'35 tỷ là để phục vụ đội bóng, chúng tôi có được gì đâu!'
* Công ty VPF, BTC V-League đã có xác nhận chính thức từ phía CLB TĐCS.Đồng Tháp về việc xin rút không tham dự V-League 2015?
- Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chờ câu trả lời cuối cùng từ phía CLB bóng đá Đồng Tháp sau khi lãnh đạo địa phương đưa ra quyết định sau cùng. Theo kế hoạch, vào ngày 28/10, tại Cần Thơ có một cuộc họp của BCH VFF và tại đó, chúng tôi báo cáo lại tình hình cụ thể.
Trường hợp của An Giang thì chúng tôi cũng chờ tổng hợp báo cáo từ phía CLB này bằng văn bản. Thời hạn 24/10 và phía Công ty VPF – BTC giải đưa ra với các CLB cũng là để chúng tôi có số liệu cụ thể để từ đó báo cáo Thường trực VFF. Quá hạn mà còn CLB nào chưa có đăng ký chính thức bằng văn bản thì chúng tôi sẽ đốc thúc tiếp để có cơ sở đánh giá.
* Trong trường hợp xấu nhất, CLB TĐCS.Đồng Tháp vẫn không huy động được kinh phí để tham dự V-League 2015 thì Công ty VPF sẽ tính đến những phương án nào cho mùa giải mới?
- Chúng tôi sẽ trình lên BCH về số lượng đội đăng ký tham dự mùa giải mới từ đó Thường trực quyết định về phương án cuối cùng. Tuy nhiên, theo tinh thần từ mùa giải 2014, như Tổng giám đốc Công ty VPF Phạm Ngọc Viễn đã trả lời trên báo chí nhiều lần, đó là có bao nhiêu chơi bấy nhiêu.
Tinh thần đó lãnh đạo Liên đoàn và Công ty VPF đã thống nhất từ giai đoạn chuẩn bị cho V-League 2014 và giờ vẫn sẽ như vậy. Theo nguyên tắc, có bao nhiêu đội thì sẽ chơi như thế, không nên điều chỉnh nâng đội này đội khác lên hạng thì sẽ phức tạp ra. Tuy nhiên, vẫn phải chờ quyết định cuối cùng từ phía CLB Đồng Tháp.
* Tài chính eo hẹp khiến nhiều đội bóng đã và đang đứng trước nguy cơ giải thể, rút lui khỏi các giải đấu? Theo ông, điều này ảnh hưởng thế nào đến hệ thống các giải đấu quốc gia của bóng đá Việt Nam?
- Qua thực tế chuyện một số CLB như An Giang và bây giờ là Đồng Tháp gặp khó khăn, không đủ kinh phí hoạt động và có ý định xin rút không tham dự giải tôi cho rằng đúng là tình hình kinh tế xã hội đã tác động đến một số CLB V-League cũng như hạng Nhất. Khó khăn này là có nhưng cá nhân tôi mong muốn bóng đá tiếp tục được quan tâm, đầu tư, nhiều địa phương coi đây là hoạt động thể thao, văn hóa quan trọng của địa phương.
Với số lượng đội còn khá hạn chế như hiện nay thì tôi cho rằng chưa đáp ứng với một quốc gia có hơn 90 triệu dân và người Việt Nam cũng có tình yêu với bóng đá rất lớn. Dù ý kiến này có thể là duy ý chí nhưng tôi rất mong muốn là giải chuyên nghiệp duy trì được số lượng 13,14 đội như hiện nay, bảo đảm cho nền bóng đá chuyên nghiệp mạnh. Sẽ là tốt hơn nếu như V-League duy trì được khoảng 14, 15 đội, thậm chí có thể nhiều hơn còn nếu ngày càng giảm có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chung của giải đấu.
* Con số 35 tỷ đồng tối thiểu đối với một CLB V-League và 25 tỷ với đội hạng nhất phải chăng là rào cản trong việc duy trì hoạt động của nhiều đội bóng?
Tôi nghĩ không thể nói đây là rào cản. Trước đây, theo tính toán của Liên đoàn bóng đá Việt Nam và Công ty VPF thì con số đó là 40 tỷ, sau đó rút xuống còn 35 tỷ thì chúng tôi cũng đã ý thức được vấn đề kinh tế khó khăn.
Việc đưa ra một con số như vậy cũng là để làm sao các CLB có số tiền đủ để ký hợp đồng, trả lương cho các cầu thủ nội và một, vài cầu thủ ngoại. Ngoài ra còn phải tính cả chi phí ăn, ở, di chuyển bằng máy bay từ địa phương này đến địa phương khác, Trung, Nam, Bắc, kinh phí hoạt động tối thiểu cho một mùa giải.
Cách đây 3, 4 năm, nhiều CLB đã công bố kinh phí phải chi ra khoảng 50 tỷ/mùa giải, bây giờ nếu mình tiếp tục rút lại con số tối thiểu phải có xuống dưới 30 tỷ thì chắc chắn nhiều CLB sẽ bỏ đào tạo trẻ, không đầu tư cho đào tạo cầu thủ trẻ mà chỉ dành tiền lo cho đội 1. Đào tạo trẻ phải mất 5,7 tỷ, kinh phí cho lứa U21, U19, U17…, nếu địa phương chỉ có khoảng hơn 20 tỷ thì chắc chắn người ta sẽ chỉ lo đội 1 thôi. Như thế không làm CLB bóng đá chuyên nghiệp phát triển bền vững và thiếu đi lực lượng kế thừa.
Vì thế, tinh thần là có thể rút nhưng rút làm sao cho phù hợp. Chủ trương giảm số lượng cầu thủ ngoại được đăng ký vào danh sách, ra sân thi đấu mỗi trận cũng là cách giúp các CLB giảm chi phí. Hai nữa phải đảm bảo cho các CLB chi phí phục vụ công tác đào tạo trẻ, đầu tư cải thiện cơ sở vật chất, sân bãi để đáp ứng đủ những tiêu chí tối thiểu của một CLB bóng đá chuyên nghiệp. Việc du di 5,7 tỷ thì có lẽ các CLB sẽ lo được ví dụ đội nào nghèo, khó khăn về kinh phí thì có thể sẽ chỉ có khoảng 30 tỷ.
Con số 35 tỷ đưa ra cũng là muốn các đội xây dựng đúng theo tiêu chí CLB chuyên nghiệp, có đầy đủ hệ thống, các chức danh của bộ máy điều hành, quản lý hoạt động, cơ sở vật chất được xây dựng, chế độ lương bổng của cầu thủ được đảm bảo.
Con số đưa ra này cũng là để phục vụ cho hoạt động của các CLB chứ Liên đoàn hay Công ty VPF không được lợi ích gì. Còn bây giờ là 35 tỷ hay một con số khác, cụ thể như thế nào phải tính toán kỹ cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội Việt Nam thời điểm hiện tại.
* Kể từ năm 2015, bóng đá Việt Nam bắt buộc tham gia hệ thống cấp phép của AFC, các CLB phải thực hiện tốt các tiêu chí do Liên đoàn bóng đá Việt Nam đặt ra, việc này được thực hiện đến đâu thưa ông?
- Các tiêu chí này bao gồm về thể thao, tiêu chí về cơ sở vật chất, tiêu chí về nhân sự và quản lý hành chính, tiêu chí về pháp lý và tiêu chí về tài chính. Tôi không có mặt tại cuộc họp này nên không biết số lượng cụ thể các CLB đã hội đủ các tiêu chí. Tuy nhiên, tôi được biết, một số CLB vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và tùy tình hình thực tế mà chúng ta phải điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của bóng đá Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông!
“Chúng tôi dự trù khoản tiền hoạt động của cả mùa vào khoảng 11 tỷ đồng và đã báo cáo lên tỉnh mà còn khó được duyệt, huống chi 20 tỷ. Giá như số tiền bắt buộc này chỉ 10 tỷ đồng thì may ra tỉnh mới chịu chi” - Một HLV đội hạng Nhất giấu tên phát biểu. |
Thể thao & Văn hóa cuối tuần