60 năm ngày tài tử trẻ James Dean qua đời: Người thành huyền thoại, phim bị lãng quên
(Thethaovanhoa.vn) - Dù James Dean rất nổi tiếng và là nguồn cảm hứng của thơ văn nhạc kịch, nhưng rất ít người dưới 35 tuổi còn xem phim của anh. Một cuộc khảo sát nhỏ với các sinh viên cho kết quả rằng chỉ 2 người từng xem Rebel Without A Cause, và chỉ 1 người nói đã xem East Of Eden “từ lâu lắm rồi”.
Ngày 30/9/1955, James Dean đã tử vong khi chiếc Porsche Spyder của anh đâm vào một chiếc xe khác trong cuộc đua. Anh đi vào huyền thoại mãi mãi thanh xuân ở tuổi 24.
Trong ký ức của nhiều khán giả, hình ảnh James Dean xuất hiện nhiều nơi trong ngôi nhà thơ ấu của mình, bởi anh là thần tượng của cha mẹ họ. Họ nhớ như in bức ảnh anh rảo bước qua Quảng trường Thời đại trong cơn mưa, đôi vai chùng xuống, điếu thuốc trên môi. Bức ảnh đó được chụp một năm trước ngày Dean qua đời.
Cả đời đóng 3 phim
Đến tận ngày nay, Dean vẫn là gương mặt đẹp trai được yêu thích nhất trên các áp phích điện ảnh. Vẻ đẹp trẻ thơ nhưng lại có phần đăm chiêu của anh khiến khán giả không thể rời mắt. Một vẻ đẹp tương đồng với vẻ nam tính xen lẫn ủy mị mà Marlon Brando là người tiên phong thể hiện trên màn ảnh. Từ thập niên 1950, các đạo diễn đã tận dụng tối đa vẻ đẹp này khi liên tục để Dean xuất hiện nổi bật trên các áp phích.
Trong cuộc đời 24 năm, với sự nghiệp chỉ kéo dài 18 tháng, Dean mới đóng 3 phim điện ảnh, một con số vô cùng ít ỏi. Đáng chú ý nhất trong số này là phim East Of Eden (Phía Đông vườn địa đàng), bản chuyển thể của đạo diễn Elia Kazan từ tiểu thuyết cùng tên của John Steinbeck.
Hai phim còn lại là Giant (Người khổng lồ), phim của George Stevens có cả Elizabeth Taylor đóng, nhưng chưa quay xong, và Rebel Without A Cause (Nổi loạn không mục đích), bộ phim Dean đã đóng xong vài tháng trước khi chết nhưng ấn định ngày ra rạp vào 1/11 năm đó.
Giant kém nhất trong cả 3 phim, nhưng về điểm số cũng không hẳn tệ, được 7,8 trên IMDB. Còn Rebel Without A Cause là 7,8 và East Of Eden là 8.
Cho đến khi qua đời, Dean vẫn là một diễn viên chưa mấy nổi tiếng với khán giả đại chúng. Nhưng cái chết của anh lại được thông tin rộng rãi trên toàn nước Mỹ, xuất hiện trên trang nhất các báo. Các cô gái tuổi teen, tò mò bởi thông tin này, đã đổ xô đi xem Rebel Without A Cause. Họ bỗng dưng thấy tiếc nuối vô hạn vì một chàng trai quá trẻ, quá đẹp và tài năng như vậy lại chết sớm.
Do đạo diễn vĩ đại Nicholas Ray thực hiện, Rebel Without A Cause kể về một ngày trong cuộc đời của 3 người trẻ tuổi nổi loạn, do Dean, Natalie Wood và Sal Mineo đóng. Nhân vật của Dean tên là Jim Stark, chàng trai trẻ vừa chuyển đến thị trấn, một người thích châm chọc, đại diện những kẻ nổi loạn điển hình của nước Mỹ.
Vẻ đẹp trường tồn nhưng lối diễn thì không
Đáng buồn là cả East Of Eden lẫn Giant đều không đứng vững trước thử thách thời gian.
Trong East Of Eden, Dean vào vai cậu con trai bướng bỉnh cố gắng giành được sức ảnh hưởng đối với cha mình. Diễn xuất của anh được công nhận ở thời điểm đó, được đề cử giải Oscar (và trong Giant cũng vậy).
Nhưng ngày nay, khi nhìn lại, độ ấn tượng đã phai nhạt nhiều. Người ta nhận ra rằng Dean diễn xuất có phần giả tạo. Lúc anh bồn chồn, cười khúc khích, bĩu môi, ngập ngừng hay nhướng mắt đều trông giống Brando khi khởi đầu sự nghiệp.
Điều này không có nghĩa là Dean không sáng tạo, mà ngược lại. Cùng với những diễn viên thế hệ trước như Brando hay Montgomery Clift, Dean đã bất chấp các quy ước, mang bản năng vào các vai diễn của mình. Nhờ đó, các vai của Dean thể hiện được những khó khăn và lo âu của người trẻ lớn lên và trưởng thành ở thập niên 50.
“Dean là một thiên tài đặc biệt” – diễn viên kỳ cựu Martin Sheen, nói trong bộ phim tài liệu James Dean: Forever Young (2005).
Nhưng bản năng của thập niên 1950 so với thứ bản năng mà điện ảnh ngày nay đòi hỏi thì cũng đã lỗi thời. Nay, 60 năm sau ngày Dean qua đời, khán giả yêu thích lối diễn chân thực hơn. Điện ảnh không có chỗ cho những cái nhướn mày khoa trương nữa. Dean vẫn sừng sững một biểu tượng văn hóa, với vẻ đẹp đông cứng cùng thời gian. Nhưng điện ảnh thì đã tiến bước và không ngừng biến động.
Hạ Huyền (theo Telegraph)
Thể thao & Văn hóa