25 năm ra mắt phim hoạt hình 'X-Men': Siêu phẩm suýt bị công ty lương thực Australia 'nuốt chửng'
(Thethaovanhoa.vn) - Loạt phim hoạt hình X-Men (Dị nhân) sẽ không có cơ hội lên sóng nếu thiếu vị giám đốc truyền hình dám đánh cược sự nghiệp của mình để chứng minh rằng vũ trụ Marvel “có giá trị thương mại vượt xa những gì mọi người có thể dự đoán”.
Vào thời điểm năm 1992, Marvel không phải là “thế lực” ở Hollywood. Thế nên, khi giám đốc truyền hình Margaret Loesch dự định đưa phim hoạt hình chuyển thể lên sóng, rất nhiều người đã phản đối.
Hiếm ai nghĩ “X-Men” sẽ thành công
Năm 1963, nhà văn Stan Lee và họa sĩ Jack Kirby đã tạo nên cuộc cách mạng trong giới truyện tranh khi tạo ra một vũ trụ gồm các nhân vật đột biến với trang phục sặc sỡ. Thế nhưng, trong suốt 30 năm sau, Marvel vẫn thất bại trong việc khiến loạt truyện này “tỏa sáng” trên màn ảnh lớn hay sóng truyền hình. Đỉnh cao rực rỡ của Marvel thời đó là The Incredible Hulk, lên sóng suốt từ năm 1978 tới 1982 trên đài CBS. Còn lại, những thành công khác đều như lẩn tránh hãng này.
Giám đốc truyền hình Margaret Loesch là một trong số ít những người trong giới tin rằng Marvelsẽ tìm thấy “mỏ vàng” ở truyền hình. Loesch đặc biệt hứng thú với X-Men - đội đột kích của những người đột biến, đứng đầu là giáo sư Charles Xavier, người dạy các nhân vật đột biến cách kiểm soát năng lượng, đồng thời bảo vệ họ trước đám đông thù địch.
Loesch chính là người đã giám sát phim thí điểm Pryde Of The X-Men năm1989 nhưng thất bại thảm hại. Tuy vậy, điều đó chẳng làm bà nhụt chí, và khi chuyển qua làm CEO Fox Kids năm 1990, bà đã thuyết phục người đứng đầu công ty này là Jamie Kellner “bật đèn xanh” cho X-Men.
Tập thí điểm X-Men - Night Of TheSentinels lên sóng 25 năm trước (vào ngày 31/10/1992),nhưng vấn đề về phí đã khiến phần còn lại của serie bị dời sang tận tháng 1/1993. Tuy vậy, đây mới chỉ là gian nan đầu tiên trên chặng đường chông gai mà những người thực hiện loạt phim phải đối mặt.
Để cắt giảm chi phí cho dự án mà nhiều người đánh giá là thất bại, đội ngũ làm phim phải thuê diễn viên lồng tiếng ở Canada thay vì Mỹ, còn việc dựng phim được chuyển sang tận… Hàn Quốc. Họ cũng rất vất vả để nhấn mạnh với mọi người rằng đây là một dự án nghiêm túc chứ không phải một trò ngốc nghếch, trẻ con.
Đáng chú ý, để đảm bảo tính nghiêm túc của serie, nhà sản xuất Will Meugniot muốn từ chối tất cả những hợp đồng quảng cáo có phần nhí nhố. Tuy nhiên, Marvel lại ký kết một thỏa thuận như thế với công ty lương thực Australia. Các nhà sáng tạo đã phản ứng dữ dội, dẫn tới việc serie suýt bị “đóng cửa”.
Tuy nhiên, mọi vất vả đã được đền bù xứng đáng khiX-Men: The Animated Series sau này được đánh giá là seri hoạt hình hay nhất vềX-Men, thậm chí đông đảo người hâm mộ ca ngợi nó là sự khắc họa chính xác nhất về các dị nhân.
Lớn mạnh sau 25 năm
Có thể nói, loạt phim hoạt hình X-Men: The Animated Series là thần chú mở ra “kho vàng” của Marvel. Nó đã mở đường để Fox tung loạt phim X-Mendo người đóng. Kể từ năm 2010 tới nay đã có tổng cộng 10 phim ra mắt (và dự định có ba phim mới vào năm 2018), mang về hơn 2 tỷ USD doanh thu trên toàn cầu.
Gần hơn, vào ngày 2/10/2017, Fox sẽ tung serie truyền hình The Gifted, do Matt Nix đạo diễn, lấy cảm hứng từX-Men. Bộ phim có sự tham gia của Stephen Moyer và Amy Acker trong vai cặp cha mẹ bình thường, những người đã phải mang cả gia đình chạy trốn khỏi sự săn đuổi của chính phủ vì phát hiện các con họ là người đột biến. Sau đó, họ gia nhập cộng đồng đột biến ngầm, những người đang phải đấu tranh cho sự sinh tồn của mình.
Phim hiện nhận được đánh giá khá tích cực từ phía các nhà phê bình, đặc biệt dành cho dành diễn viên và tính xã hội của phim.
“X-Men luôn là những người bị xã hội ruồng rẫy. Serie của chúng tôi sẽnhấn mạnh sự cố chấp đó” - diễn viên Emma Dumont, người vào vai Polaris chia sẻ - “Và về cả sự cố chấp đê hèn. Chúng ta cần phải thấy điều đó trên truyền hình”.
Nghịch lý khi phim thành “bom tấn” X-Men: The Animated Series dài tới 76 tập, bắt đầu chiếu từ ngày 31/10/1992 và tới tận ngày 20/9/1997 mới kết thúc. Điều trớ trêu là khi bắt đầu, phim khá bị “hắt hủi”. Thế nhưng, tới khi thành công, tiền công cho các nhà sáng tạo lại bị… cắt giảm với lý lẽ: “Phim giờ đã thành bom tấn nên ai chẳng muốn tham gia, do đó, họ phải nhận ít tiền đi” - theo tác giả Previous on X-Men Eric Lewald. |
Duy An (Tổng hợp)