50 năm ngày mất Pablo Picasso (8/4/1973 - 2023): Những góc tối của thiên tài Picasso
Nghệ sĩ hiện đại hình mẫu đã qua đời 50 năm trước vào ngày 8/4/1973 nhưng tới nay, chúng ta vẫn đang phải nỗ lực dọn dẹp bao lộn xộn ông để lại.
Picaso xanh, Picaso hồng, Picasso lập thể, Picasso xã hội, Picasso siêu thực, Picasso gốm sứ, Picasso quá cố. Picasso trong bộ đồ lót, Picasso đeo nơ. Hề Picasso, Picasso đấu bò, thơ của Picasso. Picasso chống Phát xít, Picasso cộng sản, Picasso chim câu hòa bình. Picasso chơi khăm, Picasso si tình, Picasso phóng đãng. Vâng, Pablo Picasso ở mọi nơi.
Sáng tạo không giới hạn
Trong khi các nghệ sĩ thời hậu chiến của Mỹ - Jackson Pollock, Mark Rothko, Helen Frankenthaler, Roy Lichtenstein - điềm đạm chọn một phong cách gọn gàng, đặc trưng và gắn bó với nó, Picasso là người không ngừng thay đổi. Ở tư cách một người nghệ sĩ - cũng như một người đàn ông - ông đa dạng đáng kinh ngạc. Tới mức, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc coi ông như một biểu tượng: Picasso tương đương với thiên tài thay đổi.
Ông không cần kết nối với tâm trí mọi người ở một dạng nghệ thuật cụ thể nào. Ông đại diện cho một điều lớn hơn: Sự sáng tạo không giới hạn. Kết nối rõ ràng giữa các hình ảnh của Picasso có lẽ là "tổng thể của sự hủy diệt" để tiến tới sáng tạo thuần túy, không biên giới.
Năm nay, ở châu Âu và Bắc Mỹ, khoảng 50 triển lãm đã được tổ chức dưới sự bảo trợ của Celebration Picasso 1973-2023, một sáng kiến được chính phủ Pháp và Tây Ban Nha hỗ trợ. Một số triển lãm đã chứng tỏ năng suất phi thường của Picasso trong lao động nghệ thuật khi chỉ tập trung vào trưng bày các sáng tác trong một năm cuộc đời của ông (Picasso 1906: Bước ngoặt tại Madrid) hay thậm chí chỉ trong 3 tháng (Picasso in Fontainebleau tại New York). Số khác - quá nhiều để liệt kê - cố gắng chế ngự ông khi ghép các tác phẩm của ông với các nghệ sĩ khác (El Greco, Max Beckmann, Nicolas Poussin, Joan Miro), với các nhà văn (Gertrude Stein) hay các người tình (Ferrnande Olivier, Francoise Giot).
Vào tháng Sáu này, Bảo tàng Brooklyn còn tổ chức một buổi trình diễn do diễn viên hài Hannah Gadsby làm đồng giám tuyển, nhìn Picasso thông qua lăng kính nữ quyền, đặt ông cạnh các nghệ sĩ như Cindy Sherman, Ana Mendieta và Kiki Smith.
Có gì trong tất cả các triển lãm này? Các tác phẩm của Picasso thật sự có ảnh hưởng thế nào? Hay thậm chí làm thế nào để thoát khỏi Picasso? Đó là một số câu hỏi được đặt ra không chỉ bởi người hâm mộ, mà ngay cả các nghệ sĩ chịu ảnh hưởng từ ý tưởng vô tận của Picasso. Ngoài ra, còn có mớ hỗn độn giữa tác phẩm và đời tư của Picasso không ngừng được lật lại.
Nam tính độc hại
Picasso nổi tiếng và tai tiếng về cách đối xử với những người vợ, nàng thơ hay tình nhân. "Chỉ có 2 loại phụ nữ - nữ thần hoặc thảm chùi chân" - câu nói này của Picasso đã thể hiện rất nhiều điều.
Trên thực tế, hầu hết các quan hệ của ông với phụ nữ - 11 người được biết đến - đều theo một khuôn mẫu: Đầu tiên ông thần tượng họ, sau đó đối xử với họ như thứ cặn bã. Hai trong số họ, Marie-Therese Walter và Jaccueline Roque, đã tự tử sau cái chết của Picasso.
Khía cạnh gây tranh cãi của thiên tài thế kỷ XX lại càng gây chú ý trong thời đại #Metoo. "Tôi cáo buộc Picasso là kẻ thao túng, có xu hướng bạo dâm và tìm được khoái cảm nhất định từ việc tra tấn phụ nữ theo cách nào đó bằng những lời hứa, lời thề tình yêu, ngay cả khi ông không thấy vậy" - theo Ann-Katrin Hahn, phụ trách bảo tàng Picasso ở Munster, Đức. Thế nên, Hahn thường nhận được câu hỏi từ người xem, đặc biệt là từ phụ nữ, rằng tại sao bảo tàng lại tôn vinh một nghệ sĩ như vậy?!
Picasso, người sinh ra ở Tây Ban Nha vào ngày 25/10/1881 và qua đời tại Pháp ở tuổi 91 vào ngày 8/4/1973, là "thiên tài vô lương tâm" sẵn sàng bước qua xác chết vì sự nghiệp của mình - như một số người tình của ông viết trong hồi kí. Ông điên cuồng bất tử hóa những mối tình qua hội họa, điêu khắc hoặc gốm sứ. Nồng nhiệt là thế nhưng cũng sớm nguội lạnh. Lực hút và lực đẩy luôn theo cùng một khuôn mẫu.
Fernande Olivier là người yêu đầu tiên công khai quan hệ với Picasso trong cuốn sách năm 1933 Picasso and his Friends. Họ sống cùng nhau ở Paris trong giai đoạn 1905 - 1913, khi Picasso còn là một nghệ sĩ Tây Ban Nha vô danh. Olivier là người mẫu quan trọng bậc nhất thời kỳ đầu của Picasso nhưng ông đối xử với cô vô cùng tệ bạc, thậm chí nhốt cô trong xưởng vẽ để tránh việc cô làm mẫu cho nghệ sĩ khác. Olivier đối mặt với nghèo đói khi Picasso bỏ cô theo tình mới, Eva Gouel.
Người duy nhất bỏ rơi Picasso là mẹ của 2 con ông, bà Francoise Gilot. Gilot xuất thân từ gia đình khá giả và không ngại vạch mặt Picasso trong cuốn My Life with Picasso, trong đó, ông là người "rất giỏi trong việc biến người này thành tấm vải đỏ còn người kia thành con bò tót. Sau khi con bò tót giành được tấm vải, Picasso có thể giáng xuống những đòn đau đớn".
Không tha thứ cho việc Gilot bỏ mình, Picasso thậm chí từ chối làm bố của các con chung.
Nhìn chung, bất cứ khi nào có thể, Picasso sẵn sàng làm bẽ mặt các bà vợ, cả trong nghệ thuật. Mở rộng hơn, theo nhà báo nghệ thuật Rose-Maria Gropp, Picasso nhận thức được sức mạnh của phụ nữ nhưng khinh miệt họ, biểu thị rõ ràng nhất qua bức Les Demoiselles d'Avignon. Đó là bức tranh thảm khốc, phản ánh năng lượng hủy diệt khi 5 người phụ nữ bị giam cầm trong 1 bức tranh có kích thước như người thật. "Nhận thức của chúng ta về bức Les Demoiselles d'Avignon không còn giống như thời năm 1907. Giờ, chúng ta phải nhìn nó dưới ánh sáng khác" - theo học giả nghệ thuật Abigail Solomon-Godeau.
"Sự tham lam trong con mắt của Picassophù hợp với tốc độ và sự chính xác trong cách ông đáp trả. Ông nhìn lại, nghĩ lại, tái tạo lại thế giới bằng cách tóm lấy và đập ra, xé toạc các hình dạng, xé toạc các kết nối" - tác giả Hilary Spurling.
Chấp nhận xung đột
Một trong những lý thuyết gây ảnh hưởng của nhà thơ đoạt giải Nobel T.S. Eliot cho rằng nghệ thuật vĩ đại là phi cá nhân. Ông lập luận rằng, thay vì thể hiện cá tính của nhà thơ, thơ ca (hay nghệ thuật) nên được coi là sự "thoát khỏi cá tính". (Dù vậy, ông nói thêm đầy ái ngại rằng: "Chỉ những người có nhân cách và cảm xúc mới biết ý nghĩa của việc thoát khỏi những thứ này").
Đơn giản mà nói, theo Eliot, chúng ta cần tách biệt nghệ thuật khỏi những sai lầm đạo đức của người tạo ra nó. Dù vậy, hầu hết mọi người đều cho nghệ thuật là biểu hiện của nội tâm. Với một số nghệ sĩ - trong đó có Picasso - mối liên hệ này mạnh tới hiển nhiên.
Là một nghệ sĩ biểu diễn bẩm sinh, Picasso đã mãi mãi thay đổi các quy tắc, biến những thứ đã biết thành những thứ mới mẻ. Những căng thẳng ông thiết lập ở mọi nơi đã nói lên xung đột sâu sắc của con người giữa vẻ ngoài và bản chất. Khi trừu tượng hóa những hình ảnh dễ nhận biết vào lĩnh vực dấu hiệu và huyền thoại, như ông đã làm nhiều lần, ông thể hiện trực giác về mối quan hệ của ý thức với thế giới khách quan, với các nguyên mẫu và khả năng giao tiếp - vốn là điều kiện khả dĩ cho tình yêu.
Tất nhiên, với một người có lịch sử xấu với phụ nữ, quan niệm tình yêu của Picasso không dễ được chấp nhận với nhiều người. Nhưng xét cho cùng, đây là điều Eliot đã đúng: Nghệ thuật đang ở trong một cuộc đối thoại năng động không chỉ với các nghệ thuật khác mà còn với hiện thực khách quan. Khi sức mạnh của cả hai đều được giải phóng, nó thật sự có thể bứt ra khỏi người sáng tạo. Tiểu sử thì rất hay, nhưng không nhất thiết phải xem mọi tác phẩm nghệ thuật dưới dạng tiểu sử.
"Sự tham lam trong con mắt của Picasso" - như tác giả Hilary Spurling viết - "phù hợp với tốc độ và sự chính xác trong cách ông đáp trả. Ông nhìn lại, nghĩ lại, tái tạo lại thế giới bằng cách tóm lấy và đập ra, xé toạc các hình dạng, xé toạc các kết nối".
Từ ngữ sống động của Spurling gợi lên nét bạo lực và tàn nhẫn trong nghệ thuật của Picasso cũng như chính con người ông. Nhưng chính thế hệ hiện nay cũng đang tàn nhẫn và ích kỷ trong việc sử dụng nghệ thuật của Picasso, giống như cách ông khai thác nghệ thuật và những người xung quanh. Chúng ta không nợ Picasso, nhưng rõ ràng là vẫn đang sử dụng nghệ thuật của ông.
Nỗi đau của Olga
Với người vợ đầu Olga Khokhlova mà ông sống cùng từ năm 1917 tới 1935, sau khi chia tay, Picasso đã bóp méo hình ảnh bà trong các bức tranh tới mức quái dị. Trong một bức vẽ Olga nằm ngủ trên ghế bành, miệng bà há ra dị dạng như mõm lợn.