sách của cách mạng”.
Kể từ ngày đó, những dòng tin, những bức ảnh thấm đẫm mồ hôi và máu của những nhà báo-chiến sỹ Thông tấn xã Giải phóng đã trở thành nguồn thông tin không thể thiếu của nhiều cơ quan báo chí Việt Nam và thế giới.
Ra đời trong hoàn cảnh gian khổ, khắc nghiệt của chiến tranh, Thông tấn xã Giải phóng liên tục phải sơ tán trụ sở chính hàng chục lần, khi ở chiến khu Tây Ninh, lúc dời sang Mã Đà (địa phận Đồng Nai) thuộc chiến khu Đ, rồi quay lại Tây Ninh, có lúc ở giáp biên giới Campuchia, thậm chí còn ở tạm trên đất Campuchia khi Mỹ mở rộng chiến tranh và chuyển về lại Tây Ninh sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973.
Nhưng bản tin Giải phóng xã vẫn luôn đều đặn lên sóng vào 18 giờ hàng ngày, không chỉ cung cấp kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí, mà còn giúp Trung ương Cục miền Nam phân tích, nhận định tình hình để đi đến những quyết định có tính chiến lược, chỉ đạo kịp thời hoạt động trên chiến trường.
Trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến, không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng. Ở đâu có trận đánh là ở đó phóng viên Thông tấn xã Giải phóng có mặt. Tin, ảnh của Thông tấn xã Giải phóng từ Cà Mau đến Quảng Trị, từ vùng nông thôn U Minh Thượng đến đô thị Sài Gòn-Gia Định... đều luôn nóng hổi tính thời sự.
Những phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng tràn đầy nhiệt huyết, bất chấp gian khổ, hy sinh, có mặt trên khắp các mặt trận, các chiến trường để đưa những bức ảnh, dòng tin còn khét mùi thuốc súng về cuộc chiến đấu gian khổ và những chiến thắng vẻ vang của quân dân miền Nam...
Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, những bước chân của các nhà báo, cán bộ kỹ thuật Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã đã theo sát từng bước chân thần tốc, dũng mãnh của những đoàn quân giải phóng tiến về giải phóng Sài Gòn, đón ngày đại thắng của dân tộc...
Những dòng tin, những bức ảnh của phóng viên Thông tấn xã Giải phóng không chỉ mang giá trị tiếp sức, chia lửa với chiến trường, truyền sức mạnh tinh thần đến mỗi người dân Việt Nam, mà còn là những bằng chứng lịch sử vô giá, sống mãi với thời gian... Đúng như 16 chữ vàng mà Trung ương cục miền Nam đã khen tặng Thông tấn xã Giải phóng năm 1968: “Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.
Trưởng thành trong khói lửa chiến tranh
Hơn 15 năm ra đời, trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, Thông tấn xã Giải phóng đã đi từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh. Vừa chiến đấu, vừa xây dựng đội ngũ, vừa làm nhiệm vụ thông tin, lực lượng của Thông tấn xã Giải phóng đã ngày càng lớn mạnh, được tôi luyện qua từng trận đánh, từng chiến dịch.
Từ lúc ban đầu chỉ là một đơn vị kỹ thuật truyền tin với khoảng 10 người, đến thời điểm cuối năm 1974, quân số của Thông tấn xã Giải phóng đã lên đến 441 người, với đầy đủ các phòng-ban tin, ảnh, văn phòng, kỹ thuật, điện báo...
Thông tấn xã Giải phóng là đơn vị có quy mô lớn nhất trong số các cơ quan của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam với những thiết bị truyền thông hiện đại nhất và có tính bảo mật cao thời bấy giờ như máy phát điện, máy phát sóng, máy thu phát teletype, telephoto... Hệ thống kỹ thuật của Thông tấn xã Giải phóng thu-phát được tin, ảnh nhanh nhất, chất lượng cao nhất trong khối thông tin báo chí cách mạng tại miền Nam.
Trong những năm tháng chiến đấu ác liệt đó, nhiều phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên…Thông tấn xã Giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại trên những cánh rừng. Hài cốt của một số anh chị đến nay vẫn chưa tìm thấy. Hàng chục người khác đã để lại một phần xương máu của mình trên chiến trường.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Thông tấn xã Giải phóng có hơn 240 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên... hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thông tin hoặc trực tiếp chiến đấu, tương đương 50% tổng biên chế của Thông tấn xã Giải phóng vào thời điểm cuối năm 1974.
Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hy sinh lớn nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Đó thực sự là tổn thất vô cùng lớn, nhưng cũng là niềm tự hào của Thông tấn xã Giải phóng nói riêng, Thông tấn xã Việt Nam nói chung.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của một thế hệ những cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên… luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp thông tấn, báo chí và sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Thông tấn xã Giải phóng: Huân chương Thành Đồng hạng Nhì (1967), Huân chương Giải phóng hạng Nhất (1975). Gần đây nhất, ngày 1/9/2020, Chủ tịch nước đã ký quyết định số 1521/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của Thông tấn xã Giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tiếp bước truyền thống vẻ vang
Ngày 24/5/1976, Thông tấn xã Giải phóng chính thức hợp nhất về ngôi nhà chung Việt Nam Thông tấn xã - cơ quan thông tấn duy nhất của nước Việt Nam thống nhất, hòa với khí thế cách mạng chung của toàn dân tộc, bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Và kể từ ngày 1/9/1976, các bản tin chính thức mang tên Thông tấn xã Việt Nam.
Tiếp bước truyền thống vẻ vang, đầy tự hào của Thông tấn xã Giải phóng, Thông tấn xã Việt Nam hôm nay đã trở thành một cơ quan báo chí lớn mạnh, phát triển vượt bậc với hệ thống cơ quan thường trú rộng khắp tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 30 cơ quan thường trú ở nước ngoài đặt tại tất cả 5 châu lục, Thông tấn xã Việt Nam hiện là cơ quan báo chí trong nước duy nhất có lực lượng phóng viên tác nghiệp trên khắp mọi miền đất nước và những địa bàn trọng điểm trên thế giới.
- Thông tấn xã Giải Phóng: Chứng nhân cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc
- Cảm nghĩ của thế hệ hôm nay về Thông tấn xã Giải phóng
- 60 năm Thông tấn xã Giải phóng: Ký ức về những ngày tác nghiệp ở vùng kháng chiến U Minh Thượng
Trong bất kỳ chiến dịch thông tin nào, nguồn tin thông tấn luôn là dòng thông tin chủ lưu trong các sự kiện trọng đại của đất nước hay các sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, SEA Games 31,...
Đặc biệt là trong đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua, những người làm báo thông tấn đã vượt lên mọi khó khăn, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh và sự tận tâm cống hiến. Các phóng viên ở khắp các địa bàn trong và ngoài nước không quản ngại nguy cơ lây nhiễm, sẵn sàng sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch để có những thông tin, hình ảnh chân thực nhất...
Có thể nói, sự trưởng thành, lớn mạnh của Thông tấn xã Việt Nam hôm nay là thành quả của biết bao công lao, trí tuệ, mồ hôi, xương máu của lớp lớp các thế hệ những người làm báo thông tấn, trong đó có sự đóng góp đặc biệt nổi bật của những người từng đứng trong đội ngũ Thông tấn xã Giải Phóng.
Ngọc Lan/TTXVN (tổng hợp)