100 năm ngày sinh nhà văn Doris Lessing: Nhớ về 'người kể chuyện vĩ đại' của thế kỷ XX
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 22/10 vừa qua là dịp thế giới tưởng niệm Doris Lessing (1919- 2013), nhà văn nữ từng đoạt giải Nobel Văn học và cũng là một biểu tượng lớn về nữ quyền.
Năm 2007, Doris Lessing đi vào lịch sử giải Nobel Văn học ở vị trí tác giả cao tuổi nhất khi đoạt giải (88 tuổi). Bà cũng là là cây bút nữ thứ 11 được tôn vinh trong lịch sử giải thưởng này.
Đi lên từ tuổi thơ bất hạnh
Tên thật là Doris May Tayler, Lessing sinh ngày 22/10/1919 tại Kermanshah, Ba Tư (nay là Iran). Cha bà từng là một nạn nhân chiến tranh và gặp mẹ bà, một y tá, tại bệnh viện ở London, nơi ông bị cắt cụt chân vì một mảnh đạn.
Năm 1925, gia đình Lessing chuyển tới Nam Rhodesia (nay là Zimbabwe) lúc đó là thuộc địa của Anh. Luôn phải vật lộn để kiếm sống, Lessing có một tuổi thơ bất hạnh. Sau này, nữ văn sĩ kể rằng bà luôn “chiến đấu” và mơ ước chạy trốn khỏi người mẹ mà bà oán ghét, cũng như khỏi xã hội lạnh lùng nơi bà sống.
Lessing rời trường học năm 14 tuổi và chuyển đến Salisbury (nay là Harare) để làm nhân viên trực điện thoại. Ở đó, năm 19 tuổi, Lessing kết hôn với người chồng đầu tiên, Frank Wisdom. Họ có hai con, John và Jean, trước khi ly hôn vào năm 1943.
Sau này, Lessing kết hôn với người chồng thứ hai và có cậu con trai Peter năm 1947. Nhưng cuộc hôn nhân cũng đến lúc tan vỡ. Bà để lại hai đứa con lớn của mình cho cha chăm sóc và chuyển đến Anh cùng Peter, đem theo bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, The Grass Is Singing (Cỏ hát). Trong phần đời còn lại của mình, Lessing luôn dằn vặt về quyết định để 2 con lớn ở châu Phi như vậy.
Đến Anh với tư cách là một bà mẹ đơn thân không có bằng cấp, Lessing đã vươn lên rất nhanh để trở thành một cái tên của nền văn học Anh thời hậu chiến. Tác phẩm văn học đầu tay của bà xuất bản năm 1950 và lập tức khiến độc giả ở châu Âu và Mỹ phải kinh ngạc.
Được tái bản 7 lần chỉ trong vòng 5 tháng, The Grass Is Singing là cuốn sách viết dưới dạng hồi tưởng dựa trên những quan sát từ thời thơ ấu của Lessing. Đó là góc nhìn chua chát về những bất công tại một xứ thuộc địa “nhỏ bé, xấu xí, dơ dáy”. Sau thành công ban đầu, Lessing có thêm những cuốn sách khác. Và năm 1954, bà được trao giải Somerset Maugham cho Five Short Novels (1953) – giải thưởng đầu tiên trong vô số giải thưởng sau này mà bà nhận được.
Luôn tận tâm với công việc viết lách, Lessing trở thành một biểu tượng nữ quyền bất đắc dĩ sau khi bà tung ra cuốn tiểu thuyết The Golden Notebook (Cuốn sổ Vàng) vào năm 1962. Được nhiều người coi là tác phẩm vĩ đại nhất của Lessing, cuốn sách là câu chuyện về Anna Wulf, một nhà văn kể lại những góc độ khác nhau trong cuộc sống của mình qua bốn cuốn sổ tay riêng biệt.
The Golden Notebook khi ấy được ca ngợi là cuốn “kinh thánh nữ quyền” - khi bên cạnh những thử nghiệm về cách viết, cuốn sách còn có những mô tả thẳng thắn về chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, về đời sống tình ái của nhân vật chính cũng như những căng thẳng giữa khi làm mẹ. Nhà phê bình Anh Margaret Drabble mô tả Lessing là “nhà văn nói những điều không thể thực hiện được, nghĩ về điều không thể tưởng tượng được và không sợ hãi viết ra những điều đó”.
Vào giữa những năm 1960, bà tiếp tục viết một loạt 5 tiểu thuyết khoa học viễn tưởng mang tựa đề Canopus in Argos. Sau đó, bà lại xuất bản 2 cuốn tiểu thuyết The Diary of a Good Neighbor (1983) và If the Old Could (1984. Tuy nhiên, 2 nhà xuất bản “ruột” của bà ở Anh đã từ chối các bản thảo này và sau đó chúng đã được nhà xuất bản Mỹ Alfred A. Knopf. phát hành.
Giải Nobel Văn học là sự “phiền nhiễu”
Năm 2007, Lessing đã được trao giải thưởng Nobel về văn học. Ban giám khảo Thụy Điển đã dành nhiều lời khen ngợi cho tác giả, mô tả bà là “người viết sử thi về những trải nghiệm phụ nữ với sự nhiệt huyết, khôn ngoan và chín chắn đủ để chinh phục một nền văn hóa đang có sự phân biệt rất rạch ròi về giới tính.
Biết tin đoạt giải khi vừa bước ra khỏi một chiếc taxi ở bên ngoài ngôi nhà của mình, Lessing đã thốt lên “Ôi Chúa ơi!” và thở dài. Sau này, bà thường phàn nàn rằng giải thưởng Nobel khiến mình ít có thời gian viết lách vì tạo ra những “nỗi thống khổ”: Trả lời nhiều cuộc phỏng vấn, ký tặng người hâm mộ và tham gia một loạt các nghĩa vụ liên quan đến giải Nobel.
Lessing từng có 2 tập hồi ký gồm Under My Skin (1994) mô tả cuộc đời bà đến năm 1949, trong khi Walking In The Shadow (1997) kể chi tiết về giai đoạn từ 1949 đến 1962. Tác giả giải thích rằng bà không viết một tập thứ ba của cuốn tự truyện của mình để không xúc phạm “nhiều người vĩ đại và nổi tiếng bằng cách nhắc nhở họ về sự ngốc nghếch của họ”.
Trong cuốn sách cuối cùng của mình, Alfred & Emily (2008), nhà văn đã trở lại với thời thơ ấu của mình ở Nam Rhodesia. Cuốn tiểu thuyết gắn với cuộc sống của cha mẹ bà - những người đã trải qua Thế chiến lần thứ nhất.
“Chiến tranh đã vắt kiệt thời thơ ấu của tôi” - Lessing nói - “Các chiến hào xuất hiện đầy rẫy trước mắt tôi, nhiều hơn bất cứ cái gì tôi thực sự nhìn thấy quanh mình. Còn cha mẹ thì không bao giờ bỏ qua một cơ hội làm tôi đau đớn khi nhìn về quá khứ.”
“Tôi không biết tại sao tôi phải viết" - Lessing chia sẻ - "Đó đơn giản là việc tôi phải làm. Nếu tôi không viết trong một khoảng thời gian dài, tôi sẽ rất khó chịu. Nếu phải ngừng viết, có lẽ tôi sẽ đi lang thang trên đường và tự kể cho mình nghe những câu chuyện của mình.”
Nếu còn sống đến sinh nhật thứ 100 của mình, Doris Lessing chắc vẫn sẽ mãi giữ phong cách như vậy: Một người luôn sẵn sàng kể những câu chuyện đa dạng và kích thích trí tưởng tượng của mọi thế hệ độc giả.
Lessing rất nổi tiếng với những trang viết thẳng thắn về nạn phân biệt chủng tộc (apartheid) ở Nam Phi. Chính vì lẽ đó mà trong nhiều thập kỷ, Lessing đã bị cấm vào Nam Phi và Rhodesia vì những quan điểm chính trị của mình. |
Việt Lâm (tổng hợp)