50 năm văn học Việt Nam từ 1975 (kỳ 1): 3 bước ngoặt của sáng tạo
Những thành tựu quan trọng của văn học Việt Nam từ năm 1975 tới nay vừa được tổng kết tại Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ 5 với chủ đề "50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế" tại Hà Nội. Các ý kiến tại hội nghị tập trung tổng kết những thành tựu trên nhiều lĩnh vực thơ, văn xuôi, văn học dịch, lý luận phê bình… đã mang tới một phác thảo khá toàn diện về diện mạo văn học Việt Nam 50 năm qua.
Hội nghị do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức.
Những bước ngoặt lớn…
Theo PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp (Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam), cùng với sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ của đất nước trong suốt 50 năm qua, văn học Việt Nam sau 1975 đã thu được nhiều thành tựu quan trọng.
Trong lĩnh vực sáng tác, sự đổi mới văn học bắt đầu từ sự tìm kiếm một ý thức mỹ học mới. Mỹ học thời chiến đã được thay thế bởi mỹ học thời bình, cái nhìn sử thi đã dần nhường chỗ cho cái nhìn thế sự - đời tư. Những quy phạm nghệ thuật cũ, những nhận thức cũ cần phải được thay thế bằng cái nhìn mới để thích ứng với sự chuyển động của thực tiễn… Những biến động này đã được nhiều cây bút nhạy bén nhất của văn học Việt Nam như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng… miêu tả một cách sắc nét vào những năm đầu thập niên 1980.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, bắt đầu từ 1986, với tinh thần "nhìn thẳng sự thật", "nói thẳng sự thật", nhiều cây bút đã thực hiện hàng loạt truy vấn, đối thoại trong trang viết của mình. Cao trào đổi mới văn học diễn ra vào giữa thập niên 1980 và tiếp tục được mở rộng về sau đã chứng kiến sự xuất hiện của một đội ngũ cầm bút tài năng.
Về văn xuôi là Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương… Về thơ là Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Trần Anh Thái, Inrasara…Về kịch là Lưu Quang Vũ, Xuân Trình…
"Văn học sau 1975 đã cố gắng miêu tả đời sống trong tính đa chiều với nhiều cách tân nghệ thuật táo bạo. Nhờ đó, văn học Việt Nam đương đại đa dạng về khuynh hướng và bút pháp, phong phú về phong cách và giọng điệu nghệ thuật" - ông Điệp khẳng định - "Người đọc bắt gặp trong văn học đương đại sự hiện diện của nhiều loại hình diễn ngôn nghệ thuật như diễn ngôn chấn thương, diễn ngôn sinh thái, diễn ngôn đô thị, diễn ngôn lịch sử…".
Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) nhấn mạnh, chặng đường 50 năm qua là một chặng đường có những bước ngoặt lớn của đất nước. Những bước ngoặt quan trọng của đất nước đã tác động một cách to lớn và sâu sắc vào sự phát triển văn học Việt Nam.
Theo ông Thiều, bước ngoặt thứ nhất bắt đầu từ sau ngày 30/4/1975, khi cuộc chiến tranh kết thúc và đất nước thống nhất. "Kể từ khi chiến tranh kết thúc, các nhà văn vẫn tiếp tục viết về chiến tranh. Nhưng trong một cách tiếp cận mới và một thi pháp mới, bởi vậy đề tài về chiến tranh được khai thác từ nhiều góc độ, nhiều cung bậc, mang lại một cái nhìn đa dạng, đa chiều về chiến tranh, nhưng vẫn tập trung vào sự hy sinh, khát vọng lớn lao của một dân tộc cho độc lập tự do, thống nhất đất nước" -ông phân tích - "Bên cạnh các nhà văn quen thuộc viết về chiến tranh, là một thế hệ các nhà văn trẻ không trải qua chiến tranh nhưng mang đến một cái nhìn trung thực, tiến bộ, đầy nhân văn về chiến tranh".
Bước ngoặt thứ 2 là một bước ngoặt vô cùng quan trọng đối với đất nước Việt Nam, đặc biệt với nền văn học Việt Nam. Đó là công cuộc đổi mới được tiến hành trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, công cuộc đổi mới đã tác động sâu sắc vào sự sáng tạo của các nhà văn Việt Nam, nó mở ra một biên độ rất rộng về đề tài, về đối tượng, về thi pháp và tư tưởng. Có thể nói một thời đại mới của văn học đã bắt đầu được sinh ra cùng những tác phẩm đóng góp thực sự vào một tầm cao mới của văn học Việt Nam.
Và, bước ngoặt thứ 3 là một bước ngoặt được mở ra khi đất nước mở cửa, hội nhập. Lúc này văn học có thể nói đã trở lại đầy đủ hơn với bản chất nguyên vẹn của nó. "Đây là giai đoạn những vấn đề của nội dung, của thi pháp, của tư tưởng tác phẩm đã có những bước chuyển động quan trọng để từng bước hòa vào dòng chảy chung của văn chương thế giới, phá vỡ nhiều giới hạn của văn học Việt Nam lâu nay. Và cũng từ đó, một xu thế mới của văn học Việt Nam đã dần dần xuất hiện" - ông Thiều nhấn mạnh.
Vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập
Cùng với những tổng kết mang tính khách quan về thành tựu qua 50 năm từ dấu mốc 1975, nhiều nhà nghiên cứu cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập của văn học Việt Nam giai đoạn này.
Như lời PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, bên cạnh những thành tựu, đời sống văn học Việt Nam sau 1975 vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. "Vì sao đã 50 năm trôi qua tính từ 1975, văn học Việt Nam vẫn quá hiếm những đỉnh cao nghệ thuật? Đây là nỗi băn khoăn, trăn trở của rất nhiều bạn đọc".
Theo ông Điệp, hạn chế, bất cập chủ yếu trong văn học đương đại, đó là thiếu tương xứng giữa lượng và chất: Số lượng xuất bản phẩm văn học, cả sáng tác và lý luận, phê bình từ sau 1975 là vô cùng phong phú về chủng loại, nhưng còn khiêm tốn về chất lượng. Đây là một thực tế cần được tìm hiểu, phân tích thấu đáo.
"Chúng ta chưa tạo được nhiều sản phẩm nghệ thuật ưu tú, những "bách khoa thư" đồ sộ đủ sức tái hiện một cách sinh động số phận và khát vọng của dân tộc trong tính sâu sắc, rộng lớn và kỳ vĩ" - ông Điệp phân tích - "Vẫn còn không ít nhà văn quá say mê với cái tôi riêng tư nhỏ hẹp hoặc chạy theo những thời thượng nghệ thuật mà chưa dấn thân một cách quyết liệt để chạm tới lõi sâu của lịch sử, văn hóa và khát vọng của dân tộc để tạo nên những tác phẩm cao về tư tưởng, sâu về nghệ thuật. Còn quá ít nhà văn đủ sức mở ra những chiều kích mỹ học mới mẻ, hiện đại".
Một bất cập khác, đó là mặt trái của kinh tế thị trường và sự phân hóa, biến đổi trong thị hiếu tiếp nhận có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn học. Mặt tích cực của kinh tế thị trường là giải phóng sức sáng tạo, hình thành thị trường văn học và tạo ra không gian mới cho phép sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Mặt trái của nó là "dung dưỡng" cho khuynh hướng thương mại hóa và tạo môi trường cho văn học giải trí có điều kiện bùng nổ như nấm sau mưa.
Ông Điệp lấy ví dụ: "Phê bình cánh hẩu, thù tạc hoặc PR tác phẩm một cách dễ dãi cũng chính là biểu hiện của tình trạng thương mại hóa trong lĩnh vực phê bình. Trong trường hợp này, nhà phê bình tự đánh mất vai trò "ngự sử" của mình và góp phần tạo nên sự loạn chuẩn, lệch chuẩn trong đánh giá và thưởng thức nghệ thuật. Rộng hơn, kinh tế thị trường và sự phát triển vũ bão của văn hóa đại chúng cũng là nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm của văn hóa và văn học tinh hoa".
"Muốn mới, lạ, nhà văn phải vượt lên cái cũ để nhìn nhận đời sống từ mỹ học của cái khác" - PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp.
Sự tương tác giữa viết và đọc
PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp nhấn mạnh rằng, nhân tố quan trọng nhất quyết định tầm vóc của một nền văn học là tài năng, tâm huyết của người cầm bút.
"Vì sao đã 50 năm trôi qua, chúng ta vẫn ít có những kết tinh nghệ thuật xứng tầm kiệt tác? Văn học Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ văn học thế giới? Đó là những câu hỏi và cũng là kỳ vọng đặt ra cho tất cả chúng ta, trước hết là cho nhà văn. Chúng ta phải làm gì để tạo điều kiện tối đa nhằm giải phóng triệt để cá tính sáng tạo và tiềm năng sáng tạo của nhà văn?" - ông Điệp đặt vấn đề và cho rằng, một không gian tinh thần rộng mở, một cái nhìn khoáng đạt trong nhìn nhận, đánh giá sẽ giúp cho nhà văn tự do phiêu lưu trong trong sáng tạo nghệ thuật. "Muốn mới, lạ, nhà văn phải vượt lên cái cũ để nhìn nhận đời sống từ mỹ học của cái khác" - ông nhận định.
Mặt khác, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp cũng cho rằng, trong đời sống nghệ thuật đương đại, cần nhìn thấy rõ hơn sự tương tác giữa viết và đọc, giữa sáng tạo và tiếp nhận vì tiếp nhận cũng cần đến sự đổi mới về trình độ thưởng lãm nghệ thuật để nhận thấy và mở lòng trước những cách tân. Đúng hơn, nhà văn lớn cần đến người đọc lớn, và người đọc lớn đòi hỏi phải có nhà văn lớn tương ứng. Đó là chiều sâu của tư duy đối thoại và sự vận hành của đời sống văn học, nghệ thuật đương đại.
(Còn tiếp)