A+ A A- Kiểu đọc sách

Các nước 'vật lộn' với đợt nắng nóng kỷ lục do biến đổi khí hậu

12:00 19/07/2022
loading...

Trong những ngày vừa qua, nhiều quốc gia trên khắp thế giới, đặc biệt là châu Âu, đã ghi nhận mức nhiệt độ cao chưa từng thấy. Nắng nóng không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người mà còn khiến cuộc sống của người dân ở các quốc gia này bị đảo lộn, dẫn tới những đám cháy rừng kinh hoàng.

Chính phủ Anh họp khẩn trước đợt nắng nóng kỷ lục

Chính phủ Anh họp khẩn trước đợt nắng nóng kỷ lục

Chính phủ Anh trong ngày 16/7 sẽ tiến hành cuộc họp khẩn cấp bàn về kế hoạch đối phó với đợt nắng nóng kỷ lục được dự báo diễn ra trong tuần sau.

Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu đang khiến cho các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn, với mức độ trầm trọng hơn.

“Quay cuồng” trong nắng nóng   

Nhiều nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Pháp, Anh... đang trải qua nắng nóng thiêu đốt.  Đợt nắng nóng bất thường và kéo dài ở các nước châu Âu đã khiến hàng trăm người tử vong do sốc nhiệt.   

Đất nước Tây Ban Nha đang trong tình trạng báo động về nhiệt độ cao. Số liệu của Viện Y tế Carlos III cho thấy nhiệt độ cao trong ba ngày đầu tiên của đợt nắng nóng mới nhất ở Tây Ban Nha, chính thức bắt đầu hôm 10/7, đã khiến 84 người thiệt mạng. Các vùng như Aragon, Navarra và La Rioja của Tây Ban Nha đã trải qua mức nhiệt cao trong ngày 17/7 với 42 độ C.   

Khoảng một nửa nước Pháp cũng đã phải đưa ra cảnh báo về đợt nắng nóng kinh hoàng với mức nhiệt độ lên đến trên 40 độ C. Chính phủ Pháp đã tăng cường nỗ lực bảo vệ những người lớn tuổi trong các viện dưỡng lão, những người vô gia cư và nhóm dân cư dễ bị tổn thương khác trong đợt nắng nóng gay gắt hiện tại. Trước đó đợt nắng nóng vào năm 2003 đã khiến 15 nghìn người tử vong ở nước này, đa phần là người cao tuổi.   

Chú thích ảnh
Người dân tắm biển tránh nóng ở Collioure, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Bồ Đào Nha ngày 16/7 ghi nhận 659 người tử vong do đợt nắng nóng kéo dài trong suốt 7 ngày qua, hầu hết là người cao tuổi. Riêng ngày 14/7 đã có kỷ lục 440 người tử vong vì nắng nóng. Dữ liệu từ Viện Khí tượng quốc gia ghi nhận Bồ Đào Nha đang phải vật lộn với hạn hán khắc nghiệt, trong đó 96% khu vực đất liền bị hạn hán nghiêm trọng và thời tiết cực đoan vào cuối tháng 6 trước khi đất nước này chứng kiến đợt nắng nóng kéo dài gần đây.   

Tại Italy, nhiệt độ ban ngày trên toàn đất nước, đặc biệt là ở các vùng miền Bắc và miền Nam, đã vượt quá 40 độ C. Italy còn đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua. Một số vùng đã không có mưa từ đầu tháng 4, trong khi dự báo lượng mưa năm nay chỉ bằng một nửa so với mức trung bình hằng năm. Thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp.   

Nhiệt độ ở miền Nam nước Anh cũng lần đầu tiên vượt 40 độ C vào ngày 18/7, khiến một số trường học phải đóng cửa. Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia của Anh đã ban hành cảnh báo "nhiệt độ cực cao" màu đỏ đầu tiên ở một số vùng của nước Anh. Ở cấp độ này, không chỉ những người thuộc nhóm nguy cơ cao mới có thể bị ốm và tử vong do ảnh hưởng của nắng nóng mà cả những người khỏe mạnh cũng có thể gặp nguy hiểm. Các bộ trưởng chính phủ ở Anh đã phải tổ chức cuộc họp khẩn cấp ngày 17/7 sau khi cơ quan khí tượng lần đầu tiên ban hành cảnh báo đỏ về nắng nóng cực độ, nhấn mạnh nắng nóng có thể gây "nguy hiểm đến tính mạng". Trước tình trạng nắng nóng, Thị trưởng London Sadiq Khan khuyên người dân chỉ nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng khi "thực sự cần thiết". Các nhà điều hành tàu lửa quốc gia cũng cảnh báo hành khách tránh đi lại. Hành khách đường sắt cũng được khuyến cáo chỉ đi du lịch nếu thực sự cần thiết.   

Ngoài châu Âu, một số nước khác trên thế giới cũng đang trải qua những ngày nắng nóng. Theo hãng tin AFP, trong những ngày tháng 7, nhiều nơi tại Mỹ đã ghi nhận nhiệt độ trong ngày lên tới hơn 42 độ C. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Á.   

Trung Quốc là một trong những nước đang bị ảnh hưởng lớn do nắng nóng những ngày qua. Nước này dự báo đợt nắng nóng kinh hoàng hiện tại-đã kéo dài hơn 30 ngày và ảnh hưởng đến hơn 900 triệu dân-sẽ còn tiếp tục trong vài tuần tới. Theo Trung tâm Khí hậu quốc gia Trung Quốc, từ ngày 1/6 đến 12/7, số ngày trung bình có nhiệt độ trên 35 độ C ở Trung Quốc là 5,3 ngày, tăng 2,4 ngày so với các năm bình thường và phá vỡ kỷ lục năm 1961.   

Chú thích ảnh
Người dân di chuyển dưới trời nắng nóng tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Nhiều người dân Nam Á cũng đang trải qua những ngày như “địa ngục” khi nhiệt độ trong mùa Hè năm nay liên tục vượt mức 50 độ C tại nhiều thành phố. Năm nay, nắng nóng đến sớm tại nhiều nước Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ và Pakistan-hai trong những quốc gia đông dân nhất thế giới. Ngay từ tháng 3, nắng nóng đã bắt đầu xuất hiện tại hai quốc gia này. Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, nước này đã ghi nhận tháng 3 nóng nhất kể từ năm 1901, với nhiệt độ trung bình toàn quốc ở mức 33,1 độ C. Nhiệt độ tháng 4 và 5 tiếp tục tăng cao, thậm chí vượt ngưỡng 50 độ C tại nhiều địa điểm.   

Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Trong Báo cáo đánh giá lần thứ 6, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, các đợt nắng nóng sẽ diễn ra gay gắt và thường xuyên hơn ở Nam Á trong thế kỷ này. Tần suất xuất hiện các sự kiện cực đoan như sóng nhiệt ở Ấn Độ và Pakistan có khả năng tăng cao gấp 30 lần, theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO).

Hiểm họa cháy rừng   

Hệ quả của những đợt nắng nóng đang diễn ra là những đám cháy rừng quy mô lớn đang bùng phát khắp khu vực châu Âu. Pháp và Tây Ban Nha là hai nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt cháy rừng lần này ở châu Âu.   

Tại Pháp, hai vụ cháy lớn ở phía Tây Nam nước này đã thiêu rụi nhiều cánh rừng thông, buộc hơn 16.200 người phải sơ tán. Hơn 100 km2 đất đã bị thiêu rụi trong hai vụ cháy. Chính phủ Pháp đã ban hành cảnh báo đỏ, mức cao nhất có thể đối với một số khu vực đồng thời thông báo đến người dân "hết sức cảnh giác".   

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hỏa nỗ lực khống chế đám cháy rừng tại Plumas, California, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ở Tây Ban Nha, nhiệt độ lên tới 45,7 độ C khiến cháy rừng bùng phát khắp nơi. Hơn 3.000 người đã phải sơ tán ở vùng gần Costa del Sol do một đám cháy lớn gần thị trấn Mijas; trong khi những người nghỉ mát bên bãi biển Torremolinos hoảng sợ trước những đám khỏi cao vút bốc lên từ các ngọn đồi. Hiện tượng cháy rừng cũng xuất hiện ở nhiều khu vực khác như Castille và Leon ở miền Trung Tây Ban Nha và Galicia ở phía Bắc Tây Ban Nha vào chiều ngày 17/7. Lực lượng cứu hỏa với sự giúp đỡ từ lực lượng quân đội Tây Ban Nha đã cố gắng dập tắt hơn 30 đám cháy rừng trên khắp đất nước trong những ngày qua.   

Bên cạnh Tây Ban Nha và Pháp, nhiều nước như Hungary, Croatia, đảo Crete của Hy Lạp cũng xảy ra nhiều vụ cháy rừng trong tuần vừa qua. Tại Bồ Đào Nha, kể từ ngày 7/7 nhiều đám cháy đã bùng phát tại một số khu vực của Bồ Đào Nha. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 6/2022, 39.550 héc-ta rừng đã bị tàn phá bởi hỏa hoạn, nhiều hơn gấp ba lần diện tích cháy rừng cùng kỳ năm 2021 (theo dữ liệu từ Viện Bảo tồn Thiên nhiên và Rừng).   

Tại Hy Lạp, cơ quan dân phòng đang nỗ lực dập tắt ngọn lửa hoành hành trên đảo Crete ở Địa Trung Hải, trong khi Morocco phải chiến đấu với đám cháy rừng ở vùng núi phía bắc khiến ít nhất một người thiệt mạng và hơn 1.000 hộ gia đình phải sơ tán.

Tác động của sự biến đổi khí hậu     

Theo các chuyên gia nếu con người tiếp xúc với ánh nắng quá lâu trong bối cảnh nhiệt độ cao như vậy sẽ cực kỳ nguy hiểm. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới, nhiệt độ quá cao sẽ gây mệt mỏi cho cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp và tim mạch.        

Nắng nóng, biến đổi khí hậu cũng có khả năng làm tăng nguy cơ bệnh truyền nhiễm. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, khả năng nhiễm chéo có thể ngày càng gia tăng mạnh mẽ khi khí hậu trái đất nóng lên, có thể lây nhiễm hàng nghìn loại virus mới cho con người. Do sự nóng lên toàn cầu buộc các động vật phải di chuyển nơi sinh sống để tìm đồ ăn và nơi có điều kiện thời tiết lạnh hơn. Các tác giả nghiên cứu dự báo, sẽ có ít nhất 15.000 đợt lây truyền virus mới giữa các loài vào năm 2070 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C. Chuyên gia cảnh báo rằng, việc các nước thất bại trong mục tiêu kiềm chế tình trạng biến đổi khí hậu và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ gây ra thảm họa tồi tệ hơn.  

Chú thích ảnh
Nhân viên kiểm tra thân nhiệt học sinh trước khi vào lớp học nhằm phòng dịch COVID-19 tại bang Himachal Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo các nhà khoa học, nếu như trước đây các đợt nắng nóng ở châu Âu thường xảy ra vào tháng 7 và tháng 8 thì năm nay lại xảy ra ngay từ tháng 6. Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, đợt nắng nóng sớm và dữ dội này là dấu hiệu của biến đổi khí hậu hay nói cách khác là sự nóng lên toàn cầu.      

Phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do hoạt động của con người đang làm gia tăng mức độ, cường độ và kéo dài thời gian của mỗi đợt nóng cũng như tần suất lặp lại của những đợt nóng này.       

Thời tiết nóng do biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, làn sóng nhiệt xuất hiện ngày càng sớm mỗi năm chính vì biến đổi khí hậu. Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organisation-WMO) đưa ra cảnh báo về viễn cảnh tương lai. Người phát ngôn Tổ chức Khí tượng Thế giới ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ Clare Nullis cho biết, những gì thế giới đang phải chứng kiến và trải qua hôm nay mới là khúc dạo đầu của tương lai và nếu không có những biện pháp thực sự cụ thể và hiệu quả, thì tình trạng này sẽ còn diễn biến phức tạp hơn nữa, mà con người khó có thể tưởng tượng ra.

Thái độ và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường      

Trước đây giới khoa học từng cảnh báo rằng hiện tượng nắng nóng bất thường sẽ xuất hiện sớm hơn do tình trạng nóng lên toàn cầu. Và bởi vậy, những gì đang diễn ra ở châu Âu và nhiều nước khác chính là lời cảnh báo đối với thái độ và trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ môi trường trên toàn cầu, chứ không riêng gì ở lục địa này.       

Theo các chuyên gia, có nhiều cách để giảm tác động của nắng nóng như sơn trắng mái nhà ở các nước nóng để phản chiếu ánh nắng mặt trời, trồng cây thường xuân trên tường ở các vùng ôn đới, trồng cây lấy bóng mát, xây đài phun nước và nhiều mảng xanh hơn ở các thành phố, thay đổi vật liệu sử dụng cho các tòa nhà… đều được đánh giá có thể hữu ích, và tất cả người dân đều có thể làm được.        

Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ là tạm thời, và phương án tối ưu nhất chỉ có cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới có thể ngăn chặn sự hỗn loạn khí hậu. Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, các đợt nắng nóng đã khiến nhiệt độ Trái đất tăng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp (1850-1870). Khi nhiệt độ trái đất tăng 1,5oC, gần 1 tỷ người sẽ phải thường xuyên đối mặt với những đợt nắng nóng nghiêm trọng; hàng trăm triệu người rơi vào cảnh thiếu nước ngọt do hạn hán; nhiều loài sinh vật sẽ tuyệt chủng. Nếu tăng 2oC, các đảo nhỏ và một số quốc gia ven biển có thể sẽ biến mất do nước biển dâng. Điều này có thể khiến tình trạng biến đổi khí hậu đạt đến mức độ “không thể đảo ngược”.  

Chú thích ảnh
Dọn rác thải sau đợt lũ lụt tại Trooz, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước những con số đáng báo động này, các quốc gia đã nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc COP26 vào tháng 11/2021 sẽ nỗ lực không để nhiệt độ tăng quá 1,5 độ C. Nếu không đạt được mục tiêu này thì những tán cây râm mát hoặc những mái nhà trắng cũng không bảo vệ được khoảng 1 tỉ người phải chịu cái nóng khắc nghiệt.       

Nhiều quốc gia cũng đã chủ động đưa ra kế hoạch cắt giảm lượng khí thải carbon và tập trung phát triển năng lượng xanh.   

Mới đây, trong một bước tiến tích cực nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu, Nghị viện châu Âu (EP) ngày 22/6 đã bỏ phiếu thông qua các biện pháp cải cách thị trường carbon của EU, một phần quan trọng trong kế hoạch khí hậu của EU. Việc cải cách thị trường carbon là một trong những ưu tiên trong chính sách của Ủy ban châu Âu (EC)-cơ quan điều hành của EU, và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Hồi năm ngoái, EC đã thông qua các kế hoạch nhằm tiến tới dừng hoạt động mua bán các phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong. EC đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với các mức ghi nhận được vào năm 1990.   

Tại Đức, một trong những quốc gia cam kết cắt giảm khí phát thải nhà kính về 0 vào năm 2050, mục tiêu chậm nhất đến năm 2025 sẽ sản xuất được 50% điện từ năng lượng tái tạo, còn gọi là năng lượng xanh, không còn xa vời. Ngoài việc khuyến khích phát triển điện gió trên biển, chính phủ Đức đang đẩy mạnh phát triển điện mặt trời. Theo thống kê, hiện tại, điện mặt trời đang giữ vị trí số 1 trong các nguồn năng lượng tại Đức, chiếm 19,2% tổng sản lượng điện.   

Còn ở Trung Đông, dù là một quốc gia sở hữu trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào, Các tiểu vương quốc Arab thống thất (UAE) đã sớm tập trung nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng sạch cho tương lai. Trong Chiến lược năng lượng tới năm 2050, chính phủ UAE đã đưa ra nhiều sáng kiến và chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái sinh nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng. Hiện nay, điện mặt trời là một trong những nguồn năng lượng tái tạo phức hợp đang được triển khai rộng rãi ở UAE nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng, đồng thời phục vụ quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế đất nước.   

Ngoài năng lượng mặt trời, điện gió cũng là nguồn năng lượng được nhiều quốc gia phát triển. Các “trại gió” liên tục được mở rộng tại Tây Ban Nha trong những năm vừa qua đã giúp đưa nước này lên hàng thứ 3 trong số những nước điện gió phát triển nhất thế giới, sau Mỹ và Đức, cung cấp 53% tổng nhu cầu điện lực tại quốc gia này. Tổng sản lượng của các “trại gió” này tương đương 11 nhà máy điện hạt nhân. Vì vậy, ngành sản xuất điện gió đóng góp vào cơ cấu sản lượng điện của Tây Ban Nha hơn bất cứ loại điện nào khác với sự tham gia của 500 công ty tư nhân, trong số đó có 150 công ty chuyên sản xuất thiết bị. Tây Ban Nha luôn tự hào rằng họ có nguồn năng lượng xanh tốt nhất thế giới.   

Hội nghị về khí hậu đang diễn ra tại Berlin (Đức) trong hai ngày 18 và 19/7/2022 đang được kỳ vọng là cơ hội để các quốc gia giàu và nghèo xây dựng lại lòng tin trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2022 (COP27) tại Ai Cập vào tháng 11 tới, sau khi các cuộc thảo luận về kỹ thuật hồi tháng trước đạt được ít tiến triển về những vấn đề quan trọng như viện trợ cho những nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu.   

Trước đó vào tháng 6/2022, hội nghị về biến đổi khí hậu tại Bonn (Đức) đã không có tiến triển thực chất nào. Nguyên do vẫn là bất đồng dai dẳng giữa các nhóm nước phát triển và đang phát triển về việc bên nào sẽ chịu trách nhiệm lớn hơn về giảm khí thải và các nước giàu hỗ trợ tài chính thế nào cho các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.   

Trước những tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra ngày một tăng và sẽ tồi tệ hơn nếu các biện pháp hạn chế phát thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch không được thúc đẩy mạnh mẽ, giới chuyên gia hối thúc, thay vì hứa hẹn, các nước giàu cần thể hiện tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế bằng hành động cụ thể, đồng hành cùng các quốc gia trong cuộc chiến quy mô toàn cầu nhằm bảo vệ hành tinh và tương lai bền vững của nhân loại.

An Ngọc/TTXVN (tổng hợp)

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...