'39 câu hỏi cho người trẻ' của Phan Đăng: Kiếm tìm bản ngã
(Thethaovanhoa.vn) - 39 câu hỏi cho người trẻ (NXB Kim Đồng) là cuốn sách đặt ra 39 câu hỏi thấm đẫm tính “triết học”, song tác giả của nó - nhà báo Phan Đăng - lại đưa ra những câu trả lời đầy ắp hơi thở của cuộc sống đương đại với nội dung xoay quanh trục tư tưởng: Ta đang là ai? Ta có thể là ai? Ta có thể tìm ta theo cách nào?
1. Mất 10 năm chuẩn bị và 3 năm để viết, sự ra đời của 39 câu hỏi cho người trẻ là kết quả của quá trình liên tục đọc – trải nghiệm – suy ngẫm của tác giả.
“Đúng là tôi chuẩn bị tư liệu trong khoảng 10 năm, nhưng thời điểm đầu của sự chuẩn bị này, tôi không xác định cho việc viết. Nói nôm na trong 10 năm đó tôi chỉ đọc và đọc, đọc một cách đầy ngẫu hứng và tự nhiên. Sau quá trình đọc, tôi nhận thấy có nhiều thứ cần phải sắp xếp lại. Sự sắp xếp để có thể diễn giải được những điều tưởng như khô khan, hàn lâm biến thành những điều tươi mới, dễ chịu và gần gũi, giúp người trẻ có thể đọc” – nhà báo Phan Đăng nói.
Tựa sách thoạt nghe dường như chỉ dành cho những người trẻ. Song thực tế không phải vậy. Cuốn sách dành cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Bởi lẽ, trẻ hay già suy cho cùng cũng chỉ là từ ngữ để biểu thị tuổi tác hay cảm quan. Sẽ chẳng thành vấn đề khi một người già nào đó yêu thích và tìm đọc cuốn sách này bằng một tâm hồn trẻ.
Trong cuốn sách, tác giả Phan Đăng có viết về một khoảnh khắc chợt tỉnh khi nhìn thấy cậu con trai tò mò với một đốm lửa ở trên bếp gas. Khi ấy, anh tự hỏi chính mình rằng: Sự tò mò của bản thân mất đi đâu rồi? Có lẽ bất cứ ai vẫn còn tò mò với cuộc đời, với những trăn trở trong cuộc sống đều là những người có tâm hồn trẻ. Đó là những người mang trong mình một tư tưởng mới, sẵn sàng tiếp nhận những điều mới mẻ giống như những đứa trẻ luôn tò mò với mọi thứ xung quanh. Đó cũng là lý do, 39 câu hỏi cho người trẻ dành cho tất cả mọi người, không riêng người trẻ.
Phan Đăng chọn cách đặt vấn đề, toàn bộ bằng nghi vấn từ Tại sao. Hết thảy 39 câu hỏi trong cuốn sách đều bắt đầu bằng từ “Tại sao”: Tại sao phải hoài nghi? Tại sao phải tưởng tượng? Tại sao cái ác luôn tồn tại? Tại sao phải tôn trọng niềm tin khác mình? Tại sao phải biến cảm hứng thành giá trị?,…
39 câu hỏi tại sao, được Phan Đăng chia thành 5 chương với cách đặt tên đều mang hàm ẩn. Đó là đặt thế giới quan của mỗi cá nhân trong mối tương quan với cuộc đời, với nhân sinh, và rồi trở lại với sự phản tư. 5 chương gồm: Trong não hắt ra, Ngoài mắt hắt vào, Vĩ mô hắt xuống, Vi mô hắt lên, Ta hắt ta.
Lật giở 300 trang sách với 39 câu hỏi, trải rộng trên một phổ khá rộng, từ những vấn đề vĩ mô như tôn giáo, chính trị, đến những vấn đề xuất phát từ chính bản thân mỗi người như tư duy, suy nghĩ, cư xử, tưởng tượng... Tác giả dẫn dắt người đọc “đi từ tốn, nhưng đủ đầy” trên một chuyến hành trình kiếm tìm bản ngã. Đó là hành trình nhìn sâu vào tâm thức bản thân; nhìn ra thế giới trước mắt; mở rộng tâm trí va chạm với các luồng tư tưởng khác; quan sát các sự vật, hiện tượng điển hình trong đời sống và rồi quay trở về ngẫm lại cuộc đời mình.
2. Đời người là những trăn trở, dẫu có đủ thứ loại trăn trở khác nhau, nhưng tựu trung lại có một câu hỏi lớn điển hình cho đại thể đời người chính là: Ta là ai? Đây cũng là tư tưởng lớn, tinh thần chính của cuốn sách 39 câu hỏi cho người trẻ.
Nhà báo Phan Đăng quan niệm, cuộc đời là đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi lớn. Câu hỏi lớn đó không phải ta có bao nhiêu tiền, cũng chẳng phải ta sẽ làm chức vụ gì, ta nổi tiếng hay không nổi tiếng, ta trở thành giàu có hay nghèo khổ,… Câu hỏi lớn đó suy cho cùng là: Ta là ai?
“Có nhiều người đến lúc nhắm mắt xuôi tay cũng không biết mình là ai. Thành thử ra hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ta là ai, là một hành trình cần phải đặt ra từ trẻ”.
Để trả lời câu hỏi lớn của cuộc đời, ta là ai, theo tác giả Phan Đăng có hai hướng. “Hướng thứ nhất là sự tham khảo những tư tưởng lớn của những nhà tư tưởng lớn. Cuộc đời của họ là những bài học vĩ đại. Đã có rất nhiều những nhà tư tưởng lớn gặp phải những vấn đề trục trặc trong đời. Và họ đã giải quyết vấn đề đó như thế nào, chính là một cách tham khảo”.
Anh nói tiếp: “Hướng thứ hai là từ sự tham khảo các tư tưởng lớn, mỗi người phải tự biết chiếu vào hoàn cảnh của chính mình. Sau khi tham chiếu cả hai hướng đó, mỗi người sẽ biết bản thân phù hợp với điều gì ở đời”.
Thử hỏi một người để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi lớn đời mình mất bao lâu và làm sao để ngắn lại? Theo tác giả Phan Đăng, mấu chốt nằm chính ở việc đọc và việc học, “khi chúng ta đọc về cuộc đời của những vĩ nhân, đọc về cuộc đời của những người nổi tiếng, đọc về cuộc đời của những người có tác động lên xã hội thì đó cũng là lúc chúng ta rút ngắn đi những thử thách trong cuộc đời của mình”.
Anh dẫn chứng: “Năm 1888, có một tờ báo Pháp đăng bản cáo phó viết Alfred Nobel đã chết với dòng chú thích Người buôn bán tử thần đã chết. Chúng ta đều biết rằng Alfred Nobel là người đã chế tạo ra thuốc nổ. Thế nhưng, bản cáo phó này đã nhầm. Bởi người chết không phải Alfred Nobel mà là Ludvig Nobel - anh trai của Alfred Nobel”.
“Lúc đọc bản cáo phó viết nhầm cho cuộc đời mình, Alfred Nobel chợt nghĩ, sau này chết thật, hậu thế sẽ nhớ về mình trong tư cách nào? Trong tư cách của một người buôn bán cái chết, buôn bán tử thần để giàu có như trong bản cáo phó viết nhầm kia chăng? Và chính từ ý nghĩ đó, khoảnh khắc đó, Alfred Nobel đã làm một việc vĩ đại. Đó chính là hiến rất nhiều tải sản, để hậu thế có một giải thưởng danh tiếng mang tên ông - Giải thưởng Nobel”.
Tác giả của 39 câu hỏi cho người trẻ cho rằng, có rất nhiều vĩ nhân, người nổi tiếng khác cũng có những khoảnh khắc vỡ lẽ về cuộc đời như Alfred Nobel. Khi càng đọc về họ, càng đọc nhiều trong một khoảng thời gian càng ngắn, mỗi người càng rút ngắn lại quãng thời gian phải thử thách, thậm chí là phải trả giá cho cuộc đời.
Đến thời điểm hiện tại, nhà báo Phan Đăng vẫn đang trên hành trình “Tôi đi tìm tôi”. “Mỗi năm qua đi, tôi lại thấy được gặp chính mình nhiều hơn. Mỗi lần gặp một người nào đó trong đời, tôi lại hiểu chính mình hơn. Với tôi, toàn bộ hành trình đó giúp tôi hạnh phúc. Đúng như nhiều người vẫn thường nói, hạnh phúc đôi khi không phải đích đến, mà là quá trình ta đang đi”.
Trở lại với 39 câu hỏi cho người trẻ, bằng những trải nghiệm đời mình, tác giả Phan Đăng đã khơi gợi cho người trẻ những suy tư sâu sắc hơn về cuộc đời và con người, gạt bỏ bớt những bối rối trên con đường trưởng thành. Để rồi mỗi người “sẽ vào đời với những hành trang cần có, nếu không phải để thành công thì ít nhất cũng để giảm thiểu những xác suất rủi ro mà một cuộc đời có thể tạo ra”.
Khép lại 39 câu hỏi của Phan Đăng, sẽ là 390, 3900,… câu hỏi khác được nảy nở tự thân ở mỗi người đọc. Bởi suy cho cùng, đặt ra câu hỏi chính là con đường để tìm câu trả lời.
- Chân dung nhà báo Phan Đăng - người thay thế MC Lại Văn Sâm tại ‘Ai là triệu phú’
- GÓC KHUẤT: Nhà báo Lại Văn Sâm lần đầu nói về nhà báo Phan Đăng
- Nhà báo Phan Đăng ra mắt 'Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi'
3. Ra mắt sách vào đầu tháng 7, tác giả Phan Đăng cảm thấy bất ngờ bởi anh không nghĩ độc giả lại đón nhận cuốn sách 39 câu hỏi cho người trẻ và cổ vũ anh nhiều đến thế. Có lẽ đó là phần thưởng xứng đáng cho những tâm huyết mà anh đặt trọn cho đứa con tinh thần đến độ ăn không ngon, ngủ không yên.
Như một cách để đối thoại với người trẻ, đọc 39 câu hỏi cho người trẻ, có lẽ sẽ thấy đâu đó hình bóng của chính tác giả. Phan Đăng đưa người đọc vào thế giới của anh và đưa người đọc vào chính thế giới tâm can của mình. Từ đó, ít nhất khơi gợi được những suy tưởng nội tại của mỗi người về cuộc đời, về chính mình. Đó là một thành công.
Khi viết cuốn sách này, tác giả Phan Đăng nghĩ nhiều đến hình ảnh của những đứa trẻ, nó tạo ra nguồn động lực thôi thúc anh mạnh mẽ. Anh quan niệm: “Những đứa trẻ lớn lên và đặt được ra những câu hỏi, không ngừng đặt ra những câu hỏi giúp ta nhìn thấy những vận động, cả vận động tư duy lẫn vận động về nhân sinh quan, vận động về phương pháp luận”.
Coi sách 39 câu hỏi cho người trẻ như cây cầu nối, tác giả Phan Đăng hi vọng cuốn sách này sẽ bắc cầu dẫn dắt người trẻ đến nhiều hơn với những cuốn sách kinh điển khác. Vì một lẽ, “suy cho cùng vũ trụ như một hệ tọa độ. Mỗi người đứng ở một tọa độ bất kỳ. Trong tọa độ có hạnh phúc, có lầm lạc. Nếu đọc nhiều, đặc biệt là những cuốn sách kinh điển thì tọa độ lầm lạc sẽ co lại, trong khi tọa độ hạnh phúc sẽ phình ra”.
Phan Đăng – từ MC “Ai là triệu phú”… Nhà báo Phan Đăng, sinh năm 1984. Anh là một trong những cái tên khá quen thuộc trong lòng các bạn đọc yêu thích thể thao cũng như khán giả truyền hình qua các chương trình: Ai là triệu phú, Chuyện bên ly cafe (Cafe sáng với VTV3), Sân cỏ Chủ nhật,…Anh từng viết và xuất bản một số cuốn sách như: Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi, Ở trong đầu trí thức, Những góc nhìn đời: Tôi thấy – nghe – và nghĩ. Hiện nay anh đang là Thư ký tòa soạn của tờ An ninh thế giới Cuối tháng. |
Công Bắc