3 điểm mấu chốt cho thấy xe điện không ống xả nhưng phát thải chẳng kém xe xăng
Khi xe điện đang dần trở nên phổ biến hơn, nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu chúng có thực sự thân thiện với môi trường như lời đồn. Dùng xe điện chưa hẳn nghĩa là sẽ không có khí thải.
Những người đứng đầu tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới và các nhà sản xuất xe đang thúc đẩy sản xuất xe điện. Mục tiêu hướng đến là chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng như chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiều người hẳn sẽ đồng ý rằng những phương tiện chạy bằng điện là một lựa chọn thân thiện với môi trường hơn so với phương tiện truyền thống, nhưng vẫn có thể gây ra những tác động xấu đến môi trường theo cách chúng được sạc và sản xuất.
Sau đây là một số yếu tố cần được xem xét.
Điện cho xe điện làm từ đâu?
Các nhà máy điện chạy bằng than – Nguồn: CNBC
Nhìn chung, xe điện ít có khả năng tự tạo ra khí thải làm khí hậu nóng lên so với xe chạy bằng xăng. Nhưng nguồn điện để sạc có thể sạch được bao nhiêu còn phụ thuộc vào lượng than được đốt để tạo ra dòng điện, và cơ sở vật chất được xây dựng để tạo nên nguồn điện đó.
Theo Jeremy Michalek, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Carnegie Mellon, than đá nắm vai trò quan trọng trong việc điện có thật sự "sạch" không, vì nếu xe của bạn cắm điện vào ban đêm, sẽ khiến các nhà máy đốt than gần đó phải tăng công suất làm việc, và dĩ nhiên điều đó sẽ gây ô nhiễm không khí nhiều hơn. Nguồn điện chỉ thực sự "sạch" trừ khi sử dụng hỗn hợp khí tự nhiên, gió và năng lượng mặt trời có lượng khí thải thấp hơn để sản xuất. Tuy nhiên, than vẫn là nguyên liệu chủ chốt và chưa thể thay thế một sớm một chiều để sản xuất ra điện năng.
Nguyên liệu sản xuất pin cũng là vấn đề
Giống như nhiều loại pin khác, pin lithium-ion cung cấp năng lượng cho hầu hết các loại xe điện đều dựa vào nguyên liệu thô - như coban, lithium và các loại đất hiếm khác. Khai thác những nguyên liệu này đặc biệt ảnh hưởng đến môi trường và cả nhân quyền - trong đó phải nói đến coban.
Khai thác coban tạo ra chất thải và xỉ có hại ngấm vào lòng đất gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Một số nghiên cứu đã chứng minh được sự phơi nhiễm cao ở các cộng đồng dân cư xung quanh, đặc biệt là ở trẻ em. Chiết xuất nguyên liệu từ quặng coban cũng đòi hỏi một quá trình luyện kim, có thể thải ra oxit lưu huỳnh và các khí có hại khác.
Mỏ coban – Nguồn: Báo Cần Thơ
Hiện nay, có tới 70% nguồn cung cấp coban trên thế giới được khai thác ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi công nhân - bao gồm nhiều trẻ em - đào kim loại từ lòng đất chỉ bằng các công cụ cầm tay, có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe rất cao. Do đó, nhiều nhóm nhân quyền đã lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của người dân bản địa, yêu cầu sớm chấm dứt việc khai thác tại nơi đây.
Lithium khai thác cũng không hề dễ dàng, chủ yếu ở Úc hoặc từ các bãi muối ở vùng Andean của Argentina, Bolivia và Chile, việc này sử dụng một lượng lớn nước ngầm để bơm nước muối, làm hao phí tài nguyên nước của bà con nông dân và người chăn nuôi bản xứ. Ước tính, lượng nước cần thiết để sản xuất pin cho xe điện nhiều hơn khoảng 50% so với nước sử dụng để sản xuất động cơ đốt trong truyền thống. Còn các mỏ đất hiếm, tập trung ở Trung Quốc, thường chứa các chất phóng xạ có thể thải ra nước và bụi phóng xạ, gây ra những hệ lụy cho con người nơi đây.
Dù cho các nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất khác đã cam kết sẽ phát triển công nghệ pin với ít hoặc không có coban. Nhưng theo một tổ chức phi lợi nhuận làm việc với các cộng đồng khai thác ở Châu Phi, cho biết công nghệ đó vẫn đang trong quá trình phát triển, còn các mỏ coban thì vẫn mở ra khai thác như nấm mọc sau mưa. Các chuyên gia cho rằng nếu không hạn chế việc khai thác cũng như đảm bảo an toàn lao động cho công nhân, thì việc khai thác chẳng khác nào đưa "môi trường và tính mạng người dân vào vòng nguy hiểm".
Pin cũ thì phải làm sao?
Việc tái chế pin đã hết tuổi thọ cũng vô cùng nan giải. Hầu hết các loại xe điện ngày nay đều sử dụng pin lithium-ion hoặc công nghệ pin axit-chì cũ. Trong khi pin axit-chì được tái chế đến 99%, pin lithium-ion chỉ tái chế được khoảng 5%, phần còn lại thì bị đốt hoặc vứt ngoài bãi rác công nghiệp, gây lãng phí và đặc biệt không tốt cho môi trường. Chưa kể việc tái chế pin cũng có thể sử dụng một lượng lớn nước hoặc thải các chất gây ô nhiễm ra ngoài không khí.
Nguồn: CNBC
Mặc dù xe điện không thải ra khí CO2 khi đang chạy, nhưng quá trình để một chiếc xe điện có thể lăn bánh, hoạt động hiệu quả, chắc chắn sẽ thải một lượng lớn rác thải và khí ô nhiễm gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và đời sống của người dân. Xe "thân thiện với môi trường" chung quy vẫn là để bảo vệ môi trường sống của con người, nhưng điều sẽ chẳng nghĩa lý gì nếu việc sản xuất những chiếc xe thân thiện với môi trường lại ảnh hưởng trực tiếp đến con người. Nếu không có những cải tiến, đổi mới thì kể cả khi xe điện sẽ trở thành xu hướng của thời đại, việc một chiếc xe không phát thải vẫn là điều không tưởng.