3 câu hỏi ai cũng nên trả lời, giúp bạn phát hiện nguy cơ đột tử khi ngủ
Bác sĩ Như Vinh đang khám cho bệnh nhân. (Nguồn ảnh: Minh Trí).
Theo chuyên gia, đột tử khi ngủ có thể xảy ra ở những trường hợp ngưng thở khi ngủ. Hiện tượng ngưng thở khi ngủ được ví như "sát thủ của giấc ngủ".
60-70% người ngủ ngáy có thể bị ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea – OSA) là sự rối loạn trong giấc ngủ, trong đó có hiện tượng ngưng thở hơn 10 giây hay giảm thông khí lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm kèm triệu chứng ngủ ngáy và ngủ ngày quá mức…
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, đột tử do ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra ở người có bệnh lý nền, người thừa cân béo phì… Vào ban đêm người bệnh có hiện tượng sụt giảm oxy rất nhiều, não không dậy để đánh thức trung tâm hô hấp như bình thường. Điều này có thể khiến cho bệnh nhân bị ngừng hô hấp và tử vong.
Người ngủ ngáy sẽ tiềm ẩn nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Khoảng 60-70% người ngủ ngáy có thể bị ngưng thở khi ngủ. Điều nguy hiểm là không phải người ngủ ngáy nào cũng biết tình trạng nguy hiểm này.
Hiện tượng ngưng thở chỉ xảy ra khi ngủ do đường thở bị hẹp, không khí đi ngang qua quãng hẹp sẽ tạo thành tiếng ngáy. Đôi khi đường thở sẽ hẹp đến mức không khí không đi qua được, gây ra chứng ngưng thở.
"Tuy nhiên, rất may khi bị ngưng thở, mọi người sẽ được não đánh thức dậy (vi thức giấc) để điều chỉnh lại hơi thở. Trừ một số trường hợp ngưng thở luôn gây ra đột tử", bác sĩ Như Vinh nói.
Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 9 - 38% người lớn bị ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên, 80% bệnh nhân ngưng thở khi ngủ không được chẩn đoán.
"Hiện nay, những kiến thức về ngưng thở khi ngủ đã và đang được phổ biến kiến thức tại Việt Nam, nhiều bác sĩ đã biết về chứng ngưng thở khi ngủ và truyền thông rộng rãi tới người dân. Ngưng thở khi ngủ rất nguy hiểm nên việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị rất quan trọng, giúp phòng ngừa biến cố xấu có thể xảy ra", bác sĩ Như Vinh nói.
Ngưng thở khi ngủ thường gặp ở một số nhóm đối tượng có nguy cơ như: Người thừa cân béo phì (người cổ to và ngắn hay còn gọi cổ bành), người bị cằm lẹm về phía sau khi ngủ lưỡi sẽ bị tụt về phía sau gây ra ngưng thở…
Bác sĩ Vinh cho biết, khi thăm khám, để biết một bệnh nhân có hiện tượng ngưng thở khi ngủ hay không, bác sĩ Vinh thường đưa ra 3 câu hỏi:
- Anh/chị có ngủ ngáy hay không?
- Anh/chị có ngưng thở khi ngủ hay không? Nếu có, có thể trả lời bằng 2 tình huống: Tình huống một người bệnh trả lời cảm thấy khó thở khi ngủ, phải thức dậy rồi ngủ tiếp; Tình huống hai từ người thân, đang ngủ thấy bệnh nhân ngáy rất to rồi im lặng và sau đó người nhà phải lay gọi.
- Anh/chị có buồn ngủ vào ban ngày hơn mức bình thường hay không? Bởi người có hội chứng ngưng thở khi ngủ thường buồn ngủ vào ban ngày hơn mức bình thường, khiến cho họ khó tập trung vào công việc hoặc khó làm việc vì buồn ngủ.
"Nếu một người có 1 trong 3 câu hỏi trên thì rất dễ gặp phải chứng ngưng thở khi ngủ", bác sĩ Như Vinh nói.
Ngưng thở khi ngủ gây ra đột tử
Bác sĩ Vinh cho biết biến chứng của chứng ngưng thở khi ngủ rất đa dạng, điển hình là tình trạng chất lượng giấc ngủ đi xuống do não phải thức dậy vô thức để điều chỉnh giấc ngủ. Điều này khiến cho người bị ngủ ngáy ngưng thở khi ngủ sẽ buồn ngủ vào ban ngày nhiều hơn và có thể gây ra tai nạn nếu lái xe, lao động.
Ngưng thở khi ngủ còn có thể gây ra tình trạng thiếu oxy mạn tính vào ban đêm. Do quá trình hít thở không thông suốt nên oxy sẽ bị giảm vào ban đêm. Tình trạng thiếu oxy này sẽ gây ra những biến đổi trong cơ thể về tình trạng viêm, rối loạn chuyển hoá (đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu), thậm chí là đột quỵ.
Ngoài ra, ngưng thở khi ngủ còn gây ra những hậu quả khác như: giảm chất lượng và năng suất làm việc có thể gây ảnh hưởng tới thu nhập.
Bác sĩ Như Vinh khuyến cáo, lối sống ít vận động, thừa cân béo phì ở người trẻ gia tăng sẽ khiến cho chứng ngưng thở khi ngủ sẽ tăng lên. Ngoài ra, ở một số trẻ, bệnh lý mũi họng gây ra tình trạng nghẹt mũi khiến trẻ phải há miệng khi ngủ, khi lớn lên tình trạng viêm mũi sẽ hết nhưng thói quen há miệng khi ngủ vẫn duy trì sẽ làm biến đổi cấu trúc vòm họng, làm tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
Theo chuyên gia, cách phòng ngừa chứng ngưng thở khi ngủ tốt nhất là phải có lối sống lành mạnh, nếu bị viêm đường mũi họng phải điều trị dứt điểm để không tạo thói quen há miệng khi ngủ. Khi có dấu hiệu bất thường, mọi người cần đi khám chuyên khoa để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.