A+ A A- Kiểu đọc sách

Tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh - Kỳ 1: Cảm giác về Sa Huỳnh

11:11 02/12/2012
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Những đồ gốm Sa Huỳnh được làm bởi những bàn tay điêu luyện có sự thống nhất về mẫu mã và một thẩm mỹ vừa đơn giản vừa trang trọng, không thua kém gì người Hy Lạp cổ đại và thực ra là có thời phát triển song song.

1. Nếu xem Bách khoa toàn thư mở Wikipedia về văn hóa Sa Huỳnhcó đoạn giới thiệu:

“Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ người Pháp M. Vinet phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909 khi ông tìm thấy bên đầm An Khê, một đầm nước ngọt ở Sa Huỳnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi một số lượng lớn quan tài bằng chum (khoảng 200 chiếc). Người ta gọi Di tích khảo cổ đó là Kho Chum Sa Huỳnh...

Nền văn hóa Sa Huỳnh đã được các nhà khảo cổ trên thế giới nghiên cứu từ đó đến nay và ngày càng sáng tỏ nhiều điều về đời sống của các tộc người thời tiền sơ sử ở miền Trung Việt Nam. Xuất hiện cách nay khoảng 3.000 năm và kết thúc vào thế kỷ thứ nhất, văn hóa Sa Huỳnh có lẽ đã tồn tại hơn 5.000 năm kéo dài từ thời hậu kỳ đồ đá mới đến đầu thời đại đồ sắt trên địa bàn từ Quảng Bình đến các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên”.

Bình gốm Sa Huỳnh. Hiện vật Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh Nguyễn Anh Tuấn

Và khi chúng ta xem nhiều tài liệu hơn nữa sẽ thấy có một xu hướng coi văn hóa Sa Huỳnh là tiền thân của văn hóa Champa sau này, giống như một thời đại tiền sử được kế tiếp bởi một xã hội có nhà phong kiến với các tiểu vương quốc.

Về mặt cảm giác, tôi không thấy thế, dù tôi chẳng có gì chứng minh được, nhưng không nhìn thấy một mối liên quan nào giữa gốm Sa Huỳnh và gốm Champa trong cái xu hướng tiến triển của hai nền văn hóa đó thông qua thế giới đồ vật.

Người Champa sau nay ở gần như chồng khít với nơi ở của tiền nhân Sa Huỳnh trước đó, nhưng họ có là hậu duệ trực tiếp của người Sa Huỳnh hay không, còn phải minh chứng, ngay cả người Gia Rai và người Ê đê vốn cùng hệ ngôn ngữ Malayo – Polinesia với người Champa, có thể nói chuyện với nhau đến 70%, giữa họ vẫn cứ có những khoảng cách về nhóm và văn hóa. Nhóm này (Tây Nguyên) vẫn duy trì đời sống cộng đồng bộ lạc đến tận đầu thế kỷ 20, nhóm kia (Champa) đã hình thành nhà nước có lẽ ngay từ đầu Công nguyên. 2.000 năm là một khoảng cách dài cho bước đi của mọi sắc tộc.

2. Những mộ chum Sa Huỳnh cho thấy một tín ngưỡng bề thế có chiều sâu về cái chết. Thoạt tiên người ta tưởng rằng người Sa Huỳnh là dân đi biển, chỉ lên bờ khi nào chôn cất người chết trong những mộ chum lớn, nhưng dần dần người ta thấy rằng người Sa Huỳnh cũng là cư dân nông nghiệp, canh tác, trồng lúa và làm gốm cùng nhiều đồ trang sức đẹp.

Vấn đề ở chỗ liệu có phải văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa tiền sử hay bộ lạc như người ta thường nghĩ, biết đâu người Sa Huỳnh cũng là một xã hội phát triển cao đến mức có nhà nước và các giai tầng xã hội, có thương mại nhất định. Những đồ gốm Sa Huỳnh cho thấy một đời sống gia đình hết sức phát triển. Có những chân đèn, đèn gốm trịnh trọng, những chiếc bát tước đựng thức ăn cho một gia đình đông đúc, có những vò đựng nước trang nhã và có những đồ trang sức vòng xuyến, hoa tai điệu đà cho phụ nữ và nam giới. Họ cùng xã hội Phù Nam phía dưới có lẽ có một thời rất thịnh vượng.

Những đồ vật này được làm bởi những bàn tay điêu luyện có sự thống nhất về mẫu mã và một thẩm mỹ vừa đơn giản vừa trang trọng, không thua kém gì người Hy Lạp cổ đại và thực ra là có thời phát triển song song.

Nhiều nền văn minh đã từng sinh ra, đạt đỉnh cao, rồi vì một lý do nào đó mất đi. Một nền văn minh khác ra đời nằm ngay trên mảnh đất màu mỡ có trước, hoặc thừa hưởng, hoặc chối từ, hoặc đẩy cao hơn nữa những thành tựu cũ, bất chấp những khác biệt về chính trị và tôn giáo. Sự kế thừa hay chối từ có thể rất hòa bình, từ tốn hoặc có thể rất gay gắt.

Hoặc có thể người sau chưa từng một lần bới nền nhà của mình lên xem người chủ cũ từng sống thế nào. Vài công nghệ trong dân sinh vẫn tiếp tục khi ngay những dân sinh đó lãng quên nguồn gốc của mình từ lâu.

(Còn nữa)

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...