4 nỗi sợ vô hình khiến người trẻ hiện nay không còn 'dám' về quê ăn Tết: Giục cưới, ép kết hôn là lý do hàng đầu, chọn một mình nơi đất khách để được 'bình yên'
Bố mẹ giục cưới hay những câu hỏi kém duyên của họ hàng, … là những lý do khiến người trẻ không còn mặn mà chuyện về quê ăn Tết mà chọn ở lại thành phố.
Nhiều người trẻ ngày nay chọn ăn Tết xa nhà, thậm chí xách vali đi du lịch xuyên Tết. Vì sao lại như vậy?
1. Sợ giục cưới, ép kết hôn
Bước sang tuổi 27 với ngoại hình ưa nhìn và có thu nhập ổn định song Hải Anh vẫn chưa có ý định tìm một người phù hợp để tiến tới hôn nhân.
"Công việc của tôi rất bận rộn nên tôi không còn thời gian để tìm hiểu và yêu đương. Ở quê, con gái 27 tuổi đã bị cho là "ế" nên bố mẹ tôi rất lo lắng, luôn tìm cơ hội để nói chuyện và nhắc nhở tôi “đến tuổi rồi”. Tết năm ngoái, không chỉ bố mẹ mà cả họ hàng cũng đua nhau mai mối cho tôi. Năm nay còn chưa về quê nhưng tôi đã được mẹ xếp lịch để đầu năm đi xem mắt một người quen của họ hàng", Hải Anh kể.
Không riêng gì Hải Anh, với nhiều bạn trẻ đã đến tuổi cập kê nhưng chưa tìm được bến đỗ cho mình, về quê ngày tết có lẽ sẽ là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Hiện nay, vẫn còn nhiều người đặt tiêu chuẩn về sự thành công là phải tậu được nhà, tổ chức đám cưới và sinh con đẻ cái. Do đó, những người không tuân theo truyền thống này sẽ chịu rất nhiều áp lực.
Trên thực tế, hiện trạng xã hội đã thay đổi, chúng ta cũng không nên giữ mãi những tiêu chuẩn đã cũ để áp đặt lên người khác. Tốt hơn hết, hãy để cho mọi người có sự thoải mái về cuộc sống cá nhân cũng như công việc của họ.
2. Hàng trăm thứ phải chi tiêu
Cứ nhắc đến Tết, không ít người cảm thấy áp lực, nhiều người còn cảm thấy sợ cả Tết bởi sẽ phải khổ sở loay hoay với hàng trăm thứ phải chi tiêu vào dịp này. Đặc biệt với những người có thu nhập thấp, việc chi tiêu ngày tết là một bài toán khó mà họ phải cân não để tính toán một cách hợp lý nhất có thể.
Đó cũng chính là điều mà bạn trẻ Thành Long (26 tuổi) đau đầu mỗi dịp xuân về: "Tết đến trăm thứ cần chi tiêu mà lương mình thì chỉ đủ sống, thưởng Tết cũng chẳng đáng là bao. Cứ vào dịp này, mình phải cân đo đong đếm rõ ràng từng thứ. Mình bị áp lực tài chính đè nén những ngày Tết. Bởi thế nên nhiều người lòng thấy không vui, thành ra ghét Tết cũng là điều dễ hiểu".
3. Sợ phải trả lời những câu hỏi khó chịu
Tết là một dịp hiếm hoi trong năm để nhiều người có thể quây quần với gia đình, người thân của mình. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để họ hàng "tra hỏi" nhau những câu hỏi cực kỳ riêng tư về chuyện lương thưởng, chuyện tình cảm.
Phương Mai (24 tuổi) kể chuyện về quê ngày Tết: "Mình chỉ vừa ra trường một vài năm, công việc cũng chưa thực sự ổn định, vậy mà mỗi lần về quê đều được họ hàng đặt một loạt câu hỏi trên trời dưới đất khiến mình choáng váng. Sáng ra đầu ngõ gặp chú hàng xóm đã được hỏi "bao giờ lấy chồng? Chiều ra đầu ngõ mua thức ăn được cô bán hàng hỏi "lương tháng bao nhiêu?". Thậm chí, cô bác họ hàng mình cũng thường xuyên hỏi "đã có người yêu chưa?" khiến mình chỉ biết cười trừ cho qua."
Đối mặt với những câu hỏi “quan tâm” quá mức nhiệt tình này, nhiều người không khỏi đau đầu và mệt mỏi vì nếu không trả lời thì bị coi là khiếm nhã, mà trả lời cũng chẳng thoải mái gì.
Đây cũng chính là lý do mà càng ngày càng nhiều bạn trẻ không muốn về quê ăn Tết. Đơn giản là họ muốn né tránh những câu hỏi quan tâm nhưng gây áp lực như thế này. Tết là dịp để mọi người cùng nghỉ ngơi, tận hưởng khoảnh khắc vui vẻ bên nhau trong dịp đầu năm mới. Bởi vậy,thay vì phải gây thêm áp lực cho nhau, mọi người nên bỏ qua những muộn phiền để cùng chào đón một năm mới đầm ấm bên gia đình.
4. Sợ họp lớp
Sau 1 năm làm việc vất vả, họp lớp cuối năm là dịp hiếm hoi để tất cả bạn bè có mặt đông đủ, ôn lại chuyện cũ và chia sẻ những điều mới trong cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay, có hàng nghìn lẻ một lý do "dở khóc, dở cười" khiến mọi người "khước từ" chuyện họp lớp.
Mạnh Dũng ( 25 tuổi) chia sẻ: "Đã 2 năm nay mình không còn tham gia các cuộc họp lớp, 1-2 lần đầu cũng vui đấy nhưng đi nhiều thành chán. Mỗi người giờ đây đã có một cuộc sống riêng, một hướng đi riêng, những mối quan hệ riêng. Do không còn liên lạc với nhau nữa nên mọi người cũng dần trở nên xa cách với nhau. Hơn nữa, họp lớp ngày nay còn biến tướng thành nơi để nhiều người khoe giàu, khoe giỏi nên mình cũng không còn thích tham gia nữa".
Không chỉ những lý do trên, việc chi phí cho những buổi họp lớp cũng đang gia tăng khiến nhiều người trẻ có thu nhập thấp cảm thấy ái ngại. Nhiều người cho rằng, trong thời buổi chất lượng cuộc sống đi lên thì “văn hóa họp lớp” lại ngày càng đi xuống. Đó cũng là lý do mà nhiều người sợ Tết và trốn tránh đi họp lớp.
Xuân đến, mỗi người dù ở đâu cũng muốn về với mái ấm gia đình. Thế nhưng có lẽ vì Tết ngày nay mang đến những nỗi lo, những trăn trở vì hoàn cảnh, vì cuộc sống nên chúng ta dần mất đi cảm giác hào hứng, chờ mong Tết như những năm về trước. Dẫu vậy, Tết vẫn là dịp đoàn viên, là thời gian mọi người tạm dừng công việc, trở về gia đình đoàn tụ, quây quần bên mâm cỗ Tết. Ý nghĩa của Tết vốn dĩ không thay đổi, nếu như chúng ta nhìn mọi thứ một cách nhẹ nhàng hơn, Tết sẽ không còn là từ gây ám ảnh nữa. Những ngày Tết vẫn là những ngày trọn vẹn niềm hạnh phúc bên gia đình.
'Nó đắt lắm, nhà mình không đủ tiền mua đâu!': Câu nói 'hủy hoại' ý chí của những đứa trẻ mà nhiều bố mẹ hay dùng, bỏ ngay kẻo ‘hại’ con