loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN nhân vụ việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW đã có những nhận định về lỗ hổng pháp lý và rủi ro mà nhà đầu tư gặp phải, đồng thời đưa ra kiến nghị liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh dù không phải là doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng vụ việc hủy 9 lô trái phiếu của các công ty thành viên của tập đoàn này và việc bắt tạm giam Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng được giới chuyên gia nhận định sẽ có tác động đến nhóm cổ phiếu bất động sản.
* Năm 2021, số trái phiếu không có tài sản đảm bảo là 83 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 18% tổng lượng trái phiếu phát hành. Trong môi trường đầu tư đầy biến động thì điều này rõ ràng cho thấy rủi ro của nhà đầu tư là rất lớn. Hiện nay đã có khuôn khổ pháp lý nào quy định về phát hành các loại trái phiếu không có tài sản đảm bảo chưa và ông có đề xuất gì để hạn chế tình trạng này?
- Hiện nay vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý nào quy định cụ thể về phát hành các loại trái phiếu không có tài sản bảo đảm. Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, loại hình trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định, mà theo quy định về nguyên tắc phát hành và sử dụng trái phiếu tại Điều 5 Nghị định này, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành.
Từ đó có thể thấy rằng Luật Chứng khoán 2019 cùng với Nghị định 153/2020/NĐ-CP hiện vẫn còn nhiều “lỗ hổng” trong quy định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hay tài sản bảo đảm có chất lượng không cao.
Chính vì vậy cần bổ sung, sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP theo một số phương hướng như: Sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.
Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Cũng cần bổ sung quy định về Đại diện người sở hữu trái phiếu để tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, cũng như tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành; cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Tiếp đến, bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, tăng cường quản lý, giám sát đối với các trái phiếu đưa vào giao dịch trên thị trường thứ cấp.
Ngoài ra, cần sửa đổi một số quy định về thời hạn và nội dung công bố thông tin nhằm khắc phục những bất cập thời gian vừa qua, đồng thời tăng tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và việc sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Cùng đó, bổ sung văn bản hướng dẫn thi hành đối với Nghị định 153/2020/NĐ-CP bởi hiện nay mới chỉ có Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
* Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu sai quy định và trái phiếu đã được chuyển nhượng cho nhà đầu tư, sau đó cơ quan quản lý phát hiện và yêu cầu hoàn tiền cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không đủ khả năng tài chính để chi trả thì nhà đầu tư phải đối diện với rủi ro gì, thưa ông?
- Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu kinh doanh thua lỗ, không đủ khả năng tài chính để chi trả thì nhà đầu tư phải đối diện với khả năng không được hoàn tiền mua hoặc tiền đặt cọc (nếu có) là rất lớn. Vì các loại trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán.
Một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao, nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng, do vậy không đảm bảo cho khả năng trả nợ gốc và lãi sau này.
Nhằm mang đến sự tin cậy cho nhà đầu tư, thông thường các doanh nghiệp sẽ thuê ngân hàng hoặc công ty chứng khoán đứng ra phát hành. Nhà đầu tư có thể chưa từng biết tên doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng biết tới ngân hàng, hoặc thấy công ty chứng khoán là "con" của ngân hàng nên cũng tin tưởng mua.
Trên thực tế, các tổ chức trên chỉ là bên cung cấp dịch vụ, hưởng phí, hoa hồng, chứ không chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đánh giá sức khỏe tài chính và khả năng trả nợ. Do đó, toàn bộ trách nhiệm hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn đều thuộc về doanh nghiệp phát hành.
Hơn nữa khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, đối diện với nguy cơ phá sản, khoản thanh toán cho nhà đầu tư trái phiếu không phải là khoản tiền cần ưu tiên thanh toán khi phân chia tài sản.
Điều 54 Luật phá sản 2014 quy định về thứ tự phân chia tài sản theo thứ tự: Chi phí phá sản; khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết; khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có đảm bảo chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
* Xin ông cho biết, doanh nghiệp sẽ đối diện với hình thức xử lý nào khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp công bố thông tin sai sự thật, hoặc che giấu thông tin trong phát hành trái phiếu?
- Căn cứ theo Nghị định 156/2020/NĐ-CPcủa Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; khoản 6 Điều 8 và điểm a khoản 3 Điều 4 sửa đổi bởi điểm c khoản 3 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoáncó chỉ ra các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả, mà cụ thể đối với trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp mà công bố thông tin sai sự thật, hoặc che giấu thông tin trong phát hành trái phiếu.
Theo đó, hình thức xử phạt chính là từ 400 triệu đồng cho đến 500 triệu đồng và tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, doanh nghiệp có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả, mà cụ thể trong vụ việc Tân Hoàng Minh là biện pháp buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 132 Luật Chứng khoán 2019: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Trong trường hợp xét thấy có đủ yếu tố cấu thành Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán quy định tại Điều 209 Bộ Luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì đối tượng vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Mức hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù 5 năm. Đối với pháp nhân, có thể bị phạt tiền lên đến 5 tỷ đồng.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!
Văn Giáp/TTXVN (Thực hiện)
loading...