5 vị hoàng đế quyền lực nhất Trung Hoa: Thành Cát Tư Hãn số 2, Tần Thủy Hoàng đứng thứ 4, ai dám đứng nhất?
"Thiên tài quân sự" như Thành Cát Tư Hãn chỉ xếp thứ hai, Tần Thủy Hoàng đứng thứ 4, vậy, ai mới là vị hoàng đế quyền lực nhất?
Hoàng đế là người nắm giữ quyền lực tối thượng. Trong lịch sử Trung Hoa, có rất nhiều vị hoàng đế. Mỗi người đều để lại một dấu ấn riêng. Có người là minh quân khi luôn nghĩ đến sự thái bình thịnh trị cho đất nước, nhưng cũng có những vị hoàng đế bỏ bê việc triều chính, ngày đêm hưởng lạc, khiến dân chúng khổ cực.
Vậy, trong số các vị hoàng đế, ai mới là người quyền lực nhất? Ai có thể được gọi là thiên cổ nhất đế qua các thời đại?
Dưới đây là top 5 vị hoàng đế quyền lực nhất Trung Hoa. Đó là những ai?
Thứ năm, Chu Nguyên Chương
Chu Nguyên Chương (1328 – 1398), tên thật là Chu Trùng Bát, là vị hoàng đế khai quốc của nhà Minh. Thời kỳ cai trị của ông được gọi là Hồng Vũ chi trị.
Với xuất thân nghèo khó, ngay từ khi còn nhỏ, Chu Nguyên Chương đã phải trải qua thời gian sống vô cùng khó khăn, thậm chí từng ăn xin để sống qua ngày. Do nạn đói, thiên tai và dịch bệnh hoành hành khắp nơi đã làm bùng phát cuộc khởi nghĩa nông dân ở khắp nơi. Vào năm 1352, Chu Nguyên Chương đã tham gia Hồng Cân quân (quân khăn đỏ) của Quách Tử Hưng và sau đó được tin tưởng, nhậm chức Tả phó Nguyên soái nghĩa quân.
Cuối cùng, ông đã lãnh đạo nghĩa quân thành công Bắc phạt, đánh đuổi người Mông Cổ về Trung Á, châm dứt ách thống trị gần một thế kỷ của nhà Nguyên, và lập ra đại Minh vào năm 1368.
Do xuất thân từ gia đình nông dân nên hoàng đế Chu Nguyên Chương rất thấu hiểu nỗi khổ của dân chúng. Vì vậy, trong thời gian trị vì, ông luôn ban hành các chính sách khuyến khích trồng trọt, phát triển nông nghiệp.
Hơn nữa, dưới thời Hồng Vũ, một trong những thành tựu lớn nhất là viết "Đại Minh luật" nhằm quản lý người dân và quan lại bằng luật pháp nghiêm minh. Đây là bộ luật mà hoàng đế Chu Nguyên Chương dành rất nhiều thời gian. Ông yêu cầu bộ luật phải thật toàn diện, dễ hiểu, tránh để quan lại khai thác các lỗ hổng bằng cách cố ý hiểu sai ý nghĩa.
Ngoài ra, hoàng đế Chu Nguyên Chương còn nghiêm trị những quan lại tham nhũng bằng các cực hình vô cùng tàn nhẫn.
Chu Nguyên Chương được xem như là một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất của Trung Quốc nhờ những công trạng to lớn đối với đất nước. Nhưng ông cũng bị chê trách vì sự hà khắc và sát hại hàng loạt các công thần khai quốc trong thời gian nắm quyền để đảm bảo quyền lực tuyệt đối.
Thứ tư, Tần Thủy Hoàng
Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN) là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc sau khi tiêu diệt 6 nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc vào năm 221 TCN.
Tần Thủy Hoàng lên ngôi Tần vương năm 13 tuổi và trở thành Hoàng đế vào năm 38 tuổi. Ông chính là vị hoàng đế đánh dấu sự khởi đầu của đế quốc phong kiến tập quyền Trung Hoa.
Trong suốt thời gian trị vì, Tần Thủy Hoàng đã thực hiện hàng loạt cải cách về cả kinh tế và chính trị. Trong đó, thành tựu của ông có thể kể đến như thống nhất đơn vi đo lường, trọng lượng, chữ viết, tiền tệ, thiết lập hệ thống quan lại nắm quyền tại địa phương do triều đình chỉ định... và đặc biệt là xây dựng các công trình vĩ đại như Vạn Lý Trường Thành và lăng mộ.
Tuy nhiên, Tần Thủy Hoàng cũng phạm phải sai lầm to lớn khi thi hành các biện pháp như "đốt sách chôn Nho" để củng cố chê độ cai trị và loại bỏ những kẻ bất đồng chính kiến.
Ngoài ra, việc theo đuổi trường sinh bất tử vào những năm cuối đời của Tần Thủy Hoàng cũng dẫn đến nhiều hành vi phi lý. Sau khi ông qua đời, nhà Tần bị diệt vong chỉ 3 năm sau đó vì nội chiến và các cuộc nổi dậy của dân chúng.
Thứ ba, Hán Vũ Đế
Hán Vũ Đế (156 TCN – 87 TCN), tên thật là Lưu Triệt, là vị hoàng đế thứ 7 của nhà Hán. Ông được đánh giá là một vị hoàng đế tài ba, sử gọi là Hán Vũ thời đại, nhờ làm nhiều việc để củng cố nền cai trị và mở cửa ra bên ngoài. Thời kỳ trị vì của Hán Vũ Đế được coi là một trong những thời kỳ huy hoàng và hùng mạnh nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Dưới thời trị vì của Hán Vũ Đế, nhà Hán phát triển mạnh cả về chính trị, quân đội, diện tích lãnh thổ. Đặc biệt, nhiều chính sách của ông có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của đất nước về sau này.
Ông không chỉ thiết lập một nền tảng thể chế sâu rộng, củng cố được chính thể quân chủ chuyên chế, nhờ đề cao Nho học, đồng thời áp dụng cả Pháp gia. Ngoài ra, vị hoàng đế này còn thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật, thiên văn, y học...
Muốn diệt họa Hung Nô, đồng thời mở mang bờ cõi nên vị hoàng đế thứ 7 của nhà Hán luôn chú trọng phát triển sức mạnh quân đội với quân luật nghiêm khắc. Chẳng hạn, ông không tha thứ cho các viên tướng bại trận, thẳng tay trừng trị mà không xét đến hoàn cảnh và tình thế bất lợi nào của họ trên chiến trường.
Thứ hai, Thành Cát Tư Hãn
Thành Cát Tư Hãn (1162 – 1227) là người sáng lập ra đế quốc Mông Cổ sau khi thành công hợp nhất các bộ lạc vào năm 1206. Ông được coi là một trong những nhà quân sự lỗi lạc và có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử thế giới.
Thành Cát Tư Hãn được người Mông Cổ kính trọng và được xem như là vị lãnh đạo mang lại sự thống nhất cho Mông Cổ. Ông thống lĩnh đại quân Mông Cổ thực hiện hàng loạt các cuộc chinh phạt trên khắp Á – Âu để bành trướng lãnh thổ.
Đồng thời, Thành Cát Tư Hãn đã thiết lập một hệ thống chính trị và quân sự tập trung cao độ. Chẳng hạn, ông tổ chức quân đội Mông Cổ thành những nhóm theo cơ số 10, có nghĩa là 10 lính được quản lý bởi một thập hộ tướng, 10 thập hộ tướng được quản lý bởi bách hộ tướng...
Ngoài quân sự, Thành Cát Tư Hãn còn tạo ra bộ luật bằng chữ viết của người Mông Cổ, phát triển giao lưu buôn bán và thi hành chính sách tự do tôn giáo.
Thứ nhất, Lý Thế Dân
Đường Thái Tông Lý Thế Dân (598 – 649) là vị hoàng đế thứ hai của nhà Đường. Ông được sử sách đánh giá là một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất trong các bậc đế vương của lịch sử Trung Quốc. Nhà Đường dưới sự trị vì của ông, được gọi là Trinh Quán chi trị, đã phát triển cường thịnh, không những về kinh tế mà còn hùng mạnh về quân sự. Ông không chỉ củng cố và mở rộng lãnh thổ mà còn thực hiện cải cách, hoàn thiện hệ thống chính trị, trọng dụng nhân tài và coi trọng dư luận.
Về chính trị, Đường Thái Tông được đánh giá là vị hoàng đế thông minh tài trí khi có những chính sách cải tạo nền tảng vững chắc cho đất nước. Ông cũng khéo dùng người, biết dùng người tài đức, đồng thời biêt nghe lời can gián chân thành, và quý trọng, đối đãi hết lòng với kẻ sĩ. Chính điều này mà ông đã chiêu mộ được nhiều nhân tài phò trợ.
Ngoài ra, về văn hóa nghệ thuật, trong thời Đường Thái Tông trị vì cũng cực kỳ nở rộ, trở thành một trong những quốc gia hưng thịnh và giàu mạnh nhất trên thế giới lúc bấy giờ. Vị hoàng đế này ra sức khuyến khích học thuật, tổ chức cho những văn sĩ viết kinh sách, viết sử, lập Quốc tử giám...
Một thế kỷ sau khi Đường Thái Tông qua đời, nhà Đường vẫn được hưởng thái bình và thịnh vượng. Điều này đủ để thấy tài năng và sức ảnh hưởng của vị hoàng đế này khi trị vì đất nước.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, 163, Baidu