100 phi công trong nước và quốc tế tham gia Festival dù lượn Khau Phạ
Nằm trong các hoạt động Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc lễ hội văn hóa - du lịch Mường Lò, khám phá danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022, ngày 25/9, UBND huyện Mù Cang Chải phối hợp với Công ty cổ phần Thể thao và Du lịch Viên Nam tổ chức khai mạc Festival dù lượn Khau Phạ năm 2022.
Điểm bay dù lượn Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải nằm ở độ cao hơn 1.200 mét so với mực nước biển. Đây là một trong những điểm bay được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam cũng như trên thế giới. Với việc được trải nghiệm bay bằng dù lượn du khách được ngắm vẻ đẹp của các thửa ruộng bậc thang khi lúa chín vàng cùng vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng của Mù Cang Chải.
Festival dù lượn Khau Phạ trở thành thương hiệu riêng hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến với vùng cao Mù Cang Chải. Năm nay, Festival dù lượn Khau Phạ năm nay thu hút 100 phi công trong nước và quốc tế tham gia.
Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, cùng với Festival dù lượn “Bay trên mùa nước đổ” tổ chức vào tháng 5, Festival dù lượn Khau Phạ "Bay trên mùa vàng" tổ chức vào tháng 9 với nhiều đổi mới, là điểm nhấn khởi đầu cho du lịch năm 2022 góp phần triển khai thực hiện đề án “Xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch”. Qua sự kiện được tổ chức lần này, huyện Mù Cang Chải kêu gọi, mở cửa, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào địa bàn huyện, phát huy những lợi thế của vùng tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ngay sau lễ khai mạc, đông đảo du khách đã được chiêm ngưỡng màn bay biểu diễn dù bay của các phi công. Du khách cũng đã đăng ký bay đôi cùng phi công. Năm nay ngoài hoạt động bay dù lượn, huyện Mù Cang Chải còn phối hợp với Công ty trực thăng miền Bắc tổ chức bay trực thăng cho du khách ngắm cảnh đẹp ruộng bậc thang mùa lúa chín.
Festival dù lượn Khau Phạ năm 2022 diễn ra đến hết tháng 10/2022 tại khu vực đèo Khau Phạ.
Cũng nằm trong chuỗi các hoạt động Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội văn hóa - du lịch Mường Lò, khám phá danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022, ngày 25/9, huyện Mù Cang Chải đã tổ chức lễ mừng cơm mới năm 2022 tại xã La Pán Tẩn.
- Đà Nẵng: 110 vận động viên tranh tài Giải Dù lượn quốc gia
- TP.HCM chuyên nghiệp hoá môn dù lượn
- Rơi dù lượn tại Mù Cang Chải, Yên Bái: Phi công bị thương nhẹ, sức khỏe đã ổn định
Trước khi buổi lễ diễn ra là đoàn rước lễ về địa điểm chính. Sau đó, chủ lễ bắt đầu thực hiện nghi lễ. Theo phong tục người Mông Mù Cang Chải, vật cúng là thịt lợn hoặc thịt gà; cơm phải nấu từ gạo mới, nồi mới; mâm cúng có thêm bát canh, hoa quả và rượu trắng. Tùy theo từng dòng họ mà trên âu cơm làm lễ sẽ cắm nhiều chiếc thìa và càng nhiều hơn càng tốt. Người trực tiếp thực hành nghi lễ cúng mừng cơm mới là ông chủ trong gia đình.
Lễ cúng cơm mới là để tỏ lòng thành kính, cảm ơn tổ tiên, các vị thần linh; đồng thời, cũng mời gọi hồn lúa sau một năm ở đồng ruộng về nhà để nghỉ ngơi và cầu mong vụ mới lại tiếp tục nhận được sự phù hộ của tổ tiên, thần linh để mùa màng bội thu.
Ngoài ý nghĩa tâm linh, Lễ mừng cơm mới còn là dịp để các thành viên trong gia đình, dòng họ, láng giềng đoàn tụ thể hiện sự gắn bó, tình đoàn kết.
Đây là các hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của Lễ mừng cơm mới - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của đồng bào người Mông vừa để quảng bá, giới thiệu đến du khách khám phá và trải nghiệm trong mùa du lịch tại Mù Cang Chải.
TTXVN