200 năm ngày sinh Clara Schumann: Người phụ nữ vĩ đại của dòng nhạc cổ điển
(Thethaovanhoa.vn) - Nước Đức và thế giới vừa kỷ niệm 200 năm ngày sinh Clara Schumann (13/9/1819 - 20/5/1896), nhà soạn nhạc, nhà phê bình, nghệ sĩ dương cầm đồng thời là vợ của nhạc sĩ thiên tài người Đức Robert Schumann.
Hình ảnh của Clara từng rất phổ biến ở Đức, bởi gương mặt người phụ nữ này đã xuất hiện trên đồng tiền mệnh giá 100 mark bắt đầu lưu hành hồi năm 1989, trước khi có đồng tiền chung châu Âu euro năm 2002.
Và trong chuỗi ngày này, nhiều chương trình hòa nhạc đặc biệt và các cuộc triển lãm được tổ chức ở khắp các thành phố của Đức như Zwickau, Frankfurt, Bonn, Leipzig. Trong đó, chỉ riêng tại Leipzig, nơi Clara sinh ra, đã có khoảng 170 sự kiện tôn vinh bà. Đồng thời, nhiều cuốn sách về Clara đã được xuất bản
“Mạnh hơn sáu chàng trai cộng lại”
Clara sinh ra tại Leipzig vào ngày 13/9/1819 với tên Clara Wieck. Người cha của bà, Friedrich Wieck, là một giáo viên piano nổi tiếng đồng thời là người sáng lập một xưởng làm đàn piano. Chính cha Clara đã dạy con gái mình chơi piano theo các phương pháp do ông phát triển.
Lên 9 tuổi, Clara đã có màn trình diễn piano ra mắt ở Leipzig Gewandhaus. Ngay sau đó, Friedrich đã xuất bản bản nhạc đầu tiên do con gái ông sáng tác, Four Polonaises. Hai cha con Clara đã tổ chức các tour diễn kéo dài, đầu tiên là ở Đức, sau đó đến Paris và nhiều thành phố hải ngoại khác. Các tour diễn này thường kéo dài 2 - 3 tháng.
Cách chơi đàn của Clara Wieck được mô tả là mạnh mẽ và đam mê. “Cô gái có sức mạnh hơn sáu chàng trai cộng lại” - Johann Wolfgang von Goethe đã viết sau một buổi hòa nhạc của Clara ở Weimar.
Song những người đã đích thân gặp Clara lại có ấn tượng khác. Felix Mendelssohn mô tả Clara là người nhút nhát và ít nói. Năm 1838, Franz Liszt nhận xét Clara là “người rất đơn giản, được nuôi dạy rất tốt, không thích làm đỏm mà chỉ mải mê với nghệ thuật của mình”.
Các màn trình diễn của Clara, thường gồm cả các nhạc phẩm do bà sáng tác, rất ấn tượng. Trong số đó có bản concerto soạn cho piano cung La thứ (A Minor Piano Concerto) được bà trình diễn ra mắt ngày 9/11/1835, khi mới 16 tuổi.
Các nhân vật nổi tiếng thời đó như Liszt, Mendelssohn, Goethe cũng như Paganini, Chopin và cả Robert Schumann đều biết cô gái trẻ này. Clara lần đầu tiên gặp Robert năm lên 9 tuổi, lúc đó Robert là chàng sinh viên luật 19 tuổi, đã sống ở Wieck để học với người cha nổi tiếng của cô.
Năm Clara 16 tuổi, tình bạn thân thiết của họ đã “nảy mầm” thành tình yêu. Khi Friedrich biết được tình cảm của họ, ông đã cấm 2 người liên lạc với nhau, tổ chức các chuyến lưu diễn cho con gái và giám sát con suốt ngày đêm.
Tháng 8/1837, Robert và Clara đã bí mật đính hôn và sau đó hai người đã đấu tranh giành quyền kết hôn trước tòa. Tòa án ra phán quyết có lợi cho họ. Cuối cùng, Robert và Clara thành vợ chồng vào ngày 12/9/1840, một ngày trước sinh nhật thứ 21 của Clara.
Thời gian đầu của cuộc sống hôn nhân, Robert hy vọng vợ sẽ ngừng trình diễn và tập trung vào nhiệm vụ của mình với tư cách là người vợ. Tuy nhiên, với quyết tâm của Clara, bà đã trở lại sân khấu trình diễn. Buổi hòa nhạc đầu tiên của bà với tên Clara Schumann diễn ra vào mùa Thu năm 1840.
“Tôi không thể kìm nén được đam mê nghệ thuật của mình. Nếu làm vậy, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mình” - Clara viết.
Khi lấy nhau, Clara đã là một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng, trong khi Robert là một nhà soạn nhạc còn ít được biết đến. Thế nhưng cả hai vợ chồng đã hoàn toàn đánh cược vào các hoạt động sáng tác của Robert.
Do Robert cần sự thanh thản và yên tĩnh để làm việc nên Clara đã phải rút đi nhiều thời gian luyện đàn. Mong muốn mạnh mẽ nhất của bà là “Robert hoàn toàn có thể sống vì âm nhạc và niềm vui của anh, với vai trò một nghệ sĩ”.
Sau 10 lần mang thai và 8 kỳ sinh nở, Clara đã thực hiện ít nhất 139 màn trình diễn trong 14 năm hai người sống bên nhau. Những màn trình diễn đó đôi khi đưa cặp đôi này đến miền Bắc nước Đức (1842), Nga (1844), Vienna (Áo, 1846) và Hà Lan (1853). Khi lưu diễn, Robert đã phải đối phó với cảm giác tự ti khi ở bên người vợ nổi tiếng của mình. Về phần mình, Clara đã chơi các tác phẩm do chồng sáng tác và nhờ vậy chúng nổi tiếng với khán giả quốc tế.
41 năm chỉ mặc đồ đen
Cuộc hôn nhân của 2 tài năng này rất hạnh phúc cả trong đời sống và nghệ thuật. Hai người thường trao đổi nhau những ý tưởng âm nhạc. Clara tư vấn về những sáng tác của chồng và Robert khuyến khích sự sáng tạo của vợ. Tuy nhiên, Clara dường như đã tiếp nhận quan điểm sống của xã hội vào thời điểm đó: bà cho rằng sáng tác là công việc của đàn ông. Ngay cả sau khi tung ra Piano Trio (1845), được coi là tác phẩm thành công nhất của mình, bà đã viết: “Tất nhiên đây là tác phẩm của một người phụ nữ và luôn thiếu sức mạnh”.
Thực tế, Robert đã phải chịu đựng những cơn trầm cảm từ tuổi thiếu niên - để rồi sau đó là rối loạn lưỡng cực. Trong những năm đầu tiên của họ ở Leipzig, sau đó là ở Dresden (từ năm 1844) và ở Dussre (từ năm 1850), đan xen những thời kỳ hạnh phúc là những cơn bệnh và suy nhược thần kinh của Robert.
Vật lộn với chứng ảo giác, Robert từng nhảy xuống sông Rhine để tự vẫn hồi đầu năm 1854. Ông đã được các ngư dân cứu sống và đưa đến một bệnh viện tâm thần. Theo lệnh của bác sĩ, vợ Robert chỉ được phép gặp ông 2 ngày trước khi nhà soạn nhạc qua đời (ngày 29/7/1856).
Khi chồng qua đời Clara mới 37 tuổi. 41 năm sau đó bà chỉ mặc đồ đen. Bà đã phải tổ chức lại hoàn toàn cuộc sống của mình, chuyển trường cho các con và tiếp tục các chuyến lưu diễn. Từ 1863 - 1873, các tour diễn đã đưa Clara tới Anh 19 lần.
Thời điểm đó, Johannes Brahms, một người bạn trẻ của gia đình, đã trở thành nguồn động viên cho Clara. Brahms đã gặp vợ chồng Schumann khi mới 20 tuổi, một năm trước khi Robert qua đời.
Mối quan hệ của Brahms và Clara rõ ràng là một câu chuyện tình. Nhưng khi xuất hiện những lời suy đoán, hai người đã đồng ý hủy thư của nhau. Những bức thư còn sót lại cho thấy Clara là cố vấn tốt nhất của Brahms trong tất cả các vấn đề sáng tác của nhà soạn nhạc trẻ.
Không chỉ phải đối diện với cái chết của chồng, Clara còn phải chứng kiến số phận bi thảm của 3 cậu con trai: Một người bị bệnh tâm thần và phải sống trong một nhà điều dưỡng, một người khác bị tâm thần phân liệt và một người nghiện thuốc phiện.
Clara Schumann qua đời tại Frankfurt vào ngày 20/5/1896, ở tuổi 77. Bà được xem là một trong những nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc tài năng nhất của thế kỷ 19. Đáng tiếc, sau cái chết của chồng, bà hầu như không sáng tác.
Robert Schumann (8/6/1810 – 29/7/1856) là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ piano đồng thời là nhà phê bình đầy ảnh hưởng. Ông được coi là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của thời kỳ Lãng mạn. |
Việt Lâm (tổng hợp)