100 năm lịch sử báo Xuân: Báo Xuân Hà Nội trong Tết xưa Sài Gòn
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Theo nhiều nghiên cứu khả tín, giai phẩm Xuân (sau này gồm cả báo Xuân nữa) là đặc sản của riêng nền báo chí Việt Nam, không nước nào có được. Tết Mậu Ngọ 1918, tờ Nam Phong lần đầu phát hành giai phẩm Xuân, đây cũng được xem là tờ báo Xuân đầu tiên của Việt Nam.
- Tác giả Phạm Công Luận: Có những đề tài chưa bao giờ cũ trên báo Xuân
- 'Xem' lại báo Xuân thuộc bộ sưu tập báo chí trong hơn 40 năm
Nhân kỷ niệm 100 năm lịch sử báo Xuân (1918 - 2018), Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của Phạm Công Luận về chuyện đọc báo Xuân Hà Nội ở Sài Gòn.
Hơn 20 tuổi mới hành phương Nam
Theo Vũ Xuân Tự trong cuốn Túi bạc Sài Gòn xuất bản năm 1941, khi báo Phụ nữ tân văn - tờ báo chiến tướng của Sài Gòn - còn xuất bản, thì chỉ có dân Bắc ham đọc báo chí trong Nam và trái lại, người Nam ít đọc báo Bắc. Nhưng khi các báo Phụ nữ tân văn, Thần chung, Đuốc nhà Nam đình bản thì văn chương Bắc Hà đổi mới, tiến bộ, tìm lối vào Nam.
Vũ Xuân Tự viết: “… đứng đầu hàng ngũ đi cám dỗ độc giả Nam kỳ, ta nên dành công cho tuần báo Phong hóa. Tờ tuần báo này khi tái bản (1932) đã sửa đổi tôn chỉ, văn thể hợp với trình độ dân trí nên được hoan nghênh. Thì báo nào mới ra tài liệu chẳng dồi dào, bao nhiêu cái hay họ trưng ra hết. Khởi thủy, những bức vẽ khôi hài đã mua được những cái để ý của người Nam thường hay đọc báo. Rồi kẻ mua, người đi mượn, và có những anh đứng xem ghé mấy bức tranh riễu Lý Toét, liền bị bùa mê dần dần. Trước còn mua báo xem mấy bức vẽ, sau đọc các bài vở, gặp những tiếng Bắc bèn dò hỏi, sinh ra ham thích là mắc nghiện ngay”.
Ông cho biết sau đó là báo Loa, cũng trào phúng, châm biếm nhưng có mồi câu độc giả Nam kỳ là hai bức phụ bản. Ở Sài Gòn, công in đắt đỏ nên tính riêng hai bức tranh là giá năm xu rồi, rẻ lắm cho nên có người Nam chỉ thích hai bức tranh lồng kính chơi mà mua cả tờ báo Loa.
Các tờ báo miền Bắc thời ấy vào Nam kỳ bằng nhiều cách khác nhau. Đến gần cuối thập niên 1930, các tờ nổi tiếng nhất ngoài ấy như Phong hóa, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ Bảy, Tri tân... theo con đường phát hành xuyên Việt vào tới Sài Gòn, trong đó có vai trò nổi bật của nhà sách Nguyễn Khánh Đàm gần chợ Bến Thành, là đại lý phân phối sách báo của Nhà xuất bản Tân Dân ở Hà Nội.
Hơn một tháng trước Tết, những giai phẩm Xuân của các tờ báo này góp phần làm phong phú thêm thị trường báo Xuân ở Sài Gòn, không chỉ nhờ những bức vẽ trào phúng hay phụ bản đẹp như Vũ Xuân Tự cho biết, mà còn từ những bìa báo đẹp mang phong cách cổ điển của xứ Bắc và nội dung giàu chất văn chương ý nhị được độc giả Nam kỳ thích thú đón nhận.
Giở ra tờ báo Xuân từ Hà Nội, người đọc Nam Kỳ được xem tranh của các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Lemur… qua những bìa báo và minh họa, được đọc những truyện ngắn, kịch, thơ của các cây bút được ưa chuộng trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn và các cây bút tài danh xứ Bắc khác như Tản Đà, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Thanh Châu...
Dù sao, một món ăn tinh thần mang tính “hương xa” có giá trị vẫn dễ thu hút người Sài Gòn vốn cởi mở, luôn thích tiếp nhận cái mới. Đã vậy, xem báo xuân xứ Bắc, có thể xem được những “giá trị” khác, như qua các trang quảng cáo có thể hình dung sản vật và cách tiêu dùng của ngoài ấy, hay những bài viết về Tết Sài Gòn với góc nhìn lạ của người ở miền có mùa Xuân lạnh mát viết về mùa Xuân rực nắng của miền Nam.
Những nhân vật nổi danh trong tranh biếm họa của báo Phong hóa như Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh... sớm thu hút người đọc Nam kỳ, nên sau này báo chí Sài Gòn đã tái hiện các nhân vật này trong một khoảng thời gian nữa, cho đến thập niên 1950 mới ngưng dần.
Một câu chuyện Xuân ấn tượng
Trong một bài viết cho báo số Tết, tôi có nhắc đến một kỷ niệm khi đọc báo Xuân xưa. Trong một ngày cuối năm, tôi lật xem lại tờ giai phẩm Xuân Ngày nay (xuất bản năm 1940 tại Hà Nội) và cảm thấy bồi hồi. Đó là tờ báo Xuân đẹp, tao nhã, với tranh bìa dễ thương vẽ ba cô gái bận áo dài tha thướt của họa sĩ nổi tiếng Tô Ngọc Vân. Kỹ thuật in lúc đó cộng với màu thời gian phủ lên bìa báo khiến bức tranh xuống sắc, màu in trầm hơn, nhìn như một bức tranh lụa cũ. Nội dung bài vở bên trong khá phong phú, toàn là của “chiến tướng” làng văn miền Bắc thời đó, vì Ngày nay là tờ báo của nhóm Tự Lực Văn Đoàn nổi đình đám ở Hà Nội.
Cảm động nhất là bài Đĩa mứt ngũ vị, thực chất là “Đĩa mứt ngũ vị văn chương” do Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thạch Lam viết. Đây là món quà văn chương ngày Tết với những tản văn, câu chuyện được viết khá súc tích, đặc biệt có những bức minh họa do các tác giả vẽ, dù họ không phải là họa sĩ. Nhà văn Hoàng Đạo vẽ hoa thủy tiên, Khái Hưng vẽ một người đi dưới mưa, che lá trên đầu và có hai khuôn mặt thiếu nữ trên cao dõi theo, Thạch Lam vẽ quả đựng mứt.
Truyện Hoa thủy tiên của Hoàng Đạo viết về một anh ở nhà quê rất thích chơi loại hoa này. Ngày Tết anh thường ra Hà Nội mua hoa thủy tiên đem về nhà bày kín giường ngủ. Do nghiện hút và lười biếng, cảnh nhà anh sa sút dần, nên tác giả không có dịp gặp nữa. Một dịp Tết, tác giả về quê thì biết anh đã bán nhà, ở trong một cái chòi, thân thể tiều tụy vì nghiện nặng. Khi đến thăm, thấy ngày Tết anh chỉ có một bát gạo ăn. Nhưng khi nhìn lên bàn thờ cũ vẫn có một củ thủy tiên nở đầy cái chậu sành nhỏ. Anh ta thấy khách nhìn hoa, cũng ngước mắt âu yếm nhìn hoa thủy tiên, rồi tươi cười khoe: “Bây giờ tôi gọt khéo hơn trước nhiều anh ạ. Năm nào hoa cũng nở đúng ngày mồng Một!”. Tác giả man mác nghĩ thầm: “Tình yêu hoa hay là lòng thương tiếc một quãng đời thiếu niên đầm ấm!”.
Vậy là trong 100 năm lịch sử báo Xuân, đến nửa sau thập niên 1930 thì báo Xuân đất Bắc mới hiện diện tương đối rộng rãi ở Sài Gòn. Riêng báo Xuân xứ Nam ra Hà Nội từ những năm nào thì xin hẹn độc giả trong một kỳ báo khác.
Phong vị báo Xuân xưa Cũng đầu năm 2018, nhà báo Phạm Công Luận ra mắt cuốn sách Sài Gòn - phong vị báo Xuân xưa, đề cập đến bước phát triển của loại hình báo chí độc đáo. Sách là một lược sử nhẹ nhàng về nội dung, hình thức (biếm họa, minh họa, bìa báo…) và về một số tác giả viết, vẽ trên báo và tạp chí Xuân từ năm 1930 đến 1975. Đây cũng là cuốn sách tiếp nối chủ đề về Sài Gòn xưa mà Phạm Công Luận đã khá thành công trong bộ sách Sài Gòn - chuyện đời của phố (5 tập), xuất bản từ năm 2014 đến 2018. |
Phạm Công Luận
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất