102 năm ngày sinh Albert Camus, giải Nobel 1957: Cốt cách cao quý của nước Pháp
(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 11 này đánh dấu 102 năm ngày sinh Albert Camus, một trong những nhà văn lớn nhất của Pháp và thế giới. Sau khi xảy ra các vụ khủng bố Paris gây chấn động vừa qua, người ta càng nhớ tới Camus hơn, đặc biệt là tinh thần phản kháng trong văn chương của ông.
Trong bài phát biểu công bố giải Nobel Văn học 1957, đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển đã gọi Albert Camus là “một cây thanh thảo trồng trong vườn, cao quý và chẳng gì thay thế nổi. Khi đem trồng ra ngoài khu vườn ấy, nó vẫn cứ giữ nguyên mọi đặc điểm, bất chấp những ảnh hưởng của truyền thống và sự biến thiên”.Khu vườn được nhắc tới đại diện cho cho nước Pháp - trung tâm văn minh và ánh sáng của châu Âu - quê hương của Albert Camus. Tuy nhiên, nơi nhà văn sinh ra lại là Algeria, thuộc địa của Pháp khi đó.
Ánh tà dương và khốn cùng
Bản thân Camus, trong tập tiểu luận Bề trái và Bề mặt, đã viết: "Tôi sinh ra giữa ánh tà dương và khốn cùng”.
Albert Camus sinh ngày 7/11/1913 tại Dréan (sau là Mondovi, Algeria) trong một gia đình “chân đen” (piednoir), ám chỉ những người gốc Âu sống tại đất nước Bắc Phi này. Đây là xứ sở luôn đầy ắp ánh nắng và gió biển, như Camus từng nhắc nhiều lần trong sách của mình. Tuy nhiên, sự chói chang của thiên nhiên lại hoàn toàn ngược với cuộc sống u ám của người dân nơi đây nói chung và gia đình Camus nói riêng.
Cha của Camus, ông Claude Camus, người Pháp, là công nhân rượu nghèo khó. Về sau, ông bị huy động vào lính và chết năm 1914, khi nhà văn mới 1 tuổi. Cả cuộc đời Camus chỉ biết tới cha qua một bức ảnh duy nhất.
Sau khi chồng qua đời, bà Catherine Sintès mang hai con Albert và Lucien về sống ở vùng ngoại ô Belcourt của thủ đô Algiers, ở cùng nhà với bà ngoại và các bác của nhà văn. Gia đình bên ngoại của Camus cũng là những người nghèo khổ, mù chữ. Riêng mẹ ông bị điếc nặng. Cậu bé Camus từng rất xấu hổ mỗi khi cả nhà có dịp tới rạp chiếu phim, bởi ở đó, cậu phải đọc thật to tên các bộ phim cho người nhà nghe.
Bất chấp cảnh khốn cùng, Camus vẫn là cậu bé rất thông minh, yêu đời và mang đậm chất Pháp. Sau này ông được học bổng nghiên cứu thạc sĩ về triết học. Nhưng ông phải bỏ dở công trình luận văn tiến sĩ vì bệnh lao - căn bệnh quái ác đeo đuổi ông từ năm 17 tuổi cho tới hết đời.
Ngoài việc là sinh viên ưu tú trên giảng đường, ông còn là nhà hoạt động chính trị từ rất trẻ. Ông tham gia biên tập báo, đạo diễn kịch… nhằm ủng hộ phong trào kháng chiến ở Pháp thời Thế chiến thứ hai. Song song với đó, ông còn ra mắt nhiều tiểu thuyết, tiểu luận, kịch…
Trở về quê hương Pháp khi chỉ mới 25 tuổi nhưng cái tên Albert Camus vào thời điểm đó đã là ngôi sao sáng tại châu Âu. Quan điểm và nghệ thuật sáng tác của ông tác động lớn tới giới trí thức khi đó. Năm 1957, mới 44 tuổi, ông được trao giải Nobel Văn học.
Ngày 4/1/1960, Camus bất ngờ qua đời trong một tai nạn xe hơi, khi mới 46 tuổi, thời điểm ông đang ở độ chín muồi và dạt dào khả năng sáng tác.
Nửa thế kỷ sau, chính phủ Pháp mong muốn được đưa tro cốt của ông về điện Panthéon, vốn là nơi vinh danh những người con ưu tú nhất nước Pháp, nhưng hậu duệ của nhà văn không đồng ý vì e ngại “một sự thâu tóm chính trị”. Camus đã sống cả một cuộc đời tự do, đấu tranh cho sự nhân văn, nên không phe phái nào có thể chiếm đoạt được ông, kể cả khi đã chết.
Cái chết và sự phi lý
Sinh ra ở nước thuộc địa, trưởng thành trong chiến tranh và bị bệnh lao đeo bám, Camus cảm nhận sâu sắc về cái chết và sự phi lý ở đời.
“Phi lý” như Camus định nghĩa là vực thẳm giữa con người và thế giới, luôn hiện hữu trong các tác phẩm của ông. Ở đó, các nhân vật như đứng trong phòng gương, bị soi rọi ở mọi góc cạnh, bị đánh giá và tách ra khỏi con người thực của mình.
Đó là Meursault trong Kẻ xa lạ, người khước từ lối sống của xã hội, để rồi bị xã hội mổ xẻ và đưa lên máy chém; là Kaliayev trong Những người trung trực, người thanh niên yêu cuộc sống nhưng phải lao vào cuộc giết người cho một lý tưởng mà anh không thực sự hiểu; là người dân ở xứ Oran vốn thanh bình trong Dịch hạch, bỗng bị ném vào một trận dịch bệnh trời ơi đất hỡi…
Sự phi lý trong sáng tác của Camus miêu tả muôn mặt tâm trạng của châu Âu thời đó, khi con người luôn cận kề cái chết vô nghĩa, gây ra bởi những cuộc chiến vô nghĩa, được bao biện bởi những luận lý xảo ngôn. Trước những tai họa đó, các nhân vật đều mù quáng trong ảo tưởng về sự an toàn, về tương lai tươi sáng không xa, để rồi cuối cùng phải đối mặt với sự phi lý nghiệt ngã.
Khi đó, có người chọn sự an ủi nơi thần thánh, có người tìm tới cái chết. Còn các nhân vật trung tâm của Camus chọn sự phản kháng.
“Tôi phản kháng nên tôi tồn tại”
Đó là lý do Viện Hàn lâm Thụy Điển nói Camus là người sống xa xứ nhưng vẫn giữ cốt cách cao quý của nước Pháp, nơi những người dân dù rơi vào cảnh loạn lạc, vẫn kiên cường đứng lên chống lại bất công phi lý.
“Tác phẩm của Albert Camus đưa ra ánh sáng những vấn đề mà lương tri loài người ở thời đại của chúng ta phải đối mặt”. Đây là đánh giá mà Viện Hàn lâm Thụy Điển đã đưa ra khi trao giải Nobel Văn học cho Camus vào năm 1957.
Trước xã hội đầy những sự phi lý, Camus đánh thức con người khỏi những u mê, đưa họ tới hành động bằng “đường lối giản dị, trung bình, thẳng thắn, trung thực, không ảo tưởng”. Camus quan niệm: “Hòa bình là cuộc chiến duy nhất đáng tiến hành”.
Để giành được hòa bình, con người phải phản kháng, cho dù sự phản kháng ấy tưởng chừng vô nghĩa, như bác sĩ Rieux tay không chống lại dịch bệnh, như thần Sisyphus đẩy hòn đá lên đỉnh núi, để nó lăn xuống rồi lại đẩy lên.
Những tư tưởng về “sứ mệnh phục hồi không ngưng nghỉ những giá trị bị hủy hoại, đem lại công bằng trong một thế giới bất công” của Camus không chỉ thức thời trong thời đại ông sống, mà vẫn vẹn nguyên giá trị cho tới ngày nay.
Thư Vĩ
Thể thao & Văn hóa