50% dân số thế giới 'ở nhà' do đại dịch COVID-19
(Thethaovanhoa.vn) - Theo thống kê của hãng thông tấn AFP (Pháp), hơn 3,9 tỷ người, tương đương 50% dân số toàn thế giới, đang thực hiện yêu cầu "ở nhà" nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Các biện pháp - trong đó có bắt buộc hoặc khuyến cáo ở nhà, lệnh giới nghiêm hoặc cách ly - đã được triển khai tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lệnh giới nghiêm tại Thái Lan có hiệu lực từ ngày 3/4 đã nâng số người trên toàn cầu phải ở nhà vượt qua mốc 50% trong tổng số 7,8 tỷ dân.
Khoảng 2,78 tỷ người tại 49 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện bắt buộc phải ở nhà.
Tại châu Âu, nhiều người dân một số quốc gia như Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha cũng phải tuân thủ các biện pháp hạn chế ra ngoài.
Các quy định tương tự cũng được đặt ra đối với người dân Ấn Độ, Nepal, Srilanka trong số nhiều quốc gia châu Á khác.
Nhiều bang tại Mỹ đang triển khai một số biện pháp phong tỏa. Và ngay cả người dân tại New Zealand - đất nước tương đối tách biệt - cũng không tránh khỏi việc phải ở nhà.
Dù dịch bệnh COVID-19 lan tới châu Phi muộn hơn so với các châu lục khác, nhưng những quốc gia tại "Lục địa Đen" như Maroc và Nam Phi cũng đã bắt đầu phải hành động quyết liệt. Trong ngày 2/4, Eritrea đã trở thành quốc gia mới nhất trong danh sách các nước yêu cầu người dân ở nhà trong vòng 21 ngày.
Tại hầu hết các nước, người dân vẫn có thể rời nhà để mua sắm các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thuốc men, hoặc đi làm, cho dù được khuyến khích làm việc tại nhà nếu có thể.
Tại ít nhất 10 quốc gia khác với tổng cộng 600 triệu người, các chính phủ hối thúc người dân ở nhà và không áp đặt bất kỳ biện pháp nào như xử phạt hoặc bắt giữ. Trong danh sách này có Đức, Canada, Mexico và Iran.
Trong khi đó, ít nhất 26 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác, với khoảng 500 triệu dân, đã ban bố lệnh giới nghiêm, bắt buộc người dân không được ra khỏi nhà vào ban đêm. Biện pháp này phần lớn được áp dụng tại các nước châu Phi như Kenya, Ai Cập, Mali, và các quốc gia Mỹ Latinh như Chile, Panama và Puerto Rico.
Tại ít nhất 7 quốc gia, các chính phủ chú trọng tới những khu vực tập trung đông dân cư. Lệnh cấm có hiệu lực đối với bất kỳ ai rời đi hoặc tới các thành phố Riyadh, Medina và thánh địa Mecca của Saudi Arabia. Phần Lan cùng CHDC Congo cũng ban hành các quy định tương tự đối với thủ đô Helsinki và thủ đô Kinshasa. Những biện pháp hạn chế nói trên tác động tới hơn 30 triệu người.
Minh Tâm/TTXVN