10 vận động viên xuất sắc nhất Olympic thế kỷ 21
Hôm nay (26/7), Olympic 2024 sẽ chính thức khai mạc tại Paris, Pháp. Nhân dịp này, hãy cùng điểm lại 10 vận động viên xuất sắc nhất tại Thế vận hội (cả mùa Hè và mùa Đông) trong thế kỷ 21.
Là cường quốc thể thao số một thế giới, không có gì ngạc nhiên khi Mỹ chiếm tới 5/10 vận động viên xuất sắc nhất theo bình chọn của ESPN.
1. Michael Phelps, bơi lội
Thành tựu chính: Kỷ lục 28 lần đoạt huy chương Olympic, 23 lần giành huy chương vàng Olympic, nhiều huy chương vàng nhất tại một kỳ Olympic (8 tại Bắc Kinh 2008).
Tại Bắc Kinh 2008, Phelps giành 8 huy chương vàng, nhiều hơn bất kỳ vận động viên nào trong một kỳ Olympic, đồng thời phá kỷ lục thế giới 7 trong số 8 nội dung thi. Người hâm mộ và giới truyền thông cố gắng giải mã điều gì khiến Phelps trở nên bất khả chiến bại. Mẹ của anh, Debbie Phelps, đã ở Bắc Kinh và thường xuyên trả lời các câu hỏi của họ. Có phải do bàn chân dài gần 43cm? Đôi tay dài bất thường hay chế độ ăn đặc biệt? "Không", Debbie trả lời. "Đó là do sự chăm chỉ của nó".
2. Simone Biles, thể dục dụng cụ
Thành tựu chính: 7 lần đoạt huy chương Olympic, 4 huy chương vàng Olympic.
Kể từ khi giành được danh hiệu quốc gia đầu tiên của mình vào năm 2013, Biles đã bất bại ở nội dung toàn năng trong cuộc thi cô tham gia, một thành tựu đáng kinh ngạc trong một môn thể thao mà các vận động viên thường giải nghệ ở tuổi thiếu niên.
3. Usain Bolt, điền kinh
Thành tựu chính: 8 lần đoạt huy chương vàng Olympic, kỷ lục thế giới cự ly 100m, vận động viên điền kinh duy nhất giành huy chương vàng Olympic ở cự ly 100m và 200m tại ba kỳ liên tiếp.
Tại bán kết cự ly 100 mét tại Rio 2016, kỳ Thế vận hội thứ tư và cuối cùng của Bolt, anh đã quay lại mỉm cười, gần như chế nhạo 3 người đang bám đuổi dù cuộc đua chưa kết thúc. Đó là một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Bolt. Kỷ lục thế giới của anh năm 2009 ở cự ly 100m (9,58 giây) vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
4. Katie Ledecky, bơi lội
Thành tựu chính: 10 lần đoạt huy chương Olympic, 7 lần giành huy chương vàng Olympic, kỷ lục 21 huy chương vàng vô địch thế giới, kỷ lục thế giới ở cự ly 800m tự do và 1.500m tự do.
Hơn một thập kỷ qua, Ledecky gần như thống trị đường đua xanh thế giới. Vận động viên 27 tuổi này dự kiến sẽ giành huy chương vàng một lần nữa ở Paris, nơi cô là ứng cử viên hàng đầu ở cự ly 400m tự do, 800m tự do và tiếp sức 4x200 mét.
5. Mikaela Shiffrin, trượt tuyết
Thành tựu chính: 3 lần đoạt huy chương Olympic, 2 lần giành huy chương vàng Olympic, kỷ lục 96 chiến thắng tại Cúp Thế giới.
Ngày 11/3/2023, Shiffrin đã chinh phục một kỷ lục mà trong 34 năm đã tiêu tốn không biết bao nhiêu thời gian và sự nghiệp của vô số vận động viên trượt tuyết. Cô đã giành được chiến thắng thứ 87 tại Cúp Thế giới vào ngày đó, vượt qua kỷ lục lâu năm của huyền thoại Thụy Điển Ingemar Stenmark.
6. Allyson Felix, điền kinh
Thành tựu chính: 11 lần đoạt huy chương Olympic, 7 lần giành huy chương vàng Olympic, kỷ lục 18 lần vô địch thế giới.
Nhìn kỹ hơn vào 7 huy chương vàng Olympic của Felix sẽ tiết lộ một khía cạnh khác của sự thành công của cô. Trong một môn thể thao được định nghĩa bởi thành công cá nhân, cô cũng có thể là đồng đội vĩ đại nhất lịch sử. Felix đã giành được 6 trong số 7 huy chương vàng Olympic của mình khi tham gia các cuộc thi tiếp sức.
7. Shelly-Ann Fraser-Pryce, điền kinh
Thành tựu chính: 8 lần đoạt huy chương Olympic, 3 lần giành huy chương vàng Olympic, kỷ lục 5 lần vô địch thế giới cự ly 100 mét.
Một ngày sau chiến thắng của Usain Bolt ở cự ly 100 mét tại Bắc Kinh 2008, Fraser-Pryce trở thành người phụ nữ đầu tiên từ Caribbean giành huy chương vàng Olympic ở nội dung này. Bốn năm sau, cô bảo vệ danh hiệu của mình ở cự ly 100 mét (như Bolt), củng cố thêm danh tiếng của Jamaica như một cường quốc điền kinh.
8. Kohei Uchimura, thể dục dụng cụ
Thành tựu chính: 7 lần đoạt huy chương Olympic, 3 lần giành huy chương vàng Olympic, 6 lần vô địch thế giới toàn năng cá nhân.
Trong suốt 8 năm từ 2009 đến 2016, Uchimura thống trị thể dục dụng cụ nam, bất bại trong các cuộc thi toàn năng, giành hai huy chương vàng Olympic liên tiếp và dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản giành huy chương vàng tại Thế vận hội Rio.
9. Yuzuru Hanyu, trượt băng nghệ thuật
Thành tựu chính: 2 lần giành huy chương vàng Olympic liên tiếp (2014, 2018), 7 huy chương tại Giải vô địch thế giới.
Ở đỉnh cao của mình, Hanyu không chỉ là một vận động viên trượt băng nghệ thuật mà còn là một ngôi sao nhạc rock. Người hâm mộ theo chân Hanyu khắp thế giới, mang theo những món đồ chơi Winnie the Pooh bởi anh thường mang theo hộp khăn giấy Pooh đến các cuộc thi.
10. Aliya Mustafina, thể dục dụng cụ
Thành tích chính: 7 lần giành huy chương Olympic, 2 lần huy chương vàng Olympic, 11 lần vô địch thế giới.
Trước khi Simone Biles nổi lên, Aliya Mustafina của Nga là số 1. Cô bùng nổ khi mới 16 tuổi để giành chức vô địch thế giới năm 2010. Sau đó, cô giành được huy chương vàng Olympic trên xà trong 2 kỳ Olympic liên tiếp 2012 và 2016.
Ngoài 10 cái tên kể trên, danh sách những vận động viên vĩ đại nhất Olympic trong thế kỷ 21 còn có Natalie Coughlin (bơi lội, 3 lần giành huy chương vàng Olympic), Ian Thorpe (bơi lội, 5 lần giành huy chương vàng Olympic), Aly Raisman (thể dục dụng cụ, 3 lần giành huy chương vàng Olympic), Valentina Vezzali (đấu kiếm, 6 lần giành huy chương vàng Olympic), Eliud Kipchoge (marathon, 2 lần giành huy chương vàng Olympic), Jason Kenny (đua xe đạp, 7 lần giành huy chương vàng Olympic)
Vũ Mạnh