A+ A A- Kiểu đọc sách

Châu Âu vật vã cứu đồng euro

08:05 28/10/2011
loading...
Sau cuộc “phẫu thuật đau đớn để sống sót” kéo dài gần suốt 10 giờ, khối đồng euro cuối cùng đã thống nhất giảm nợ cho Hi Lạp, huy động 1.000 tỉ euro để ngăn chặn cuộc khủng hoảng lây lan.



Phong trào “Chiếm lấy Frankfurt” trước trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Frankfurt, Đức ngày 27-10 - Ảnh: Reuters

Thị trường thế giới thở phào khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bước ra khỏi phòng hội nghị ở Brussels, Bỉ sáng 27-10 và tuyên bố châu Âu đã đạt được một kế hoạch chống khủng hoảng “đầy tham vọng và đáng tin cậy” để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính của khu vực.

“Tôi tin rằng kết quả này sẽ được đón nhận với sự thở phào của cả thế giới đã chờ đợi những biện pháp mạnh của khối đồng euro” - tổng thống Pháp tuyên bố. Không có được như thế “sẽ có thảm họa xảy ra” - ông Sarkozy nhìn nhận.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, cũng mô tả đây là “những tiến bộ thực chất”.

Kế hoạch chống khủng hoảng

Reuters cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu đã tháo gỡ được nút chặn đối với hệ thống chống đỡ khủng hoảng của châu Âu vốn gây bất ổn cho đồng tiền chung euro từ hai năm qua: xóa một phần nợ của Hi Lạp do các ngân hàng tư nhân của nước này nắm giữ. Thỏa thuận đạt được là giảm 50% nợ cho Hi Lạp, tức 100 tỉ euro trên tổng số nợ công của nước này. Ngoài ra, Athens còn nhận được những khoản vay mới trị giá 100 tỉ euro của châu Âu và IMF từ nay đến năm 2014 trong khuôn khổ một chương trình thay thế chương trình 109 tỉ euro đã được đưa ra vào tháng 7.

“Một kỷ nguyên mới được mở ra cho Hi Lạp” - Thủ tướng Papandreou tuyên bố. Tuy nhiên, người dân Hi Lạp, đang hứng chịu các chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ, tỏ ra thận trọng với những điều khoản khắc nghiệt mới có thể kèm theo. “Tôi không cảm thấy mình được cứu - anh Pantelis Abeloyannis, giáo viên, cho biết - Các ngân hàng chỉ đang trả lại một phần những gì họ đã thu lợi từ chúng tôi”.

Nút chặn Hi Lạp được tháo gỡ đã khiến thị trường chứng khoán châu Á thở phào nhẹ nhõm và tăng lên. Cổ phiếu tại các nước châu Âu như DAX của Đức, CAC 40 của Pháp và Euro STOXX 50 tăng 2,8-3%. “Đây là một bước rất quan trọng và đáng hoan nghênh. Hi vọng nó sẽ là nền tảng cho các nỗ lực lớn hơn để khôi phục tăng trưởng kinh tế thế giới, giảm tình trạng thất nghiệp...” - Guardian dẫn lời chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick bày tỏ. Thỏa thuận này cũng mở đường cho sự tham gia gánh vác trách nhiệm của lĩnh vực tư nhân và ngân hàng đối với khủng hoảng.

Tổng thống Pháp Sarkozy, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde đã phải đích thân can thiệp suốt đêm qua để tìm kiếm một thỏa hiệp với các ngân hàng khi các cuộc thảo thuận đã bị sa lầy. Cuộc thương lượng diễn ra “cực kỳ gay cấn”, như mô tả của thủ tướng Hi Lạp.

Đổi lại sự nhượng bộ của các ngân hàng, châu Âu đã đi đến một thỏa thuận là sẽ huy động vốn cho các ngân hàng. Cụ thể, nhu cầu vốn của các ngân hàng, theo Tổ chức ngân hàng châu Âu (EBA), là 106 tỉ euro. Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng nhu cầu của họ hiện cao hơn con số này. IMF đề nghị con số 200 tỉ euro. Theo Financial Times, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel hứa sẽ tăng gấp 4 hoặc 5 lần nguồn quỹ còn lại của Quỹ cứu trợ tài chính châu Âu (EFSF).

Các nước khối đồng euro cuối cùng quyết định đưa quỹ này lên 1.000 tỉ euro để đủ sức ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ không lây lan sang Ý và Tây Ban Nha. Giới phân tích ước tính EFSF hiện còn hơn 350 tỉ USD sau khi giải cứu hàng loạt quốc gia như Hi Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và các ngân hàng.

Huy động vốn từ các nước BRICS

Các nước khối đồng euro cũng thông qua một cơ chế huy động vốn bằng việc thành lập một quỹ đặc biệt dựa vào IMF để huy động sự đóng góp của các nước đang nổi lên như Trung Quốc và Nga. Vấn đề này xem ra rất nhạy cảm về chính trị và khó có thể nêu ra cụ thể.

Trung Quốc và Nga đã tỏ ra quan tâm đến quỹ này và Tổng thống Pháp Sarkozy cho biết ông sẽ trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào ngày 27-10 về vai trò của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ EFSF. Trong khi đó, Guardian đưa tin lãnh đạo EFSF Klaus Regling đã lên đường thuyết phục các nước thuộc khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) rót tiền vào quỹ này.

Dù thỏa thuận ngày 27-10 đã chặn được đà sụp đổ của đồng euro, song Bộ trưởng tài chính Pháp FranÇois Baroin nhấn mạnh vẫn cần các biện pháp mạnh mẽ hơn từ hội nghị G20 diễn ra vào tuần tới để cứu các nền kinh tế phát triển. Trong khi đó, giới phân tích vẫn đang chờ đợi một kế hoạch chi tiết cho các thỏa thuận vừa đạt được. “Vẫn còn nhiều thắc mắc về việc liệu mỗi phần trong gói thỏa thuận sẽ được tiến hành như thế nào” - chuyên gia kinh tế Malcolm Barr thuộc Tập đoàn J.P. Morgan cho biết.

Theo Tuổi trẻ
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...