500 năm chuyến thám hiểm vĩ đại của Ferdinand Magellan: Tham vọng trả giá bằng cái chết
(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 10/8/vừa qua, Tây Ban Nha đã tiến hành chuỗi hoạt động kỷ niệm cột mốc 500 năm kể từ ngày nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan (1480-1521) khởi xướng một cuộc vượt biển vĩ đại nhất trong lịch sử.
5 thế kỷ trước, Magellan đã phát hiện ra tuyến đường biển giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương mà ngày ngay gọi là eo biển Magellan. Để hoàn thành chuyến thám hiểm đầy tham vọng ấy, ông đã trả một cái giá vô cùng đắt.
- Vượt Đại Tây Dương bằng xuồng cao su
- Lắp cáp quang siêu nhanh xuyên Đại tây Dương, Facebook sẽ thống trị thế giới
Giấc mơ về tuyến đường biển mới
Magellan sinh vào năm 1480 tại Bồ Đào Nha trong một gia đình Công giáo thuộc giới quý tộc. Năm ông 12 tuổi, nhà thám hiểm Christopher Columbus đã giong buồm tới châu Mỹ. Chuyến đi này đã truyền cảm hứng cho những người đi biển khác xúc tiến những hành trình khám phá táo bạo hơn bao giờ hết nhằm tìm kiếm những vùng đất mới và sự giàu có.
Sự khởi đầu của thời kỳ thuộc địa diễn ra đúng với thời sung sức của Magellan - người được xem là một kẻ liều lĩnh, nổi bật trong các nhiệm vụ quân sự ngay từ khi còn trẻ. Ông từng du hành đến Ấn Độ trên một chiếc tàu của Bồ Đào Nha. Rồi, trong 8 năm, Magellan đã tham gia chiến đấu tại các chiến trường thuộc địa ở châu Á và Bắc Phi.
Năm 1512, Magellan và một nhóm thủy thủ tới Quần đảo Spice huyền thoại, còn được gọi là Quần đảo Moluccas ở Đông Nam Á. Quần đảo này là nơi sinh trưởng của cây nhục đậu khấu và cây đinh hương. Ở các thị trường châu Âu, những cây có chất tăng cường hương vị kỳ lạ quý giá này có giá trị ngang vàng. Sau khi nhóm của Magellan trở về, số tiền thu được từ việc bán các cây có hương này đã khiến ông không còn phải lo gì đến việc kiếm kế sinh nhai nữa, nhưng lại khiến cho máu phiêu lưu của ông nổi lên.
Sau khi xảy ra cuộc cãi vã với nhà vua Bồ Đào Nha, Magellan đã thay đổi lòng trung thành của mình, hướng về Vua Tây Ban Nha Charles I - Hoàng đế Charles V tương lai của Đế quốc La Mã Thần thánh. Ông tìm cách thuyết phục vua Tây Ban Nha bỏ tiền ra tài trợ cho một chuyến đi nữa đến Moluccas.
Thời điểm đó, Magellan không thể đi thuyền quanh Mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi vì tuyến đường này bị người Bồ Đào Nha chặn. Để tránh hoàn toàn các lãnh thổ Bồ Đào Nha, Magellan thề sẽ tìm ra một tuyến đường biển phía Tây đến Moluccas.
Vua Charles I đã chấp thuận cho chuyến đi này. Một mặt nhìn thấy triển vọng “sinh lãi” của chuyến đi, mặt khác, nhà vua hiểu rằng chuyến đi ấy sẽ tạo ra những cú hích về chính trị cho vị thế của Tây Ban Nha trên thế giới
Hành trình khủng khiếp
Đội tầu của Magellan tới Moluccas gồm 5 tàu được đại tu hoàn chỉnh, có trang bị đại bác và đoàn thủy thủ gồm 240 người. Đội tầu rời Seville vào ngày 10/8/1519 và hướng đến Sanlucar de Barrameda trên bờ biển Đại Tây Dương.
Trong một cuốn sách, nhà sử học Jostmann mô tả một cách sinh động những gì Magellan và những người bạn đồng hành đã trải qua trong chuyến chu du này. Họ thường xuyên gặp những trận bão biển, đồng thời có những lúc gặp đói khát, bệnh tật hoặc vấp phải những cuộc xung đột với người bản địa.
“Hãy hình dung, trong nhiều tháng, khoảng 50 người phải sống trong một cái “bồn gỗ” rộng khoảng 150m2 mà không có thiết bị vệ sinh, không có nhà bếp, không có sự riêng tư. Lương thực rất ít, hầu như không có sự chăm sóc y tế nào” –Jostmann mô tả.
Đội tầu của Magellan tiếp tục đi tới Quần đảo Canary, sau đó là bờ biển châu Phi và tới Sierra Leone (quốc gia ở Tây Phi hiện nay). Tại điểm hẹp nhất, đội tầu đã vượt Đại Tây Dương và đến lục địa Nam Mỹ dọc theo khu vực mà ngày nay là Rio de Janeiro (Brazil). Hành trình này tiếp tục dọc theo bờ biển phía Đông Nam Mỹ trong bối cảnh các thủy thủ liên tục tìm kiếm lối đi giả định về phía Tây.
Magellan đã tỏ ra rất ngoan cường. Ngày 21/10/1520, ông phát hiện ra một mũi đất. Đội tầu đã đi giữa mũi phía Nam của lục địa Nam Mỹ và quần đảo Tierra del Fuego, tiến vào vào một mê cung đường thủy. Một con tàu bị lạc trên đường đi, trong khi một con tàu khác đã về Tây Ban Nha.
Mất sáu tuần, đoàn tầu tới được Thái Bình Dương. Từ phía Đông Nam Thái Bình Dương, họ tiếp tục đi theo hướng vòng cung phía Bắc trong 3 tháng rưỡi mà không gặp bất cứ hòn đảo nào có người sinh sống. Đói, khát và bệnh tật đã cướp đi 19 mạng sống trước khi các thủy thủ tìm thấy thực phẩm dự trữ trên Quần đảo Mariana. Thực tế, đây là một bi kịch đáng lẽ không xảy ra – nếu như đoàn tàu của Magellan không bỏ qua nhiều hòn đảo có thể cung cấp cho đoàn tùy tùng của ông nước ngọt và đồ ăn.
Trả giá cho tham vọng
Cuối cùng, 3 tàu còn lại và 150 người trong thủy thủ đoàn đã cập cảng Philippines vào ngày 21/3/1521. Họ đã trở thành những người châu Âu đầu tiên đặt chân tới đây. Và mục tiêu cuối cùng của Magellan là chiếm hữu những hòn đảo giàu có này cho Tây Ban Nha. Tuy nhiên, khi đặt chân lên một ngôi làng vào ngày 21/4/1521, Magellan đã chết trong cuộc xung đột với thổ dân. Ông bị nhiều mũi giáo và mũi tên tẩm thuốc độc găm vào mình.
Thiếu các thủy thủ có khả năng cho 3 con tàu, số thủy thủ trong đoàn đã rút lên hai chiếc tàu và nhấn chìm tàu thứ ba. Dưới sự chỉ huy của người thay thế Juan Sebastian Elcano, hai con tàu đã đi đến Quần đảo Moluccas, nơi cuối cùng họ đã đưa được lên tàu những món hàng hóa mong muốn từ lâu. Trong hành trình trở về, Elcano đã chọn tuyến đường quanh Mũi Hảo Vọng.
Cuối cùng, gần 3 năm sau khi ra khơi tới Moluccas, chỉ còn 1 trong 5 con tàu trở về. Thuyền trưởng Elcano đã hoàn thành chuyến đi vòng quanh thế giới- vốn không chủ tâm và không có kế hoạch của Magellan.
Ngày 6/9/1522, con tàu còn lại đã cập cảng Sanlucar de Barrameda của Tây Ban Nha. Khoảng 20 thủy thủ sống sót sau chuyến đi vòng quanh thế giới này.
Từ giữa thế kỷ 16, tuyến đường biển nằm ở phía nam của lục địa Nam Mỹ và phía bắc của Đất Lửa đã được đặt tên là Eo biển Magellan, theo tên nhà thám hiểm Ferdinand Magellan. Đây là tuyến hàng hải quan trọng nhất nối giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. |
Việt Lâm (tổng hợp)