3 bài học cảnh tỉnh từ cái chết của Sulli
(Thethaovanhoa.vn) - Sự ra đi đột ngột của Sulli ở tuổi 25 đang gây rúng động thế giới giải trí. Đáng nói, trước khi chết, cô từng mắc chứng trầm cảm nặng, phải vật lộn với nhiều lời bình luận ác ý mà không nhận được sự giúp đỡ đầy đủ.
Đây không phải là lần đầu tiên một nghệ sĩ K-pop thành công qua đời ở tuổi còn rất trẻ. Ngành công nghiệp K-pop “khét tiếng” khắc nghiệt trong bối cảnh các công ty quản lý đặt quá nhiều kỳ vọng vào các ngôi sao của mình.
Hãy bớt “khắc nghiệt” với nghệ sĩ
Trước khi “debut” (lần đầu xuất hiện trước công chúng), các giọng ca trẻ đầy khát khao phải trải qua thời kỳ đào tạo đầy khắc nghiệt và họ được gọi “thực tập sinh”. Song không phải thực tập sinh nào cũng có thể ra mắt làng nhạc do số lượng các nhóm nhạc bị hạn chế. Vì thế, những sự luyện tập đầy gian khổ của những kẻ không có cơ hội “debut” thành “đổ xuống sông xuống biển”.
Có điều, sau khi “debut” các nghệ sĩ không phải đã chấm dứt được các vấn đề của mình. Nhiều công ty quản lý các nghệ sĩ của mình cực kỳ nghiêm ngặt và họ bị chặn khỏi mọi hoạt động bình thường nhất trong cuộc sống hàng ngày. Cuộc sống ấy trở nên khó khăn đối với nhiều ngôi sao khi họ bị chấn thương, làm việc quá sức, hoặc phải đối diện với những lời bình luận ghét bỏ của cả người hâm mộ quốc tế và nội địa.
Trước Sulli, công chúng hâm mộ từng bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của Kim Jong Hyun, một thành viên nhóm nhạc SHINee đã tự vẫn hồi tháng 12/2017 để giải thoát mình khỏi mọi đau khổ.
Đừng coi thường bệnh trầm cảm
Theo kết quả một cuộc điều tra, ngày càng nhiều người hâm mộ ở Hàn Quốc tìm đến cái chết sau khi các thần tượng của họ tự vẫn. Ngoài ý tưởng tự tử gia tăng, nhiều người còn áp dụng các phương pháp tự tử tương tự với thần tượng của mình. Cụ thể, sau khi nữ diễn viên Lee Eun Ju treo cổ tự vẫn hồi năm 2005, nhiều người đã tìm đến cái chết bằng việc treo cổ.
Ở Hàn Quốc, bệnh tâm thần bị coi là điều cấm kỵ, ngay cả trong gia đình. Hơn 90% nạn nhân tự tử có thể được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần, nhưng chỉ 15% trong số họ được điều trị đúng cách. Hàng năm ở Hàn Quốc có hơn 2 triệu người mắc chứng trầm cảm, nhưng chỉ có 15.000 người chọn cách điều trị thường xuyên.
Do các bệnh tâm thần bị luôn coi thường trong xã hội Hàn Quốc nên các gia đình thường không khuyến khích những người nhà mình mắc bệnh tâm thần tìm cách chữa trị. Vì có sự kỳ thị tiêu cực như vậy đối với việc điều trị các bệnh tâm thần nên nhiều triệu chứng không được chú ý và có thể dẫn đến nhiều quyết định phi lý như tự tử. Ngoài ra, những người mắc chứng trầm cảm hoặc tâm thần thường lấy rượu để tự điều trị, do đó tỷ lệ các vụ tự tử xảy ra trong khi say rượu cũng tăng đáng kể.
Hãy giúp đỡ người khác
Dường như không thể phủ nhận rằng các công ty giải trí cũng là một phần của vấn đề. SM Entertainment đã đưa ra một tuyên bố, nhưng họ không thông báo công khai về bất kỳ thay đổi nào đã thực hiện sau cái chết của Kim Jong Hyun. Thực tế, nhiều công ty đã không công khai đưa ra các ví dụ về sự hiểu biết và hỗ trợ cho các nghệ sĩ đang gặp những vấn đề của mình
Tất nhiên, cũng có những ngoại lệ. Cụ thể, khi Mina, một thành viên của nhóm nhạc nữ Twice đang mắc chứng rối loạn lo âu và công ty quản lý JYP đã tuyên bố rằng họ "liên tục thực hiện mọi biện pháp vì sự phục hồi của Mina”. Từ đó, nhiều người nhắc tới việc đáng lẽ công ty SM nên có sự đồng cảm với Sulli và trước đó là Jong Hyun- khi cô có dấu hiệu đang vật lộn với chứng trầm cảm và từng không ít lần đề nghị công ty này có hành động pháp lý với những kẻ nói xấu cô trên mạng.
Sau cái chết của Sulli, nhiều fan quốc tế đã đổ lỗi cho cư dân mạng Hàn Quốc khi họ đã đưa ra những lời bình luận ác ý về Sulli. Đọc những lời bình luận ấy đến ngay cả những người chẳng hề liên quan cũng cảm thấy khó chịu chứ chưa nói đến các ngôi sao dễ bị tổn thương.
Thực tế, cộng đồng mạng nhiều người tốt, nhưng họ lại chưa có hành động mạnh mẽ để bảo vệ hay xoa dịu được nỗi đau cho thần tượng của mình. Để rồi, sau cái chết của Sulli, nhiều người hâm mộ cô mới bày tỏ rằng: “Mong em yên nghỉ, Sulli đẹp như hoa”, “Sulli xinh đẹp. Em đẹp vô cùng và tôi luôn muốn giữ em trong tim mình. Song đáng lẽ ra tôi phải lên tiếng bảo vệ em. Xin hãy biết rằng có nhiều người yêu quý em hơn những kẻ ghét em” hay “Sulli, tôi rất lấy làm tiếc khi tôi chỉ khích lệ em trong tim mình”...
Bởi thế, nếu bạn thấy ai đó trải qua thời kỳ khó khăn, hãy giúp đỡ họ. Hãy cố gắng học hỏi từ vụ việc của Sulli để trưởng thành hơn. Hãy nhớ đối xử với người khác theo cách bạn muốn được đối xử lại.
Việt Lâm