100 năm thăng trầm của đế chế thời trang Gucci
(Thethaovanhoa.vn) - Gucci luôn là cái tên được nhắc đến đầu tiên, mỗi khi người ta nói về những thương hiệu thời trang có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất đến nền văn hóa đại chúng. Và thương hiệu thời trang này vừa tròn 100 năm kể từ khi thành lập.
Khi Guccio Gucci mở cửa hàng đầu tiên của mình trên đường Via Vigna Nuova ở Florence (Italy) vào năm 1921, ông không thể ngờ rằng tên mình rồi đây sẽ gắn với một hãng thời trang hấp dẫn về giới tính, điệu đà và thu hút 46 triệu người theo dõi trên nền tảng truyền thông xã hội Instagram của thế kỷ 21.
Từ công nhân nhập cư trở thành người sáng lập thương hiệu xa xỉ
Sinh ngày 26/3/1881 trong gia đình có cha là một nhà sản xuất đồ da, Guccio Gucci rời quê hương Italy của mình ở tuổi thiếu niên vào cuối những năm 1890, tới London (Anh) làm nhân viên phục vụ tại khách sạn The Savoy. Việc quan sát những hành lý sang trọng của những vị khách sành sỏi từng tới khách sạn đã khơi dậy trí tưởng tượng của chàng trai Gucci trẻ tuổi.
Nhiều năm sau, trở lại quê hương Florence, Gucci mở cửa hàng đồ da đầu tiên của mình, sản xuất đồ du lịch sang trọng cho tầng lớp thượng lưu giàu có của Italy cũng như thiết bị cưỡi ngựa được tạo ra với những chi tiết tinh tế mà ông “nghe lỏm” được từ những cuộc trò chuyện của những vị khách đến khách sạn Savoy.
Trong Thế chiến II, khi lệnh cấm vận của Hội quốc liên (tổ chức liên chính phủ tiền thân của Liên hiệp quốc) chống lại Italy gây ra tình trạng khan hiếm đồ da, Gucci đã dựa vào sự tháo vát của mình và làm ra những hành lý từ sợi gai. Chúng có in logo như hiện nay của thương hiệu và gắn một loạt các viên kim cương màu nâu sẫm kết nối với nhau trên nền nâu.
Gucci tiếp tục tung ra các sản phẩm độc đáo và ấn tượng khác trong những thập kỷ sau này như túi xách có tay cầm bằng tre (trên đó có chữ G lồng đôi, thanh Gucci màu đỏ giữa 2 sọc xanh lá cây) hay giày lười Gucci với móc khóa kim loại lấy cảm hứng từ môn đua ngựa.
Sau Thế chiến II, các con trai của Guccio là Aldo, Vasco và Rodolfo đã tham gia vào công việc kinh doanh của cha và mở thêm nhiều cửa hàng ở Italy và nước ngoài. Cụ thể, Aldo đã giám sát việc khai trương cửa hàng đầu tiên của Gucci ở New York tại khách sạn Savoy Plaza vào năm 1953. Mặc dù người sáng lập Guccio qua đời chỉ 15 ngày sau đó, thương hiệu này vẫn tiếp tục làm khuynh đảo nền thời trang ở thành phố New York.
Bi kịch gia đình
Các ngôi sao điện ảnh và khách du lịch đến Italy trong những năm 1950 và 1960 đã giúp các sản phẩm của Gucci được biết rộng rãi trên thế giới. Chúng xuất hiện trên các tạp chí phong cách sống khắp thế giới với đủ loại trang phục, phụ kiện, giày dép, để rồi Gucci càng phát triển thương hiệu của mình trên toàn cầu. Một trong những chiếc túi xách của Gucci đã được đổi tên thành “The Jackie” sau khi một trong những cư dân nổi tiếng của thành phố, đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy của nước Mỹ, được nhìn thấy mang theo mẫu túi này.
Năm 1985, mẫu giày lười Gucci được đưa vào bộ sưu tập vĩnh viễn của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Chưa kể, “Nữ hoàng pop” Madonna đã đi kiểu giày lười này của Gucci tại lễ trao giải Video Âm nhạc MTV năm 1995 và Brad Pitt cũng diện giày lười của thương hiệu này trong bộ phim Fight Club năm 1999. Tính đến năm 2019, Gucci đã có 487 cửa hàng trên khắp thế giới với hơn 17.000 nhân viên, tạo ra doanh thu hơn 9,6 tỷ euro.
Có điều, đằng sau những thành công và hào nhoáng của đế chế Gucci là những câu chuyện đầy bi kịch. Trong những năm 1970 đến 1990, gia đình Gucci xảy ra những cuộc chiến giữa các anh chị em với cáo buộc trốn thuế, quản lý kém, doanh số bán hàng bị “khống” lên. Và bi kịch nhất là vụ giết hại Maurizio Gucci - cháu trai nhà sáng lập thương hiệu và từng có thời gian là người đứng đầu của đế chế.
Maurizio Gucci, bị bắn chết cạnh văn phòng của ông nội hồi năm 1995, khi thủ phạm tuân theo lệnh vợ cũ của ông là Patrizia Reggiani. Họ từng tận hưởng lối sống xa hoa cùng nhau nhưng cuối cùng Maurizio đã rời Patrizia để đến với tình nhân của mình là Paola Franchi. Quá phẫn uất, Patrizia đã gây ra vụ án mạng, để rồi bà và những kẻ đồng lõa sau đó phải ngồi trong nhà đá.
Từ hấp dẫn giới tính đến thời trang phi giới tính
Dù vậy, một quyết định thay đổi số phận của Gucci đã được Maurizio Gucci đưa ra trước khi bị bắn chết: Mời nhà thiết kế người Mỹ Tom Ford làm Giám đốc sáng tạo của thương hiệu.Với sự lãnh đạo của Ford trong việc tạo ra thời trang cao cấp nổi bật với phong cách grunge của những năm 1990, Gucci đã biến thành một doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD. Tuy nhiên, tháng 3/2004, Gucci thông báo thay thế Tom Ford bằng những nhà thiết kế trẻ - là thành viên đội ngũ thiết kế của công ty.
Năm 2005, Frida Giannini được đề bạt làm Giám đốc sáng tạo cho dòng sản phẩm thời trang may sẵn của nữ và dòng phụ kiện. Một năm sau, bà nắm luôn dòng thời trang may sẵn cho nam và trở thành Giám đốc sáng tạo của thương hiệu Gucci. Vào năm 2015, Alessandro Michele, người đã từng làm việc tại hãng thời trang với vai trò là nhà thiết kế túi xách, được bổ nhiệm làm Giám đốc sáng tạo. Và dòng thời trang phi giới tính gần đây của anh đã mang lại sự hồi sinh cho Gucci.Ví dụ, Michele đã cung cấp chogiọng ca Jared Leto bộ đồ dạ hội màu đỏ của Gucci khi tham gia gala của Viện Trang phục của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan năm 2019.Tương tự, nam ca sĩ người Anh Harry Styles đã trở thành người đầu tiên xuất hiện trên trang bìa tạp chí American Vogue với chiếc áo choàng Gucci màu xanh lá và áo khoác tối màu cũng do Michele thiết kế.
- Gucci, Dior, Louis Vuitton... cẩn trọng tung ra các thiết kế 'Heo vàng' sanh chảnh
- Chiêm ngưỡng BST túi xách thu đông của Gucci
Giờ đây, Gucci đang khẳng định được vị thế trong nền văn hóa đại chúng. Gucci hiện là một trong những thương hiệu được nhắc đến nhiều nhất trong làng nhạc hip-hop. Chẳng hạn, ca khúc ăn khách Gucci Gang năm 2017 của của Lil Pump đã nhắc đến thương hiệu này 53 lần.Mối liên hệ của Gucci với hip-hop bắt nguồn từ những năm 1980, khi nhà thiết kế Dapper Dan tạo ra những chiếc áo gió thể thao với chữ lồng của Gucci cho các nghệ sĩ hip-hop Eric B. và Rakim trong đĩa nhạc đầu tay của họ - Paid In Full.
Gucci ban đầu đã cố gắng ngăn Dapper Dan sử dụng biểu tượng của họ cho “hàng nhái” khoa trương của mình. Thương hiệu này cũng cố gắng chấm dứt nạn làm giả thiết kế của họ thông qua hành động mang tính pháp lý. Tuy nhiên, dù xảy ra những chuyện như vậy thì ngành công nghiệp trị giá hàng triệu USD này vẫn phát triển mạnh. Cuối cùng, Gucci đã quyết định hợp tác với chính Dapper Dan như một phần của lễ kỷ niệm 100 năm thành lập.
Sự trỗi dậy gần đây của các xu hướng trong những năm 1990 cũng đã giúp Gucci tạo được một thị trường mới nhắm đến thế hệ Gen Z - những người hiện ở độ tuổi 20 và 30. Logo chữ G kép của Gucci luôn xuất hiện trên mạng xã hội trong thời điểm này. Gucci còn phát triển Gucci Kids Playground - ứng dụng đầu tiên của công ty dành riêng cho quần áo trẻ em.
Các dự án mừng Gucci tròn 1 thế kỷ thành lập Gucci đã ra mắt bộ sưu tập Gucci Aria, giới thiệu triển lãm đa phương tiện, mở cửa tham quan di sản lưu trữ của Gucci cùng nhiều dự án thú vị. Chưa kể, bộ phim House Of Gucci (Gia tộc Gucci) của đạo diễn Ridley Scott đã có mặt tại các rạp chiếu ở Mỹ vào hôm 24/11. Phim chứa đựng đầy những yếu tố kịch tính đúng như những gì đã xảy ra trong đế chế Gucci, với các mối thù trong gia đình, tình trạng gần phá sản và vụ giết hại Maurizio Gucci. Thủ diễn chính trong phim là Lady Gaga và Adam Driver. |
Việt Lâm (tổng hợp)