50 năm album 'Abbey Road' của The Beatles: Hơn cả một biểu tượng
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần trước, ngày 26/9, các fan trên toàn thế giới của ban nhạc rock huyền thoại The Beatles đã cùng kỷ niệm 50 năm ngày phát hành của album Abbey Road. Với bìa ngoài ghi lại cảnh 4 thành viên The Beatles đi băng qua con đường dành cho người đi bộ ở bên ngoài studio Abbey Road, hình ảnh ấy đã nổi tiếng đến mức được các nghệ sĩ và fan liên tục bắt chước trong suốt nửa thế kỷ qua.
Abbey Road là album phòng thu thứ 11 của Tứ quái, được Apple Records phát hành ngày 26/9/1969. Ngay khi ra đời, Abbey Road lập tức gặt hái thành công thương mại và chiếm quán quân trong các bảng xếp hạng ở Anh và Mỹ.
Sản phẩm hợp tác cuối cùng của The Beatles
Sáng ngày 8/8/1969, một phần của đường Abbey ở London gần trường quay EMI đã trở thành khung cảnh chụp cho một buổi chụp hình ngắn của The Beatles. Con đường này lúc đó chỉ có đèn giao thông, không hề có bất cứ người hâm mộ nào. 11h30 trưa, Linda McCartney (vợ Paul McCartney) đứng trên đường và chụp ảnh 4 thành viên The Beatles trong tâm trạng khá hào hứng.
John Lennon, trong bộ đồ trắng, trông có vẻ lơ đãng, như thể đang muốn nhanh chóng vượt qua con đường. Đằng sau ông là Ringo Starr và Paul McCartney đang nhăn mặt, còn George Harrison có vẻ như không quan tâm mấy. 4 người quay đi quay lại, nhiếp ảnh gia Iain MacMillan nhấn nút chụp 6 lần.
Buổi chụp hình cuối cùng chỉ kéo dài 10 phút, trong khi thời gian dự tính là 2 - 3 tiếng dù ý tưởng đơn giản là chỉ băng qua đường. Thời gian còn lại các thành viên The Beatles chẳng biết làm gì, bởi họ chỉ muốn gặp nhau trong studio vào buổi chiều. Họ không thích nói chuyện với nhau dù là chuyện nhỏ.
Sau này, Mal Evans, người chịu trách nhiệm về thiết bị của Beatles, viết trong nhật ký về chuyện đã xảy ra sau đó: “John và Paul lao về nhà của Paul ở góc phố. Ringo đi shopping còn George tới vườn thú”.
Các thành viên The Beatles vốn luôn bất đồng nhau về những vấn đề kinh doanh, về cách quản lý và sau này về cả Yoko Ono, vợ John Lennon - khi người phụ nữ này không rời chồng mình nửa bước và gây khó chịu cho 3 thành viên khác.
McCartney là thành viên duy nhất nghĩ The Beatles vẫn có tương lai và ông đã thuyết phục 3 thành viên còn lại thu âm album mới đồng thời là đĩa nhạc cuối cùng cho Beatles. Đây là sự hợp tác cuối cùng của các thành viên trước khi Beatles tan rã.
McCartney gọi điện cho Martin, nhà sản xuất lâu năm của Beatles. Martin khá ngạc nhiên và nghĩ rằng sau những buổi thu âm “kinh hoàng” của album Let It Be phải rất lâu nữa các thành viên mới trở lại phòng thu.
Album được thu âm trong bối cảnh không khí vui vẻ hơn các lần thu âm Get Back/Let It Be hồi đầu năm, nhưng vẫn xảy ra những bất đồng thường xuyên giữa các thành viên trong ban nhạc. John Lennon đã kín đáo rời The Beatles vào thời điểm album được phát hành và năm sau đó Paul McCartney đã công khai từ bỏ ban nhạc.
Trong cuốn Beatles Anthology, Martin kể lại việc McCartney đã đưa ra lời đề nghị với ông như thế nào: “Chúng tôi sẽ thu âm một album mới, ông có muốn sản xuất không?”. Martin trả lời: “Chỉ khi cậu để tôi làm điều đó giống như tôi đã làm trước đây”. “Chính xác là như vậy” - McCartney nói.
Sau này Martin nói, cuối cùng “đây là bản thu âm tuyệt vời”. “Tôi nghĩ bởi tất cả các thành viên The Beatles đều nghĩ đây là sản phẩm hợp tác cuối cùng của họ. Ban đầu album được đặt tên là Everest do các thành viên ban nhạc từng muốn chinh phục đỉnh núi này một cách tượng trưng” - Martin cho biết.
Là một trong những ban nhạc nổi tiếng nhất thế giới, The Beatles từng muốn có một bức ảnh chụp trên đỉnh của ngọn núi cao nhất thế giới. Nhưng họ không có đủ thời gian trước khi album được phát hành. Bởi vậy họ đã chọn giải pháp thực dụng hơn: khung cảnh đường phố bên ngoài studio.
“Thuyết âm mưu”ngớ ngẩn
Ngay khi phát hành, hình ảnh bìa của Abbey Road lập tức trở thành một biểu tượng của nền văn hóa đại chúng. Hình ảnh ấy đã được nhiều nghệ sĩ và người hâm mộ “nhại” theo trong suốt nửa thế kỷ kể từ khi nó trở thành một hiện tượng toàn cầu.
Điển hình, ban nhạc rock Red Hot Chili Peppers đã chụp ảnh khỏa thân đi bộ trên con đường dành cho người đi bộ để làm bìa cho album The Abbey Road. Còn các nhân vật trong chương trình truyền hình Simpsons, Teletubbies, Star Wars và Disney… cũng đã trở nên bất tử trong những hình ảnh xuất hiện trên con đường dành cho người đi bộ.
Bức ảnh thậm chí còn tạo một “thuyết âm mưu”, theo đó, Paul McCartney chết vào năm 1966 và đã được thay thế bằng một bản sao. Bằng chứng? Paul vốn là người thuận tay trái nhưng trong ảnh ông lại cầm điếu thuốc trong tay phải, chưa kể ông còn đi chân đất - rất khớp với một truyền thống tang lễ của Anh.
Thêm nữa, trong ảnh còn có chiếc xe Beetle trắng. Biển số xe là “LMW 28IF”. Người ta giải thích rằng biển số xe là từ viết tắt của “Linda McCartney Widowed” hoặc “Linda McCartney Weeps”.
Nhưng giờ thì chẳng ai tin vào giả thuyết đó nữa bởi McCartney năm nay đã 77 tuổi. Hiện, ông đang xúc tiến vở nhạc kịch đầu tiên và úp mở rằng có thể ông sẽ phát hành album mới gồm những sản phẩm thu âm từ trước đây.
Một trong những album hay nhất mọi thời đại Ban đầu Abbey Road nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, theo thời gian Abbey Road đã được đánh giá là một trong những album hay nhất của The Beatles và hay nhất bậc mọi thời. Thực tế, Let It Be là album cuối cùng mà The Beatles hoàn thành và phát hành trước khi ban nhạc tan rã hồi tháng 4/1970, nhưng hầu hết album đã được thu âm trước khi các buổi thu âm của Abbey Road bắt đầu. Đĩa đơn 2 mặt trong Abbey Road là Something và Come Together, được phát hành vào tháng 10/1969 đã đứng đầu bảng xếp hạng Hot 100 của Billboard tại Mỹ. 50 năm sau khi Abbey Road lần đầu tiên được phát hành, album này đang được con trai của George Martin tái bản ở dạng đĩa than, đĩa CD, DVD với những ca khúc đã được xử lý lại bằng kỹ thuật số. Ngoài các bản “hit” Here Comes the Sun và Come Together, album tái bản còn gồm phiên bản ca khúc Oh! Darling mang âm thanh hoàn toàn mới. Người hâm mộ, ít nhất ở là Tây Âu, thậm chí còn có thể nghe Abbey Road trong chương trình hòa nhạc của Analogues, ban nhạc Hà Lan chuyên chơi các album của The Beatles từ năm 1966. |
Việt Lâm (tổng hợp)