6 khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
(Thethaovanhoa.vn) - Khi LHQ tiến gần tới lễ kỷ niệm 70 năm thành lập và trong bối cảnh các lãnh đạo thế giới tụ họp để tham dự phiên họp thường niên của Đại hội đồng LHQ, người ta đã nhân cơ hội để ôn lại 6 khoảnh khắc đáng nhớ đã hình thành tại các buổi họp trước đây.
1. Bài phát biểu kỷ lục của ông Fidel Castro
Nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro đã lên án Mỹ trong bài phát biểu dài nhất từ trước tới nay tại Đại hội đồng LHQ, trong ngày 26/9/1960. Bài phát biểu đó dài tổng cộng 4 giờ 29 phút.
Mặc bộ quần áo màu xanh quân đội quen thuộc, ông Castrol nói rằng cuộc cách mạng do ông lãnh đạo đã giúp Cuba thoát khỏi việc là "thuộc địa của Mỹ", tuy nhiên Mỹ vẫn tìm cách cổ súy và khuyến khích sự lật đổ chính quyền ở Cuba.
2. Màn đập giày của ông Khruschev
Trong một cuộc tranh luận tại Đại hội đồng LHQ về chủ nghĩa thực dân, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã phẫn nộ trước bài phát biểu của đại diện Philippines ở LHQ.
Khrushchev đứng lên và bắt đầu đấm xuống bàn giận giữ. Sau đó ông nhặt lấy chiếc giầy nằm dưới bàn và đập lên mặt bàn vài lần để thể hiện thái độ.
Cháu gái Khrushchev sau này kể rằng ông đi một đôi giày mới khá chật nên đã tháo ra trong lúc ngồi họp ở Đại hội đồng LHQ. Khi đứng lên phản đối, Khrushchev đấm xuống bàn mạnh tới nỗi chiếc đồng hồ đeo tay của ông rơi ra. Lúc cúi xuống để nhặt chiếc đồng hồ, ông bỗng thấy chiếc giày nên đã lấy nó để nện vào mặt bàn.
3. Cành ôliu hay khẩu súng
Yasser Arafat, nhà lãnh đạo của Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) đã lên phát biểu trước Đại hội đồng LHQ lần đầu vào ngày 13/11/1974. Ông trở thành đại diện đầu tiên của một tổ chức không phải thành viên LHQ phát biểu trước Đại hội đồng.
Lần đó ông kêu gọi LHQ để người Palestine được thiết lập chủ quyền trên quê hương. Bài phát biểu của ông đã gây ấn tượng mạnh với những người nghe.
"Ngày hôm nay, tôi tới đây mang theo một cành ôliu và một khẩu súng của chiến binh vì tự do. Đừng để cành ôliu rơi khỏi tay tôi. Xin nhắc lại: Đừng để cành ôliu rơi khỏi tay tôi" - ông nói.
Sau bài phát biểu của ông Arafat, PLO đã giành được vị trí quan sát viên tại LHQ và quyền tự quyết của người Palestine cũng được ghi nhận.
4. Tổng thống Mỹ bị gọi là quỷ
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã gọi Tổng thống Mỹ George W. Bush là "quỷ dữ" trong bài phát biểu dữ dội đọc trước Đại hội đồng LHQ vào ngày 20/9/2006. Ông tố cáo Bush hành xử giống như thể "sở hữu cả thế giới".
Rồi ông nhắc tới việc ông Bush đã phát biểu trước Đại hội đồng LHQ một hôm trước đó: "Ngày hôm qua, quỷ dữ đã tới đây". Ông còn gọi Bush là "phát ngôn viên của chủ nghĩa đế quốc", đang cố bảo tồn các phương thức thống trị và bóc lột người dân thế giới.
5. Xé rách hiến chương LHQ
Nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi đã lên đọc phát biểu tại Đại hội đồng LHQ lần đầu tiên sau 40 năm, vào ngày 23/9/2009. Ông đã có bài phát biểu dài tổng cộng 1 giờ 36 phút, với nội dung lên án LHQ do đã không thể ngăn chặn hàng chục cuộc chiến và còn bảo vệ quyền thành lập vương quốc Hồi giáo của Taliban.
Đã có lúc ông cầm trên tay một bản in hiến chương LHQ và dường như tìm cách xé nó. Ông nói rằng mình không thừa nhận giá trị của văn bản này. Cuối ngày hôm đó, Thủ tướng Anh Gordon Brown đã liên hệ tới sự kiện khi phát biểu trước Đại hội đồng: "Tôi đứng đây để tái khẳng định hiến chương LHQ, chứ không phải xé rách nó."
6. Lằn ranh đỏ về chương trình hạt nhân Iran
Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ trong ngày 27/9/2012, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã giơ ra hình vẽ một quả bom mang màu sắc biếm họa.
Quả bom được chia thành nhiều phần, đánh dấu 70 và 90%. Ông Netanyahu nói rằng Iran đã đi được 70% hành trình trong việc làm giàu uranium nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân. Ông kêu gọi thế giới đặt ra một "lằn ranh đỏ" rõ ràng và ngăn chặn chương trình hạt nhân Iran.
Tiếp đó ông vẽ một lằn ranh đỏ dưới phần đề 90% trong bức hình, nói rằng người Iran có thể đạt được mốc này vào giữa năm 2013. Ông khẳng định không điều gì có thể đe dọa thế giới lớn hơn việc Iran có vũ khí hạt nhân và nhắc lại rằng lằn ranh đỏ do mình vạch ra có thể ngăn chặn chiến tranh.
Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa