A+ A A- Kiểu đọc sách

Thư Trường Sa: Người vẽ bản đồ Việt Nam bằng gốm ở Trường Sa

07:31 06/06/2014
loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên, một tấm bản đồ Việt Nam bằng gốm có kích thước lớn (2,3m x 1,9m, gồm 88 miếng gốm ghép lại, nung trên 1200 độ C) in rõ nét từng địa danh, từng tên đảo, cồn san hô, từng bãi cạn, bãi ngầm… thuộc hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cùng các hòn đảo khác dọc chiều dài lãnh thổ Việt Nam đã được gắn tại Nhà khách Thủ đô, đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

1. Tác giả của tấm bản đồ này không phải ai khác mà chính là tác giả Con đường gốm sứ Thăng Long Hà Nội và Cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam, cùng 6 bức tranh gốm đề cao hình tượng người chiến sỹ hải quân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trên đảo Trường Sa Lớn.

Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy kể: “Là nghệ sĩ tạo hình, tôi rất yêu hình dáng tấm bản đồ Việt Nam cong hình chữ S từng được học từ thủa vỡ lòng, trong những sách địa lý, sách giáo khoa lịch sử, trong thơ, trong nhạc... Nhìn lại chiều dài lịch sử, dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chịu biết bao hy sinh gian khổ để gìn giữ bảo vệ biên cương lãnh thổ, cũng chính là để bảo vệ tấm bản đồ Việt Nam vô cùng quý giá này”.



Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy và các chiến sỹ bên tấm bản đồ Nước CHXHCN Việt Nam bằng gốm đầu tiên ở Trường Sa Lớn. Ảnh: Quang Thắng

Tuy nhiên, ở Trường Sa chỉ có sự bền bỉ của chất liệu gốm sứ mới chịu được mưa nắng ngoài trời, nắng gió biển Đông và bền vững cùng thời gian. Do vậy, dù không dễ dàng, nhưng hoạ sỹ Thu Thuỷ vẫn quyết tâm thực hiện những tấm bản đồ CHXHCN Việt Nam bằng gốm hoành tráng này.  

Từ mẫu Bản đồ Biển đảo Việt Nam của Bộ Tư lệnh Hải quân, ban đầu nữ họa sỹ vẽ bằng bút chì trên giấy, từng đường nét, sau đó chia tỉ lệ bằng những ô vuông và compa đo chính xác từng kinh độ, vĩ độ sao cho chính xác và chuẩn xác nhất.

Rồi tại xưởng gốm Bát Tràng, nữ họa sỹ đã cùng hoạ sỹ Phan Thanh Sơn và nhóm sinh viên trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp chuyển thể từ bản đồ vẽ trên giấy sang tấm đất sét lớn, chia cắt thành các tấm nhỏ theo đường lượn của biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng, đường bờ biển, các đảo và quần đảo.

Hoạ sỹ Thu Thuỷ cho biết: “Chúng tôi phải khéo léo làm sao vừa tuân thủ được độ chính xác, tính khoa học của bản đồ, vừa thể hiện được vẻ đẹp mỹ quan của những tấm gốm ghép lại, thể hiện men màu đúng với độ nông sâu của mực nước biển.”

Sau đó, hoạ sỹ Thu Thuỷ đã dùng kỹ thuật in trên gốm nặng lửa, nắn nót in từng địa danh, từng tên đảo, bán đảo, quần đảo, bãi cạn, bãi ngầm dọc suốt chiều dài 3.260km đường bờ biển Việt Nam. Mỗi lần in gốm vẽ hình đất nước, nữ họa sỹ lại xúc động khi in tên từng đảo chìm đảo nổi trên quần đảo Trường Sa, nơi chị đã từng đến, đồng thời nhớ lại những kỷ niệm in sâu vào ký ức mà suốt cuộc đời chị không thể nào quên.

Khi ghép 88 miếng gốm lại, bản đồ CHXHCN Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng các hòn đảo khác dọc chiều dài lãnh thổ Việt Nam hiện ra rõ nét, chính xác đến từng chi tiết nhỏ. Nữ họa sỹ chia sẻ, dự kiến, tất cả các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa sẽ đều có tấm bản đồ CHXHCN Việt Nam bằng gốm như thế.


Bộ Tư lệnh Hải quân duyệt tấm bản đồ đầu tiên tại Hà Nội

2. Trong quá trình thực hiện những tấm bản đồ Biển đảo Việt Nam bằng gốm này, nữ họa sỹ được các sỹ quan ở Phòng Bản đồ, Bộ tư lệnh Hải quân giúp đỡ rất nhiều.

Qua nhiều lần trao đổi, làm việc, hoạ sỹ đã biết thêm 11 đảo ven bờ có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.

Để kiểm chứng độ chính xác của từng bản đồ, các chi tiết nhỏ cũng được chỉnh sửa nhiều lần mới đạt yêu cầu, khiến họa sỹ gần như thuộc mọi địa điểm, địa danh trên Bản đồ Biển đảo Việt Nam.

Khi tấm bản đồ đầu tiên được phê duyệt, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy  và các Nghệ nhân Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã ra Trường Sa để ghép tấm bản đồ Việt Nam bằng gốm đầu tiên tại Nhà khách Thủ đô (đảo Trường Sa Lớn) trước sự chứng kiến của Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, đảo trưởng Phạm Văn Hòa và đông đảo các thành viên của đoàn công tác Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, đơn vị tài trợ công trình.

Ngoài ra, nữ họa sỹ cũng đến thăm lại các điểm đảo, khảo sát các vị trí phù hợp để gắn các bản đồ còn lại tại 21 hòn đảo với 33 điểm đảo chủ quyền thuộc quần đảo Trường Sa.

Đến đảo Đá Tây C, chị định sẽ đặt bản đồ bên trong bức tường Nhà văn hoá đa năng của đảo, nhưng đảo trưởng Bùi Duy Việt (SN 88- Từng tốt nghiệp sĩ Quan lục quân 1) nói: "Bản đồ phải đặt trên cao, ngoài tầng 3 (tầng cao nhất của đảo) dưới lá cờ Tổ quốc để tất cả mọi người đến thăm đảo được nhìn thấy tấm bản đồ này”.

Nghe vậy, hoạ sỹ Thu Thủy thấy xúc động vì được vị chỉ huy trẻ đánh giá cao tầm quan trọng của tấm bản đồ.

Chị mong muốn: “Tấm Bản đồ Việt Nam bằng gốm sẽ góp thêm tiếng nói khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, để tất cả chúng ta sẽ được lưu giữ những hình ảnh về nó khi thăm các điểm đảo chủ quyền thuộc quần đảo thiêng của Tổ quốc”.

Hoa Chanh
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...