40 năm kiệt tác "The Godfather": Đoạn kết không trọn vẹn
(TT&VH Cuối tuần) - Trong lịch sử điện ảnh, 16 năm là khoảng cách dài nhất giữa 2 phần tiếp theo (1974 - 1990). Và The Godfather phần III chỉ hình thành…
…Khi ông đạo diễn… lại kẹt tiền!
Sau thành công khổng lồ của The Godfather phần II, hãng Paramount thừa thắng đề nghị sẵn sàng tạo mọi điều kiện với ưu đãi tốt nhất, nếu đạo diễn F.F.Coppola có ý định muốn làm Phần III. Nhưng ông từ chối vì cho rằng hai bộ phim đầu tiên đã kể xong mọi chuyện về gia đình Corleone. Hãng Paramount bèn quay qua đề nghị với nhà văn Mario Puzo triển khai một câu chuyện tiếp theo về gia đình mafia này.
Một kịch bản nháp đầu tiên dựa theo câu chuyện của Puzo đã được nhà biên kịch Dean Riesner viết vào năm 1979. Kịch bản tập trung vào con trai của Michael Corleone là Anthony, một sĩ quan hải quân đang làm việc cho CIA, và sự liên can của gia đình Corleone vào âm mưu ám sát một nhà độc tài ở miền trung châu Mỹ… Nhưng kịch bản này nhanh chóng bị xếp xó vì không mấy hấp dẫn, và điều quan trọng là đạo diễn Coppola đang bận nhiều dự án với hãng phim riêng của mình.
Rủi thay, thập niên 1980 lại là giai đoạn… thê thảm trong sự nghiệp của Coppola. Đó là thời kỳ bận rộn nhất (đạo diễn 8 phim, phần lớn kiêm luôn kịch bản), đồng thời cũng xui xẻo nhất khi các bộ phim đó đều lỗ “sặc gạch”. Hãng phim Zoetrope của ông làm đến phim New York Stories (1989) là lần thứ 3… phải nộp đơn phá sản! Để giải quyết các rắc rối về tài chính, Coppola đề nghị sẽ làm The Godfather phần III theo lời mời mà Paramount đã đưa ra từ lâu.
Nhưng lần này hãng Paramount lại ở thế “cửa trên”, khi chấp thuận sản xuất phần III với kinh phí 54 triệu USD, kèm theo những điều kiện khắt khe: Coppola chỉ được trả 1 triệu USD cho 3 vai trò biên kịch, sản xuất và đạo diễn. Bản dựng hoàn chỉnh của bộ phim không được ngắn hơn 140 phút, và bất kỳ chi phí bổ sung đều không được hãng bù đắp.
Coppola và Puzo yêu cầu phải có thời gian 6 tháng để hoàn tất bản nháp đầu tiên của kịch bản, với ngày phát hành là lễ Phục sinh 1991. Nhưng Paramount chỉ đồng ý cho họ… 6 tuần để viết kịch bản và do thiếu một bộ phim chiếu dịp nghỉ lễ cuối năm, nên ngày phát hành của Phần III bắt buộc phải vào thời điểm Giáng sinh 1990!
Cứu bố, Sofia Coppola vào vai diễn “thảm họa” trong Bố già phần III,
chấm dứt sự nghiệp diễn xuất của cô
Bố Già Michael phải trả giá
Coppola cho rằng câu chuyện về dòng họ Corleone trong cả 3 phần The Godfather, về cơ bản là câu chuyện của Michael xoay quanh chủ đề, “một người tốt trở thành người xấu như thế nào”. Coppola cảm thấy Michael thực sự chưa “trả giá cho những tội ác” mà hắn đã gây ra trong Phần II, và ông muốn tập phim cuối cùng này phải nêu bật được điều đó.
Coppola và Puzo lúc đầu muốn bộ phim được đặt tựa là The Death of Michael Corleone (Cái chết của Michael Corleone). Tuy nhiên, hãng Paramount không chấp nhận, vì bản thân cái tên The Godfather là một thương hiệu hốt bạc không gì sánh nổi! Phần III là phần kết câu chuyện về Michael Corleone, giờ đã là một Bố già mafia khét tiếng tìm cách hợp pháp hóa đế chế tội ác của ông. Nội dung chính của bộ phim cũng được đan xen với một số sự kiện có thật được hư cấu thêm như cái chết của Giáo hoàng John Paul I năm 1978, vụ phá sản Ngân hàng Banco Ambrosiano năm 1981-1982.
Không rắc rối với diễn viên, không phải phim Bố Già
Ba diễn viên, Al Pacino (vai Michael), Diane Keaton (Kay Adams, vợ cũ của Michael) và Talia Shire (Connie, em gái Michael) tiếp tục đóng các vai của họ trong hai bộ phim đầu. Nhưng suýt nữa Al Pacino lại gây rắc rối lớn, khi anh được mời với thù lao 5 triệu USD, nhưng lại đòi 7 triệu USD cộng với tỷ lệ phần trăm doanh thu để đóng tiếp vai Michael. Coppola từ chối, và dọa sẽ viết lại kịch bản mở đầu bằng trường đoạn… đám tang của Michael! Cuối cùng Pacino phải chấp nhận thù lao 5 triệu USD.
Nhưng trái khoáy là Robert Duvall cũng đòi được trả thù lao ngang bằng với Al Pacino (5 triệu USD) thì mới đóng tiếp vai luật sư Tom Hagen trong Phần III này. Duvall rất hiểu rằng Pacino là ngôi sao chính, nhưng sự chênh lệch thù lao quá lớn làm Duvall cảm thấy bị sỉ nhục (lúc ấy Duvall đã từng đoạt giải Oscar Nam chính, còn Pacino thì chưa lần nào). Sau này ông thổ lộ, “Nếu họ trả cho Pacino gấp đôi thù lao của tôi thì được, nhưng nếu gấp ba hay gấp bốn thì quá đáng. Vậy mà họ đã làm thế!”
Hãng phim từ chối đòi hỏi của Duvall, và Coppola viết lại kịch bản để Tom Hagen chết trước khi tập phim xảy ra. Thay vào đó là một nhân vật mới, luật sư B.J. Harrison, do George Hamilton đóng. Một câu thoại được đưa vào phim để giải thích rằng Tom Hagen đã chết trước đó nhiều năm. Tuy nhiên đối với Coppola, phần III chưa trọn vẹn “vì không có sự tham gia của Robert Duvall”.
Trong phần III xuất hiện 2 nhân vật mới cực kỳ quan trọng, đó là Vincent Mancini - Đứa con rơi của Sonny Corleone (đã chết ở phần I) - Người cuối phim sẽ được Michael chọn thay mình làm Bố già. Những cái tên đầy hứa hẹn lúc ấy như: Alec Baldwin, Matt Dillon, Vincent Spano, Val Kilmer, Charlie Sheen, Billy Zane và Nicolas Cage đều được nhắm đến vai này, nhưng người được chọn là tài tử đang lên Andy Garcia - với gương mặt đậm nét Latin (anh gốc Cuba).
Nhân vật quan trọng thứ hai là Mary Corleone - con gái yêu của Bố già Michael - trong phim cô đã nảy sinh tình cảm với người anh họ Vincent của mình. Julia Roberts là sự lựa chọn trong mơ của Coppola cho vai này, nhưng cô không sắp xếp được lịch quay. Ca sĩ Madonna đã vận động để được đóng vai Mary Corleone, mặc dù ngoài đời cô chỉ nhỏ hơn Diane Keaton (đóng vai mẹ của Mary Corleone) 12 tuổi. Madonna đã từng sắp xếp một cuộc gặp với Coppola và Robert De Niro để bàn về cách sửa lại nhân vật này cho phù hợp với tuổi của cô… Cô đào Rebecca Schaeffer chuẩn bị thử vai này thì bị sát hại. Ứng cử viên lớn nhất là Winona Ryder thì rút lui vào phút cuối vì lý do sức khỏe. Laura San Giacomo và Linda Fiorentino đều được cân nhắc cho vai Mary Corleone. Cuối cùng, cái tên được chọn gây sửng sốt cả Hollywood là Sofia Coppola… con gái ông đạo diễn!
Thảm họa mang tên… Sofia Coppola!
Khi Coppola quyết định giao vai này cho con gái Sofia chỉ mới 19 tuổi, ông đã viết lại kịch bản để vai này khớp với tuổi thật của Sofia (kịch bản nháp đầu tiên, nhân vật Mary lớn hơn Sofia 5 tuổi). Thật sự, Sofia đã bày tỏ sự e sợ về việc đóng vai này, vì cô biết mình không có năng khiếu diễn xuất. Nhưng cô đành phải chịu khuất phục trước yêu cầu của cha mình, và cũng để gỡ rối cho ông, khi quá trình sản xuất đang ngày càng chậm so với lịch trình.
Nếu tính luôn vai Mary trong Phần III, thì Sofia là một trong những diễn viên hiếm hoi tham gia cả 3 phần The Godfather. Khi chỉ mới là một đứa bé còn ẵm ngửa, Sofia đã đóng vai… cháu trai sơ sinh (con của Connie và Carlo) mà Michael Corleone nhận làm cha đỡ đầu, trong trường đoạn cao trào lễ rửa tội/ám sát ở cuối Phần I. Sofia tiếp tục xuất hiện ở Phần II, đóng vai một đứa trẻ Ý nhập cư trong cảnh mở đầu, cậu bé Vito Corleone 9 tuổi tới đảo Ellis (Mỹ) bằng tàu hơi nước.
Trong khi đóng Phần III, Sofia ý thức sâu sắc rằng mình đang bị “chém” tả tơi trên báo chí vì họ cho rằng cô là con gái cưng của đạo diễn nên được giao vai ngon, và điều này cũng nhằm làm cho cô rối trí khi đang nỗ lực tập trung vào diễn xuất. Khi bộ phim công chiếu, hầu như tất cả những lời phê bình ác nghiệt nhất đều chĩa mũi dùi vào Sofia, đến mức đạo diễn Coppola bức xúc cho rằng các nhà phê bình đang “lợi dụng con gái tôi để tấn công tôi”.
Diễn xuất bị chê tơi bời trong phần III, Sofia Coppola không chỉ “lãnh” 2 giải Mâm xôi vàng (Nữ diễn viên phụ tệ nhất và Ngôi sao mới dở nhất), mà còn lập một kỷ lục mới trong lịch sử giải Mâm xôi vàng về tỷ lệ phần trăm phiếu bầu cao nhất, mà bất kỳ diễn viên nào nhận được cho tới thời điểm đó – chiếm tới 65 % số phiếu bầu trong cả 2 hạng mục! Từ sau The Godfather phần III Sofia từ giã luôn sự nghiệp diễn xuất, và sau này khá thành công trong lĩnh vực biên kịch và đạo diễn (cô đã từng đoạt Oscar kịch bản năm 2003 với phim Lost in Translation).
Đoạn kết không trọn vẹn
Phần III bị hầu hết mọi người đánh giá là bộ phim kém nhất trong bộ 3 phim The Godfather. Câu chuyện bị chê quá kỳ dị và rối rắm, nội dung quá phụ thuộc vào tính kế thừa của hai tập trước mà thiếu sự độc lập cần thiết. Do đó khó mà hiểu được phần III nếu không theo dõi 2 phần trước đó.
Tuy nhiên nhờ danh tiếng của 2 phần trước, nên Phần III đạt doanh thu tổng cộng 136,8 triệu USD, và nhận được các bài phê bình vừa khen vừa chê cho tới tích cực. Năm 1990, bộ phim được đề cử 7 giải Oscar nhưng không giành được giải nào. Đây cũng là phần duy nhất trong ba phim The Godfather mà Al Pacino không được đề cử Oscar.
Bá Vũ
*** Đọc tất cả những bài viết về các tác phẩm điện ảnh kinh điển tại đây