25 tuổi vay 1,6 tỷ đồng đi du học, 38 tuổi phải làm shipper để trả nợ, tôi hối hận: Biết trước 1 điều thì đã không rơi vào hoàn cảnh này
Cố chấp vay nặng lãi 500.000 NDT (1,6 tỷ đồng) để có tiền đi du học, giờ tôi gánh khoản nợ khổng lồ trên vai và phải chạy xe mỗi ngày để kiếm tiền trả nợ.
*Dưới đây là bài viết của tác giả Khải Ca đăng trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc).
Cách đây 13 năm, tôi đã vay 500.000 NDT (1,6 tỷ đồng) để sang Úc du học. Quyết định này đã khiến tôi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất như hiện tại. Tôi muốn kể lại câu chuyện của bản thân và hy vọng rằng mọi người có thể rút kinh nghiệm.
Đánh liều vay tiền đi du học
Tôi sinh ra ở Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Bố mẹ tôi là công nhân của một nhà máy kéo sợi len ở địa phương. Khi còn nhỏ, tôi theo học trường dành riêng cho con em của công nhân nhà máy. Lớn lên một chút, bố tôi mất vì ung thư, mẹ tôi đi bước nữa khiến cuộc sống gia đình tôi có nhiều đảo lộn. Lên trung học, tôi học trường nội trú và hiếm khi về thăm nhà. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi không không thi đại học mà quyết định nhập ngũ 2 năm.
Sau khi giải ngũ, tôi đến Thượng Hải làm nhân viên trong một nhà hàng. Nhờ chăm chỉ làm việc nên tôi được bếp trưởng quý mến và dạy tôi nấu ăn. Sau 3 năm, tôi thay đổi công việc và làm bảo vệ cho một công ty với thu nhập 5.000 NDT/tháng. Cũng tại đây, tôi được một người đồng nghiệp trẻ tuổi chia sẻ về ý tưởng đi du học. Cậu ấy bảo tôi rằng có thể dễ dàng xin vào học các trường đại học ở Úc nếu có thể chi trả được học phí. Hơn nữa, khi đi du học về rất dễ tìm được việc làm với mức lương khởi điểm là 20.000 NDT.
Tò mò, tôi hỏi thêm thì được biết mức học phí có thể lên tới 500.000 NDT. Đây là một con số lớn nhưng khi nghĩ đến tương lai tươi sáng khi đi du học trở về khiến tôi cũng muốn thử. Khoảng thời gian tiếp theo, trong lòng tôi luôn nghĩ về điều này mặc dù bản thân không có nhiều tiền. Cho đến một ngày, tôi tình cờ gặp người bạn cũ là Tiểu Cường. Cậu ấy làm việc trong một công ty cho vay nhỏ lẻ và chịu trách nhiệm thu nợ. Nếu tôi cần vay tiền thì cậu ấy có thể giúp đỡ.
Cứ thế, vì mong muốn được đi du học quá lớn, tôi ngỏ lời muốn vay 500.000 NDT để sang Úc học tập. Dưới sự sắp xếp của cậu bạn, tôi đã gặp người quản lý phụ trách kinh doanh cho vay của công ty nhưng chỉ được vay với điều kiện có tài sản thế chấp hoặc bảo lãnh vì số tiền quá lớn. Tiểu Cường đã lên tiếng giúp đỡ tôi để việc vay tiền thuận lợi hơn.
Không lâu sau, tôi ký hợp đồng vay số tiền 500.000 NDT với lãi suất 13%. Tiểu Cường là người bảo lãnh và tôi đã thế chấp tài sản là căn nhà nhỏ mà bố tôi để lại. Sau khi có tiền, tôi thu xếp gấp rút cho việc đi du học. Thông qua một công ty trung gian, tôi đã liên hệ với một trường bách khoa ở Úc nhưng không được nhận học vì điểm cấp 3 của tôi khá thấp. Do đó, tôi chỉ có thể thông qua phỏng vấn để đi du học nhưng vốn tiếng Anh của tôi là một vấn đề lớn. Cứ như thế, kế hoạch học tập ở một trường đại học chính quy tại nước ngoài của tôi gần như bị sụp đổ.
Sau đó, tôi được một cơ quan trung gian sắp xếp để vào một cơ sở đào tạo ở Canberra. Cơ sở này mang danh nghĩa là trường đại học nhưng thực tế chỉ có một văn phòng và hai phòng học. Sinh viên tham gia các lớp học ở đây hầu hết đều là người Trung Quốc. Giáo viên giảng dạy cũng là người Trung Quốc nhưng bằng tốt nghiệp được cấp bằng tiếng Anh có đóng dấu của trường đại học.
Bằng cách này, sau khi chi 500.000 NDT và bay đi bay lại 6 lần giữa Trung Quốc và Úc, tôi đã nhận được bằng tốt nghiệp nước ngoài như mong muốn.
Vỡ mộng
Sau khi tốt nghiệp, tôi phấn khích gửi hồ sơ đi khắp nơi và có rất nhiều cơ hội phỏng vấn. Thế nhưng cuối cùng vì vốn tiếng Anh kém và chưa có kinh nghiệm làm việc nên tôi vẫn chưa thể tìm được việc làm. Lúc này, 500.000 NDT tiền nợ ngày xưa cũng đã đến thời hạn phải trả. Những cuộc điện thoại đòi nợ không ngớt khiến tôi bị khủng hoảng.
Tôi đã trả 100.000 NDT và tiền lãi trong năm đầu tiên, nhưng tôi vẫn còn 400.000 NDT cộng với tiền lãi của 2 năm còn lại. Vào thời điểm đó, tôi phát hiện ra hợp đồng cho vay mà tôi đã ký lúc đầu chính là một cái bẫy. Lãi suất 13% trong hợp đồng không phải là lãi suất hàng năm mà là lãi suất nửa năm. Có nghĩa là lãi suất thực tế khoản vay của tôi là 26%, tiền lãi một năm là 130.000 NDT, tiền lãi 3 năm là 390.000 NDT. Điều này với tôi như sét đánh ngang tai. Tôi tự trách mình vì đã không đọc kỹ hợp đồng cẩn thận nên giờ mới lâm vào hoàn cảnh này.
Khi chưa tìm được việc làm, tôi đành đi làm lặt vặt ở công trường, quán ăn nhưng số tiền kiếm được chỉ đủ trả lãi vay. Sau 13 năm, tôi chỉ trả được 120.000 NDT trong số 500.000 NDT tiền gốc mà tôi đã vay lúc trước. Còn về phần Tiểu Cường, cậu ấy đã biến mất từ lâu. Bây giờ tôi là người vô gia cư và làm công việc đi giao đồ ăn ở Thượng Hải.
Cuộc sống hiện tại với tôi khá khó khăn. Tôi phải sống tiết kiệm, không dám chi tiêu quá nhiều hay có bất kỳ hy vọng xa xỉ nào. Tôi chỉ muốn trả hết nợ càng sớm càng tốt và sống một cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, giờ đây tôi đã 38 tuổi, trong tay không có tiền, thậm chí còn không có nhà cửa, tương lai rất mờ mịt.
Tôi chỉ muốn nhắc nhở các bạn trẻ ngày nay là ai cũng có ước mơ cho riêng mình, tuy nhiên đừng đặt mục tiêu quá cao so với năng lực của bản thân, cũng đừng chạy theo những điều không thực tế. Điều quan trọng hơn cả là đừng thiếu hiểu biết, đánh liều vay nặng lãi để rồi nhận kết cục thê thảm như tôi lúc này.
Không đủ tiền ở chung cư vì giá thuê tới 44 triệu đồng/tháng, cô gái thuê trọn nhà cấp bốn: Đầu tư tiền cải tạo vẫn lời hơn ở thuê nhiều lần