20 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TP.
Riêng năm 2008, số vốn FDI đạt hơn 8 tỷ USD, cao hơn tổng vốn tính chung từ năm 2002 - 2007. Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp. Trong đó, dịch vụ chiếm 48,5%, công nghiệp chiếm 36,3%, còn lại là các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Đặc biệt, trong những năm gần đây, vốn FDI có xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế, công nghệ cao với quy mô đầu tư ngày càng lớn.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Các dự án có vốn FDI đã tác động đến việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cũng như hạ tầng xã hội trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Để đạt được những thành tựu như trên là do hệ thống pháp luật, các chính sách về đầu tư, kinh doanh ngày càng hoàn thiện đã đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tạo môi trường pháp lý bình đẳng, thông thoáng và minh bạch cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO ngày càng được nâng cao theo chiều hướng tích cực về quan hệ chính trị với các quốc gia trên thế giới. Mặt khác, chính quyền thành phố đã xây dựng được một chiến lược bền vững trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn và thách thức lớn như: Khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới và khu vực, cơ cấu quản lý còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật còn nhiều bất cập và trình độ lao động với tay nghề cao còn thấp…
Trong khuôn khổ hội nghị, chính quyền thành phố cũng đã đề cập đến kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2008 – 2010. Cụ thể, thành phố ưu tiên phát triển theo hướng củng cố các ngành công nghiệp truyền thống, tăng tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng cao, vừa tập trung hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp sang các sản phẩm và ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học – công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.