A+ A A- Kiểu đọc sách

Stylist (Bài 3): Phạm Hoài Nam - Tôi từng đuổi một stylist về...

08:23 24/09/2009
loading...
(TT&VH Cuối tuần) - Là một nhiếp ảnh gia có tiếng là “mát tay” trong giới nghệ sĩ nên Phạm Hoài Nam được không ít các stylist đến đặt hàng. Nói không ngoa, anh là nhà nhiếp ảnh có cơ hội được “cọ xát” nhiều nhất với những stylist ở ta hiện nay.

* Theo anh thì đến lúc này công nghệ giải trí ở ta cần đến stylist ở mức nào?

- Tôi nghĩ là rất cần. Nhưng thực tế với các chuẩn mực của một stylist đúng nghĩa thì đang thiếu. Hơn nữa là thực ra nhiều hay không là cách người ta nhìn. Lắm khi một người vẫn là nhiều.

* Có vẻ như ở ta ai cũng có thể làm stylist?

- Bởi nghề làm phong cách là cá nhân, chỉ cần có phong cách là đã có thể làm được chuyện đấy rồi. Ví dụ như chuyên gia trang điểm sẽ có nhiều trò khi làm make up stylist chẳng hạn. Còn nếu chụp phong cách nội thất thì để kiến trúc sư làm stylist là tốt nhất.


Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam

* Nghe nói nhiều stylist làm việc với anh nhưng tự anh và người mẫu xoay với nhau là chính?

- Rất nhiều! Suốt cả chục năm rồi tôi làm từ đầu đến cuối, các bạn ấy chỉ đem đồ đến thôi. Gần như thế.

* Vậy anh cũng có làm stylist?

- Có chứ! Bởi vì họ làm xong rồi không đúng ý mình. Style của họ có khi chẳng có style gì cả nên thỉnh thoảng tôi vẫn làm stylist.

* Chẳng phải nhiếp ảnh gia phải chịu sự chỉ đạo của các stylist sao?

- Stylist là người song hành với người chụp, có nghĩa cả hai cùng phát triển trên một ý tưởng. Có những stylist làm với cái style của họ nhưng tôi cảm thấy là nếu chụp như thế thì tôi chả chụp làm gì cả, để người khác chụp sướng hơn. Thế thì tôi không làm. Nếu không tôi phải bỏ công ra rất nhiều sửa lại, thêm thắt... Tôi đã từng đuổi stylist như thế về nhà, tức là: Cậu đi xuống, để tôi làm.

* Là người làm việc với khá nhiều stylist, một vài cái tên stylist nào mà anh cho là” ổn” nhất hiện nay?

- Ổn về tất cả mọi mặt thì chỉ có Hương Color. Tốt tất cả mọi mặt, về vật liệu mỹ thuật, kỹ thuật. Tại vì Hương Color có nền tảng rất tốt và là người có  phong cách. Bởi vậy Hương không cần làm gì cả, Hương chỉ cần sống đúng với những cái Hương đang có là đã có style. Hương chỉ cần đưa cái style đó cho người khác sử dụng là xong. Cũng có nhiều người khác nữa có thể làm việc được, ví dụ như Vũ Yoko. Bác ấy không chỉ là làm style mà còn sử dụng hình ảnh rất tốt. Hay như Nam Trung, Công Trí cũng vậy, Công Trí tự làm style cho mình. Từ Phương Thảo là một tổng thể xa hơn, giống như Hương Color, Phương Thảo thì làm style cho một tờ báo, giống như Hương Color không chỉ là stylist mà còn làm giám đốc nghệ thuật, cho nên là họ có cái nhìn tổng thể hơn.

* Thế còn nạn copy của các stylist hiện nay?

- Cho đến giờ này tôi thấy stylist Việt Nam chủ yếu vẫn là copy, chỉ có một vài người như là Long Kan, Hương Color, hay là chị Từ Phương Thảo thì họ có cái style riêng của họ. Hương Color thì hơi Nhật một tí, Từ Phương Thảo thì hơi châu Âu một tí, hơi Pháp một tí nhưng mà họ có style riêng. Còn có những người hầu như không có style gì hết. Nhiều tờ báo giở ra tôi cười khành khạch, vì nó giống y chang tờ báo khác, từ bố cục đến họa tiết. Thực ra thì cái chuyện copy theo tôi vẫn bình thường. Nó giống như là những bài tập đầu tiên của người đánh đàn ấy, thì mình vẫn phải đánh những cái của Beethoven, của Mozart đã, xong thì mình phát triển tiếp, tức là đây coi như bài tập rồi sẽ đến lúc họ sẽ có những cái style riêng. Nhưng để có cái style đó họ sẽ có một việc nữa là họ phải nghĩ nhiều, cái đầu phải hoạt động. Chứ nếu mà cứ chỉ copy không thì...

Cánh Cung (thực hiện)
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...