2 loại xương rồng được người Việt ưa thích, thường trồng làm cảnh nhưng có độc tố cần cẩn trọng
Xương rồng 3 cạnh và xương rồng bát tiên là hai loại xương rồng được người Việt trồng làm cảnh rất nhiều. Tuy nhiên, 2 loại xương rồng này thường có chứa độc tố, cần phải cẩn trọng.
Xương rồng 3 cạnh có chất độc gây kích ứng niêm mạc
Xương rồng ba cạnh là loại cây không mấy xa lạ với người dân Việt Nam. Thân và cành cây có cấu tạo 3 cạnh lồi rõ ràng, chiều cao trung bình của cây khoảng từ 1 – 3m. Cây xương rồng 3 cạnh thường có sức sống rất bền bỉ nên được nhiều gia đình trồng làm cảnh.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3) cho biết, xương rồng 3 cạnh là loại cây có độc, đặc biệt là nhựa trắng. Trong Đông y xương rồng ba cạnh là thuốc, tuy nhiên người chưa có kinh nghiệm thì không nên dùng loại cây này. Bởi chất độc trong nhựa có thể gây kích ứng, làm tổn hại lớp niêm mạc da (đối với trường hợp da mỏng, da bị trầy xước) và gây rát, phồng rộp, đỏ. Nhựa cây không may bắn vào mắt có thể gây mù mắt.
Theo y học cổ truyền, toàn cây xương rồng ba cạnh đều có vị đắng, tính hàn và có chứa độc tố. Mỗi bộ phận của cây đều có những tác dụng khác nhau như:
- Thân cây có tác dụng sát khuẩn, chữa mụn nhọt, thông tiện, chữa viêm mủ da, tiêu thũng, đau răng, đau lưng, thống phong, sâu răng, chữa đòn ngã sưng đau...;
- Lá cây có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, chữa đinh sang, hóa trệ và bí đại tiểu tiện do ứ tích;
- Nhựa cây: Có tác dụng chống ngứa, tả hạ, cổ trướng, thấp khớp…
Cũng theo Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, trong cây cây xương rồng chứa nhiều hoạt chất có công dụng giảm đau, chống oxy hóa và chống viêm (fumaric, flavonoid, taraxerol, axit citric, B-amyrin)… Cây xương rồng được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh.
Người bị mụn nhọt viêm mủ da, đau lưng, gút… có thể dùng thân và cành hơ nóng đắp. Trong dân gian còn dùng nhựa cây để làm thuốc tẩy và điều trị mụn cóc, thấp khớp,…
Lương y Bùi Đắc Sáng cho hay, dù cây xương rồng 3 cạnh là vị thuốc nhưng cũng không nên tuỳ tiện sử dụng. Do cây có độc cho nên việc sử dụng phải tuân thủ theo chỉ định của thầy thuốc Đông y. Đối với trường hợp trồng cây làm cảnh cần tránh để trẻ em chơi đùa cạnh cây, tránh nghịch gợm khiến nhựa cây dính vào tay gây phỏng da tay.
Xương rồng bát tiên có chất độc gây bỏng rát
Bên cạnh xương rồi ba cạnh thì cây xương rồng bát tiên cũng là loại cây được nhiều người ưa thích trồng làm cảnh. Cây có hoa tươi thắm bền màu nên được dùng là cây trang trí trong nhà, tại văn phòng, trên bàn làm việc.
Xương rồng bát tiên có nhiều tên gọi khác nhau như: cây hoa bát tiên, cây hoa mão gai. Xương rồng bát tiên có tên khoa học là Euphorbia milii, là một loài thực vật có hoa thuộc Họ Đại kích - Euphorbiaceae (không thuộc họ xương rồng Cactaceae), có nguồn gốc từ Madagascar.
Trong Đông y, xương rồng bát tiên có vị đắng, chát, tính mát và chứa một lượng độc nhỏ. Loại cây này có tác dụng cầm máu, trục thủy, giải độc, chữa xuất huyết tử cung, trị nhọt, viêm mủ da, chữa vết bỏng. Xương rồng bát tiên cũng giúp điều trị tiêu độc, viêm tuyến bạch huyết ở vùng bẹn…
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ khuyến cáo, thân cây có nhựa mủ và gai chi chít, có thể đâm vào tay gây trầy xước. Mủ của cây xương rồng bát tiên có độc có thể gây bỏng rát tay khi tiếp xúc. Người trồng cần đeo bao tay kỹ lưỡng và rửa sạch nếu lỡ dính phải. Đặc biệt, gia đình có trẻ nhỏ nên tránh trồng loại cây này.