(Thethaovanhoa.vn) - Sau hơn 2 năm thực hiện, phim Dạ cổ hoài lang (kịch bản gốc: Thanh Hoàng, đạo diễn: Nguyễn Quang Dũng) sẽ công chiếu toàn quốc từ ngày 24/3. Nếu nhìn riêng phiên bản phim, Nguyễn Quang Dũng đã chạm được cảm xúc của câu chuyện, tạo nên một tác phẩm khá trọn vẹn. Nhưng 22 năm qua, vở kịch Dạ cổ hoài lang vẫn còn làm mưa làm gió, nên việc so sánh là chuyện dễ hiểu.
1. Với nhiều người dân miền Nam, khoảng 100 năm qua bài ca
Dạ cổ hoài lang (soạn giả: Cao Văn Lầu) đã trở thành một phần tâm tư tình cảm, được chọn để giãi bày trong rất nhiều hoàn cảnh sống và nó đã đi vào vô số tác phẩm nghệ thuật.
Vở kịch Dạ cổ hoài lang (kịch bản: Thanh Hoàng, đạo diễn: Công Ninh) là một cách “hiện thực hóa” lời ca trên sân khấu, ra đời trong bối cảnh Mỹ tuyên bố bỏ hoàn toàn cấm vận Việt Nam và lập cơ quan liên lạc giữa hai nước (ngày 3/2/1994) nên càng được những khán giả từng xa xứ, hoặc có người thân xa xứ chào đón.
Sự thành công của vở này đến từ kịch bản sâu lắng, cấu tứ chặt chẽ và diễn xuất tuyệt vời của những nghệ sĩ hàng đầu của sân khấu kịch như Thành Lộc, Lê Vũ Cầu, Việt Anh, Hữu Châu, Thanh Hoàng… và cả Hoài Linh. Vở diễn có vài bản dựng khác nhau, nhưng điểm chung là thường chỉ có 4-5 diễn viên, hai già hai trẻ, họ nhẩn nha và nhấn nhá với từng dòng cảm xúc lẫn nước mắt của khán giả. Hơn 1.000 suất diễn từ Nam ra Bắc, rồi ở hải ngoại, gần như suất nào cũng có vô số khán giả rơi nước mắt. Chính NSƯT Thành Lộc đã tâm sự rằng khi diễn Dạ cổ hoài lang một thời gian, vì khóc quá nhiều mà mắt gặp vấn đề, phải đeo kính từ đó đến giờ.
Hoài Linh - Chí Tài xuất sắc trong phim “Dạ cổ hoài lang”
Thế mạnh của sân khấu là khá tương đối linh hoạt về thời lượng và mảng miếng, tùy vào cảm xúc của khán giả ở mỗi suất mà có sự nhấn nhá phù hợp. Phim thì ngàn suất như một, nên thật khó để có được sự nhấn nhá giống như kịch, dù diễn xuất của Hoài Linh - Chí Tài trong phim này rất chân thật, sâu lắng, thật khó để tìm một cặp đôi diễn xuất hay hơn.
“Vở kịch đã tồn tại hơn 20 năm, tôi nghĩ nó phải thấm thía, đọng trong lòng người xem thế nào người ta mới chuyển thể thành điện ảnh. Nếu không có Hoài Linh - Chí Tài, bất kỳ ai đóng phim này cũng đều hay” - Chí Tài khiêm nhường chia sẻ.
2.Nguyễn Quang Dũng, rồi Hoài Linh - Chí Tài cũng xác nhận mình rất hâm mộ vở kịch này, nên phim mang dáng dấp hoặc chịu ảnh hưởng kịch cũng là điều dễ hiểu. “Khi đưa lên phim, nhiều người lo lắng phim sẽ làm hỏng kịch, nhiều khán giả khuyên hãy để yên vở kịch sống trên sân khấu của nó nhưng sau khi bộ phim chiếu cho báo chí và giới chuyên môn xem, nhiều người đã nhận định phim vẫn giữ được tấm lòng mà kịch từng gửi gắm” - Nguyễn Quang Dũng nói.
Câu hỏi đặt ra: Với những khán giả chưa từng xem kịch Dạ cổ hoài lang, nay xem phim sẽ thấy thế nào? Chắc là không gặp vấn đề gì, vì tự thân bộ phim đã thể hiện khá trọn vẹn tinh thần mà kịch bản đã gởi gắm.
Câu chuyện đã được kể có ý có tứ, nếu trong kịch chỉ là tâm sự của hai ông già, thì trong phim còn có tâm sự của những người trẻ. Thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba ở nước ngoài nghĩ gì về quê hương, về bản sắc văn hóa Việt cũng được khơi gợi.
Trong quá khứ, Nguyễn Quang Dũng luôn cho thấy sự tìm tòi về mặt hình ảnh, phim này còn có sự đóng góp của Trinh Hoan và Diệp Thế Vinh - hai đạo diễn hình ảnh rất có cá tính. Thế nhưng, điều ngạc nhiên là cách kể của phim lại mang nhiều dấu ấn sân khấu, cách bố cục và cách “chuyển cảnh” trong nhiều phân đoạn cho thấy điều đó. Nếu phim này chọn cách kể đậm chất sân khấu hơn nữa (kiểu phim Nhật), chắc sẽ tạo được ấn tượng mạnh mẽ hơn.
Điều gì là lo lắng?
Đầu tiên, không biết việc nhiều khán giả so sánh phim với kịch có làm ảnh hưởng đến chuyện bán vé? Kế đến, một câu chuyện “thuần miền Nam” có đủ thu hút khán giả những vùng miền khác? Cuối cùng, nếu Nguyễn Quang Dũng và Hoài Linh thành công với phim này thì chẳng có gì bất ngờ, vì phim chỉn chu, sâu lắng, diễn xuất thu hút. Nhưng nếu thất bại, những phim tiếp theo của họ chắc sẽ làm nhiều nhà đầu tư đắn đo, suy nghĩ.
|
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa