270 năm nhà soạn nhạc Bach qua đời: Vẫn là một thiên tài đầy bí ẩn
(Thethaovanhoa.vn) - Johann Sebastian Bach (1685-1750) có lẽ là nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng nhất thế giới. 270 năm sau khi qua đời, Bach vẫn có rất nhiều người hâm mộ trên toàn thế giới, cũng như vô vàn cuốn tiểu sử về ông. Có điều, thông tin về nhà soạn nhạc thiên tài Đức này ở khía cạnh con người lại không có nhiều.
Bach là nhà soạn nhạc thuộc thời kỳ Baroque (1600-1750), sinh ra ở Eisenach vào năm 1685. Ông từng là người quản lý âm nhạc ở Weimar, nhạc trưởng dàn nhạc ở Kothen. Năm 1723, Bach được bổ nhiệm phụ trách âm nhạc cho Trường St. Thomas thuộc Nhà thờ St. Thomas tại Leipzig, đồng thời kiêm nhiệm Giám đốc Âm nhạc cho 3 nhà thờ chính trong thành phố, gồm Nhà thờ St. Nikolai, Nhà thờ St. Pauline và Nhà thờ Đại học Leipzig. Đây là một vị trí được trọng vọng tại một trung tâm thương mại như Saxony. Bach phục vụ ở đây suốt 27 năm cho đến khi qua đời.
Phục hưng sau thời gian chìm vào quên lãng
Hằng năm, hàng ngàn người hâm mộ Bach đến thăm những nơi nhà soạn nhạc từng sống và làm việc để cảm nhận về cuộc sống của ông. Tại quê hương Eisenach của Bach, du khách thường chạm vào bình đựng nước rửa tội trong Nhà thờ St. George. Tại nhà thờ St. Thomas ở Leipzig, họ đứng với vẻ tôn kính trước ngôi mộ được cho là của Bach.
“Liệu Bach có thực sự nằm bên dưới bia mộ với dòng chữ Johann Sebastian Bach trong Nhà thờ St. Thomas hay không, hiện đó vẫn là điều bí ẩn của thế kỷ” - ông Jorg Hansen, Giám đốc Bảo tàng Bach (Bachhaus) ở Eisenach nói trong một cuộc phỏng vấn.
Bảo tàng đầu tiên tôn vinh Bach được thành lập tại Eisenach vào năm 1907. Ngoài thư viện riêng và bộ sưu tập các giới thiệu lớn nhất về Bach, bảo tàng còn lưu giữ nhiều nhạc cụ lịch sử từ thời của nhà soạn nhạc mà các nhạc sĩ thường chơi trước công chúng. Giám đốc Jorg Hansen cho rằng điều quan trọng nhất ở Bảo tàng là việc truyền đạt được mức độ phức tạp của các tác phẩm phức điệu của Bach, cũng như giải thích được với người xem rằng tại sao ông được coi là bậc thầy của âm nhạc.
“Mọi người thấy đều tầm ảnh hưởng của Bach, đặc biệt là trong các bản soạn cho đàn phím. Đây có lẽ là lý do chính khiến công chúng hiện vẫn nghe Bach” - Hansen nhận định.
Sau khi Bach qua đời vào năm 1750, các tác phẩm của ông đã bị chìm vào quên lãng. Đầu thế kỷ 19, Bach mới được tái phát hiện và trở thành một anh hùng dân tộc.
Johann Nikolaus Forkel là người viết cuốn tiểu sử đầu tiên về Bach vào năm 1802. Theo Michael Maul, Giám đốc Liên hoan Bach Leipzig, nhà tiểu sử Forkel “vẽ bức tranh của một bậc thầy đàn phím đã trở thành thiên tài nhờ các đức tính đặc trưng của người Đức - sự nghiêm túc và siêng năng”.
Nhà soạn nhạc Felix Mendelssohn đã tái khám phá nhạc phúc âm của Bach vào năm 1829, bao gồm cả cantata (phần có lời cùng một nhạc cụ), oratorio (nhạc cổ điển quy mô lớn viết cho dàn nhạc giao hưởng, ca sĩ solo và dàn hợp xướng). Khi Mendelssohn trình diễn một phiên bản rút gọn của St. Matthew Passion, màn diễn này đã tạo đà cho sự phục hưng của Bach.
Năm 1872, Philipp Spitta viết một trong những cuốn tiểu sử quan trọng về Bach và được tái bản đều đặn hằng năm. Spitta còn nhấn mạnh tinh thần yêu nước và coi Bach là sản phẩm của lịch sử văn hóa Đức. Spitta cho ra đời cuốn tiểu sử này sau khi dày công nghiên cứu. “Về cơ bản Spitta đã tạo ra một tác phẩm tiên phong thực sự cho tiểu sử âm nhạc” - Maul nói.
Albert Schweitzer, bác sĩ, nhà triết học, nhà thần học kiêm nhà âm nhạc học nổi tiếng, cũng đã viết một chuyên khảo lớn về Bach vào năm 1902. Trong đó, ông giải thích tỉ mỉ các thông điệp thần học trong âm nhạc của Bach.
Những phát hiện mới thú vị
Trong cuốn tiểu sử về Bach được xuất bản hồi năm 2002, nhà âm nhạc học Christoph Wolff đã nhấn mạnh vào những sự thật liên quan đến nhà soạn nhạc nhờ việc lấy tư liệu từ một phiên bản hoàn chỉnh mới có chú thích các tác phẩm của Bach. Phiên bản này, gồm 3 tập, được Viện Bach ở Gottingen và Trung tâm Tư liệu Bach Leipzig biên soạn từ năm 1950 đến năm 2007.
Tuy nhiên, trong cuốn tiểu sử của mình Wolff cũng không thể lấp đầy những khoảng trống khi nói đến tính cách của Bach. Mặc dù bản cáo phó của Bach nêu rằng ông luôn “vui vẻ với mọi người” và luôn cởi mở đón khách đến chơi, nhưng các ghi chép lịch sử cũng cho thấy rằng Bach thường có mâu thuẫn với các nhà bảo trợ của mình và bị coi là cứng đầu.
“Qua cuốn tiểu sử về Bach của Wolff, bạn có được hình ảnh của một người có sự nghiệp trong những điều kiện rất khó khăn” - Giám đốc Bachfest, Michael Maul, nói - “Bach được miêu tả là con người với tất cả những điểm mạnh và điểm yếu của mình”.
Bản thân Maul từng bỏ ra 4 năm viết cuốn sách về các giai đoạn cuộc đời của Bach, với hình ảnh và các văn bản kèm theo. Nhưng do đại dịch COVID-19, việc xuất bản sách đã phải hoãn lại.
Đối với Maul, Bach cũng là một nhân vật đầy bi kịch. “Thật đau đớn khi biết rằng nếu Bach muốn có được điều kiện làm việc tốt, ông phải cư xử ôn hòa hơn chứ không được thể hiện tính cách thực của mình” - Maul nói - “Thật đáng kinh ngạc khi ông cho ra đời được những kiệt tác như vậy, nhiều khi trong những hoàn cảnh không lường trước được”.
Dường như âm nhạc của Bach không mất đi sức hấp dẫn sau bao năm. Trung tâm Tư liệu Bach Leipzig đã xác định được hơn 300 dàn hợp xướng và Hiệp hội Bach trên toàn thế giới. Âm nhạc của Bach truyền cảm hứng cho mọi người mà không phân biệt ranh giới địa lý, tôn giáo hay văn hóa.
Michael Maul bị mê hoặc với những giai điệu vượt thời gian của nhà soạn nhạc baroque này: “Rất nhiều nghệ sĩ nhạc jazz và rock nổi tiếng nói rằng nhà soạn nhạc quan trọng nhất trong lịch sử âm nhạc là Bach. Ca sĩ/nhà soạn ca khúc người Anh nổi tiếng Sting từng nói với tôi rằng mỗi ngày khi anh thức dậy, anh cầm cây đàn guitar và chơi một bản nhạc của Bach để đưa bản thân về với thực tế”.
Jorg Hansen của Bảo tàng Bach ở Eisenach cũng đánh giá cao sự sáng tạo, hóm hỉnh và hài hước của nhà soạn nhạc. Theo ông, đôi khi âm nhạc của Bach không nghiêm trọng như người ta có thể tưởng tượng, chẳng hạn như bản Goldberg Variations soạn cho piano của Bach.
“Một số người viết rằng đây là bản nhạc vô cùng buồn và cảm động. Nhưng trong canon (một kỹ thuật sáng tác đối âm) cuối cùng, Bach đã sử dụng giai điệu nổi tiếng từ Thuringia (Đức), chỉ đơn giản là để cho vui vẻ. Đó là điều hấp dẫn ở Bach” - ông nói.
Cái chết gây tranh cãi Ngày 28/7/1750, Bach từ trần ở tuổi 65 tuổi. Từ năm 1749, sức khỏe của ông bắt đầu suy giảm và Bach dần bị mù mắt. Một tờ báo viết rằng “hậu quả tai hại của một cuộc phẫu thuật mắt không thành công đã gây ra cái chết”. Trong khi đó, các sử gia đương đại suy đoán rằng nguyên nhân cái chết là một cơn đột quỵ do biến chứng từ bệnh lao. |
Việt Lâm (tổng hợp)