12 năm ròng theo đuổi “ước mơ” làm mẹ của người phụ nữ từng bị cho là “không thể mang thai bằng trứng của chính mình”
"Như bao người phụ nữ, mình cũng đã từng có ước mơ được đi đến chốn này, chốn kia, dành thời gian làm những việc mình thích, theo đuổi đam mê, sự nghiệp. Nhưng khi biết mình khó khăn trong việc sinh con, tất cả đã được gác lại, cả tuổi trẻ để dành tìm con, để chạm vào ước mơ làm mẹ".
Đó là tâm sự của chị Nguyễn H. (38 tuổi, Hà Nội). Chị kết hôn năm 2011 ở tuổi 27, lúc ấy chị nghĩ rằng từ nay về sau mình sẽ được thực hiện thiên chức là một người vợ, và sau đó sẽ giống như bao người phụ nữ khác là trở thành một người mẹ. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân cứ vậy trôi qua mà mãi không nhận được tin vui, vợ chồng chị quyết định đi khám thì phát hiện chị H. có một số vấn đề sức khỏe khiến chị khó có thể có con.
Thiên chức giản đơn bỗng hóa “ước mơ, khát vọng”
Theo bác sĩ, tình trạng bệnh của chị H. đã không thể nào mang thai tự nhiên được, được chỉ định làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) ngay từ thời điểm ấy. Cụ thể, chị bị u lạc nội mạc tử cung, tắc vòi trứng khiến cho lần làm IVF đầu tiên bị mang thai ngoài tử cung, bị teo mất một bên buồng trứng phải cắt vòi trứng, và phải mổ phẫu thuật tử cung do tử cung có vách ngăn…
Cách đây hơn 10 năm, chưa có nhiều những thông tin, hội nhóm để chị có thể tìm hiểu về IVF nên ở những lần đầu làm IVF, cứ nghĩ làm IVF sẽ có em bé được luôn, cho đến khi chị làm thất bại lần 1, lần 2, lần 3 thì mới biết nó cũng có tỷ lệ thất bại, không phải ai cũng thành công ở ngay lần đầu tiên.
Nhìn xung quanh, nhiều người đã thành công, còn mình chạy chữa khắp nơi từ Bắc vào Nam mà chưa được, chị H. lắm lúc mệt mỏi, muốn từ bỏ vô cùng. Bởi làm IVF yêu cầu một khoản tài chính nhất định, mỗi lần làm thất bại, chị không chỉ chán nản về tinh thần mà còn phải bỏ công bỏ việc, đến viện thăm khám ròng rã nhiều ngày, rồi tiết kiệm tiền lại từ đầu…
Ảnh minh họa: Pinterest
Cứ lặp đi lặp lại như thế, đến một thời điểm tình trạng cơ thể chị H. không đáp ứng được nữa. “Sau nhiều năm chạy chữa và tuổi tác cũng tăng lên, mình bị suy buồng trứng. Giống như muốn làm ra một món ăn thì cần có nguyên liệu nhưng mình không có “nguyên liệu”, mình không có trứng…”.
Xét về mặt y học, mỗi tháng, cơ thể người phụ nữ sẽ sản xuất ra một lượng trứng nhất định, trong đó sẽ có những quả trứng đạt đủ chất lượng để có thể kết hợp với tinh trùng của nam giới tạo thành hợp tử rồi trở thành phôi thai trong tử cung của người phụ nữ. Tuy nhiên, với tình trạng của chị H. buồng trứng hầu như không sản xuất ra trứng, nếu có thì trứng cũng không đủ chất lượng để thụ thai.
Các bác sĩ khám chữa cho chị H. thời điểm bấy giờ đều nói với chị 1 câu mà có lẽ sẽ khiến không chỉ chị mà bất kể người phụ nữ nào nghe đến cũng ám ảnh cả đời. Bác sĩ nói “em không có khả năng sinh con bằng trứng của mình, em phải đi xin trứng đi”. Điều đó khiến chị H. càng buồn tủi, càng khao khát muốn có được một đứa con của riêng mình hơn bao giờ hết.
Gục ngã rồi tự đứng lên… vì ước mơ làm mẹ
Để có cơ hội mang thai bằng trứng của chính mình, chị H. phải kiên trì đi kiểm tra, soi trứng mỗi tháng với hy vọng tìm được một “quả trứng vàng” trong suốt nhiều năm.
“Lúc chọc hút trứng để kiểm tra chất lượng, mình được gây mê, trước mỗi lần như vậy, bác sĩ lúc nào cũng làm một thủ tục kiểm tra thông tin tên em là gì, em bao nhiêu tuổi… cứ mỗi lần nghe thấy câu hỏi ấy, nước mắt mình lại trào ra. Các bác sĩ hỏi “Em sợ đau à, gây mê đâu có biết gì đâu mà đau, em không phải sợ đâu vì không đau gì cả…”. Nhưng lúc đó mình không phải khóc vì đau mà mình khóc vì biết là khi tỉnh dậy, kết quả cũng sẽ như những lần trước, cũng chẳng có quả trứng nào có thể làm được em bé cả”.
Có những lúc chị H. gần như đã muốn từ bỏ, buông xuôi tất cả. Khoảng thời gian khó khăn nhất là khi chị nghỉ việc vào TP.HCM một mình để làm IVF vì chồng còn phải cố gắng đi làm kiếm tiền, đảm bảo tài chính để tiếp tục trên con đường tìm con.
Ảnh minh họa: Pinterest
“Cảm giác đi chữa vô sinh, hiếm muộn phải ở một mình rất kinh khủng, cô đơn, tủi thân bởi ai đi khám hiếm muộn cũng có chồng đi cùng, mình thì một thân một mình, thuê phòng ở một mình, đi khám một mình, ăn hay ngủ cũng chỉ có một mình. Chưa kể, áp lực của việc thụ tinh sau nhiều lần thất bại.
Mình vẫn nhớ ngày cuối cùng ở trong đó (ở TP.HCM), sau khi đã trải qua các giai đoạn từ hút trứng, cấy phôi… đi xét nghiệm xem phôi thai có đậu không thì kết quả là không. Lúc ấy Sài Gòn đổ một cơn mưa rất lớn, từ phòng khám đi về chỗ ở mình khóc rất to, khóc hòa cùng với mưa…
Mình gọi điện cho chồng, nói: “Anh ơi, lại thất bại rồi…”. Thế là mất hết, bao nỗ lực, tiền bạc, sự cố gắng, cuối cùng vẫn là thất bại. Mình rơi vào trạng thái vô định, không biết sẽ phải làm gì tiếp theo. Mình không bao giờ quên được cảm giác lúc ấy, cảm giác rất cô đơn, giữa một nơi hoàn toàn xa lạ và một mình phải chống chọi với mọi thứ ập đến, mọi thứ lại như cũ, lại thất bại… Mình dọn đồ, quay về Hà Nội và bắt đầu lại từ đầu”.
Động lực để chị H. kiên trì theo đuổi ước mơ làm mẹ có lẽ đến từ những bộ quần áo thời thơ ấu của chính mình. Chị H. chia sẻ mẹ chị giữ rất nhiều quần áo của chị hồi nhỏ, thi thoảng mẹ mang ra bảo là bộ quần áo này hồi trước chị mặc rất xinh. Mỗi lần giở những bộ quần áo bé xíu ấy ra xem, chị luôn ước mình có một đứa con gái, nó cũng sẽ xinh như mình, mặc quần áo y hệt mình ngày xưa…
Bên cạnh đó, câu nói “em không có khả năng sinh con bằng trứng của mình, em phải đi xin trứng đi” ghim sâu trong tâm trí chị, càng khiến chị phải quyết tâm hơn. Một người con gái sinh ra trên đời, thiên chức làm mẹ là thiên chức lớn nhất, bản năng mà ai cũng có, mà chị lại không có thì chị cảm thấy mình bị mất một cái gì đó rất lớn. Và khi nghĩ đến mẹ mình, những bộ quần áo mà mẹ giữ lại chị càng cảm thấy buồn hơn. Chị H. nghĩ rằng con cái là một “gia tài”, “di sản” lớn nhất mà cha mẹ có thể để lại… vì thế, chị càng trỗi dậy ước mơ có một đứa con hơn bao giờ hết, nó phải giống mình, là của mình…
2/3 thời gian vợ chồng cưới nhau là đi viện… cuối cùng cũng được đền đáp
Năm 2020, sau nhiều nỗ lực bất thành, mang tâm lý hoàn toàn sụp đổ, chị H. tìm đến bác sĩ Phạm Thị Thùy Dương, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Hồng Ngọc. Kiên trì ròng rã suốt 2 năm, cuối cùng chị H. cũng được soi thấy một quả trứng. Tỉnh dậy sau cơn gây mê chọc trứng, câu đầu tiên hỏi bác sĩ vẫn là “Em có trứng không?” và may mắn đã mỉm cười khi chị H. nhận được câu trả lời là quả trứng đạt chất lượng để thụ tinh.
Trong khoảng thời gian 2 ngày chờ đợi kết quả bơm tinh trùng vào trứng để tạo phôi, vợ chồng chị H. luôn thấp thỏm mong ngóng. Bác sĩ báo tin có tạo phôi thành công, vợ chồng chị như vỡ òa, hôm sau chị H. đi chuyển phôi, 2 tuần sau đó thì chị đã đậu thai.
Sau 39 tuần mang thai, cuối năm 2022, gia đình chị H. sau 12 năm chờ đợi cuối cùng cũng được chào đón thành viên mới, một bé gái 3kg hoàn toàn khỏe mạnh. Chị H. chia sẻ: “Khi kết hôn, thời gian vợ chồng mình đi du lịch rất ít, chủ yếu thời gian đó trong suốt hơn 12 năm trời là “đi du lịch trong bệnh viện”, có thể nói là 2/3 thời gian vợ chồng cưới nhau là đi viện…” nhưng mọi thứ cuối cùng đã được đền đáp.
“Ôm con trong lòng, chạm vào con, cảm nhận làn da, bàn tay bé xíu và trái tim của con đang đập rộn ràng trên ngực, mình vẫn không tin những điều này là sự thật. Xin được chia sẻ may mắn này đến với các bà mẹ hiếm muộn vẫn đang trên hành trình đi tìm con. Các mẹ hãy kiên trì và mạnh mẽ đến cùng, hãy quyết tâm và đừng thôi hi vọng. Một ngày nào đó con yêu sẽ về… hạnh phúc đến muộn, nhưng vì chúng ta xứng đáng nên hạnh phúc nhất định sẽ đến”, chị H. nhắn nhủ.
Nhân Ngày của Mẹ (14/5), xin chúc những người làm mẹ luôn có thật nhiều sức khỏe, nhiều bình an, nhiều niềm vui trong công việc lẫn cuộc sống và tận hưởng ngày cuối tuần ấm cúng bên gia đình và người thân.
Với những người mẹ đang trên hành trình tìm kiếm con yêu, cũng xin đừng vội nản lòng, bỏ cuộc sau những khó khăn, gập ghềnh, hãy luôn tin vào chính mình, tin rằng các cố gắng, kiên trì nhất định sẽ được đền đáp. Cầu chúc mọi may mắn sẽ đến với những người “sắp” làm mẹ!