A+ A A- Kiểu đọc sách

Truy tìm kho báu dưới đáy hồ Baikal

10:18 27/06/2009
loading...
(TT&VH) - Cuối tháng 6 này các nhà khoa học Nga đã đưa hai chiếc tàu ngầm trở lại thám hiểm Baikal, địa danh được tôn vinh là “biển Thánh”, trong chương trình nghiên cứu hồ nước ngọt lớn nhất, cổ nhất và sâu nhất trên thế giới. Tuy nhiên báo chí phương Tây và cả trong nước Nga phỏng đoán rằng nó còn phục vụ cho việc tìm kiếm một “kho báu tỷ đô” đang nằm đâu đó dưới đáy hồ.

Cuộc nghiên cứu “biển Thánh"

 Tàu ngầm Mir, phương tiện đặc biệt giúp nghiên cứu Baikal
Chương trình nghiên cứu bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái, trong khuôn khổ một dự án quy mô trị giá 6 triệu USD do Viện Hàn lâm Khoa học Nga tổ chức. Dự án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 chính thức bắt đầu ngày 29/7 và kéo dài đến giữa tháng 9/2008. Trong giai đoạn này các nhà khoa học Nga đã đưa 2 tàu lặn Mir-1 và Mir-2 xuống lòng hồ hơn 50 lần để nghiên cứu tổng thể. Giai đoạn 2 tiến hành trong năm nay với khoảng 100 lần lặn, sẽ thực hiện những nghiên cứu chi tiết hơn.

Phương tiện quan trọng nhất trong dự án nghiên cứu này là các tàu ngầm Mir. Hai con tàu do công ty Rauma Repola của Phần Lan sản xuất theo ý tưởng và thiết kế ban đầu của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và Phòng thiết kế Lazurit. Tàu dài 6,8m, rộng 3,6m, cao 3m, đường kính 2,1m, chứa được 3 người và có các tính năng kỹ thuật cao - lặn xuống độ sâu 6.000m, thời gian lặn dưới nước có thể lên tới 80 giờ, Tàu lặn xuống theo nguyên lý làm đầy nước các thùng phuy và dùng bơm bơm nước ra để nổi lên. Động cơ điện của tàu hoạt động nhờ nguồn ắc quy. Tàu có vận tốc 9km/h. Trên tàu có lắp đèn pha cực mạnh, camera, thiết bị chụp ảnh, máy khoan để lấy mẫu đất đá và nước.

Các nhà khoa học dự kiến sẽ thu thập và nghiên cứu những số liệu liên quan đến độ sâu ở những vị trí khác nhau của hồ Baikal, quá trình kiến tạo địa chất vùng đáy hồ, quá trình hình thành bờ hồ, trữ lượng khoáng sản, mức độ ô nhiễm của hồ, hệ thực vật… Tuy nhiên, trong lúc các nhà khoa học Nga đang lặn xuống để tìm hiểu những khu vực chưa được khám phá của hồ Baikal thì các phương tiện truyền thông phương Tây và cả của Nga đã “ăn ốc nói mò” về khả năng tìm thấy kho vàng của tướng Bạch vệ Kolchak

Vàng của Kolchak có hay không?

Liệu Kolchak có để rơi vàng dưới đáy hồ Baikal?
Theo những câu chuyện đồn thổi trong dân gian thì tướng Bạch vệ Kolchak đã mang theo vàng khi bị Bolshevik truy nã thời nội chiến ở Nga. Có nhiều thông tin bí ẩn quanh số phận những thỏi vàng của Kolchak, ước tính lên tới 1.600 tấn và ngày nay trị giá hàng tỷ USD. Có giả thuyết cho rằng những người lính Bạch vệ thồ vàng qua hồ Baikal đã chết cóng dưới nhiệt độ -60 độ C trong mùa đông cuối năm 1919, đầu năm 1920. Khi mùa xuân tới, băng tan, thi thể họ và những thỏi vàng từ thời Nga hoàng chìm xuống đáy hồ khổng lồ, chiếm 20% lượng nước ngọt toàn cầu. Những người khác thì nói rằng kho báu đã bị thất lạc khi các toa xe lửa chở vàng đi sát hồ Baikal bị tai nạn và lật nhào xuống nước. Được biết, một tàu ngầm sau chuyến thám hiểm đáy hồ ở độ sâu hơn 1.000 m đã phát hiện nhiều bánh xe tàu hỏa sản xuất từ thời nội chiến.

Kolchak là một chỉ huy hải quân và là người thám hiểm vùng cực trước khi lãnh đạo Bạch vệ chống lại Bolshevik. Quân đội của Kolchak đóng ở Siberia từng chiến thắng nhiều trận, nhưng cuối cùng cũng bị Hồng quân đẩy lui. Ông ta bị bắt ở vùng Irkutsk và bị xử bắn tháng 1/1920. Thi thể của ông ta bị ném xuống sông Angara. Mặc dù câu chuyện về kho báu của Kolchak mang nhiều nét hoang đường, song một số trường hợp châu báu bị chìm dưới đáy hồ Baikal đã được sử sách ghi nhận.

Báo Moskovsky Komsomolyets xuất bản tại Moskva năm 2008 trích dẫn lời của nhà thám hiểm và săn tìm kho báu Sergei Nadyozhdin, cho biết: Tháng 12/1866, khi 7 xe ngựa chở một lượng lớn rúp bạc băng qua mặt hồ thì băng vỡ, ba ngựa đi đầu chìm xuống độ sâu vài trăm mét, mang theo 16 kg bạc. Năm 1993 một đoàn tàu chở hàng lăn xuống hồ và yên vị ở đó đến giờ.


Hồ Baikal mênh mông

Năm nay các nhà nghiên cứu ít nói tới khả năng tìm thấy vàng của Kolchak sau khi các cuộc thám hiểm năm ngoái không tìm thấy dấu vết nào và nhiều người đã tỏ vẻ nghi ngờ. Bà Inna Kyrlova, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ hồ Baikal, một trong những cơ quan tài trợ ngân sách cho việc nghiên cứu, thừa nhận các tàu ngầm đang hoạt động tại những khu vực được đồn thổi là có vàng của Kolchak. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh: “Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là hệ thực vật, động vật và địa chất của Baikal (chứ không phải vàng bạc)”.

Sau khi giai đoạn 2 của dự án hoàn tất, với những thông tin khoa học có được trong tay, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu và xây dựng một kế hoạch tổng thể bảo vệ và khai thác hồ Baikal một cách tối ưu nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm ở đây.

Tường Linh
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...