A+ A A- Kiểu đọc sách

Nhà văn Thái Thành Đức Phổ mượn chuyện rượu nói chuyện người

10:49 13/03/2012
loading...


(TT&VH) - NXB Văn học và Nhà sách Thành Nghĩa vừa ấn hành thiên phóng sự Lưu linh liệt truyện của Thái Thành Đức Phổ. Như tên gọi, cuốn sách dày 300 trang này quanh đi quẩn lại chỉ bàn chuyện rượu và người uống rượu.

Lưu Linh liệt truyện xuất hiện khá nhiều tao nhân mặc khách trong làng văn Việt Nam từ xưa đến nay. Tất nhiên, sự xuất hiện của họ đều gắn với chuyện uống rượu. Những câu chuyện từ giai thoại đến tận mắt thấy tai nghe đều được Thái Thành Đức Phổ đưa vào Lưu linh liệt truyện. Có thể nói, đây là cuốn sách khi đọc sẽ cười và khi ngẫm lại sẽ thấy chạnh lòng vì tuy là nói chuyện uống rượu của các “đệ tử Lưu Linh” nhưng lại chính là chuyện về thân phận con người. TT&VH có cuộc trò chuyện với tác giả.

Lưu Linh ngoài rượu còn là nhà thơ lớn

* "Ăn nhậu" trong Lưu linh liệt truyện là chuyện ăn nhậu của những người "có văn hóa". Tuy nhiên, trong mắt người đời, "thằng say nào cũng như thằng say đó". Ông viết cuốn sách này để "minh oan" cho những người uống rượu đàng hoàng?

- Đúng là “trong mắt người đời, thằng say nào cũng giống thằng say nào”, song quyển sách của tôi không phải là “con mắt của người đời” mà là con mắt của tôi, cũng không phải kể về mấy ông say rượu mà kể về các đệ tử Lưu Linh. Tôi không trách người đời mỗi khi nhắc đến Lưu Linh liền nghĩ ngay đến người say rượu, vì họ cố tình quên hoặc không nhớ, ngoài uống rượu, Lưu Linh còn cả một sự nghiệp văn chương cũng đồ sộ không kém so với nhóm Trúc lâm thất hiền.

Tôi viết quyển sách này không nhằm minh oan cho ai cả, nhất là cho “những người uống rượu đàng hoàng”. Những người uống rượu đàng hoàng và những người đàng hoàng uống rượu  kết cuộc cũng chẳng có gì khác nhau nếu họ không biết tự kềm chế. Tôi nghĩ những người say khi tỉnh rượu thường rất buồn, thậm chí có người còn rất ân hận khi nhớ lại cách hành xử của mình vào tối hôm trước nên không nỡ bồi cho họ một đòn nữa làm gì. Đó là lý do vì sao tôi chỉ toàn viết những chuyện vui về những người được cho là đệ tử của Lưu Linh.

* Trong sách kể ra khá nhiều tên tuổi văn nhân kẻ sĩ, trong số này theo ông ai là người "hay rượu" nhất, vì sao?

- Đây là câu khó trả lời nhất vì những văn nhân kẻ sĩ mà tôi có dịp được ngồi chung chiếu rượu mỗi khi “tửu đàm” đều mỗi người mỗi vẻ, không có người nào thật hoàn toàn để phong cho họ danh hiệu “hay rượu” nhất được. Có người hỏi một nhà văn là trong năm quyển tiểu thuyết mới xuất bản gần đây, ông cho quyển nào là hay nhất. Ông nhà văn này cho biết là rất khó chọn, vì nếu hỏi một quyển thì ông trả lời được ngay, đó là quyển tiểu thuyết của ông, còn năm quyển thì… bó tay.

Không sợ các nhà thơ nổi giận

* Có những đoạn ông viết chuyện rượu của các nhà thơ, đọc rất hài hước, ông không ngại các nhà thơ "giàu tự ái" giận ông à?

- Tôi chỉ sợ quyển sách của mình không ai chịu đọc chứ còn có người đọc xong lại còn giận dữ, thậm chí cả chửi mắng thì chẳng có gì đáng lo ngại. Tôi có đọc được ở đâu đó một câu rất hay: “Nơi nào có ba người họp lại nói về ta thì nơi ấy chính ta là linh hồn của họ”. Người ta nói về mình thế nào không quan trọng, điều quan trọng là người ta có nói về mình. Khi nào không ai nhắc đến anh nữa, lúc ấy có khác gì anh đã biến mất khỏi thế giới này.

Tôi không ngại các nhà thơ “giàu tự ái” giận mà chỉ ngại các nhà thơ “ít tự ái hoặc không tự ái” giận mà thôi. Nhưng nói cho cùng, nỗi lo sợ của tôi là vô ích vì có nhà thơ nào mà không giàu lòng tự ái đâu.

* Để viết được chuyện rượu bằng bút lực "giàu kinh nghiệm" như vậy, hẳn ông phải thường xuyên "bù khú" với bạn bè. Xin hỏi bà xã nhà ông có "ý kiến ý cò" gì khi ông "say ngà ngà”?

- Vũ Trọng Phụng viết phóng sự Lục xì hoặc Cơm thầy cơm cô nhưng ông chẳng đi ở đợ ngày nào. Ông cũng chẳng phải dân nghiện hút vì ông nghèo, làm gì có tiền để ôm bàn đèn. Tôi cũng thế. Tôi đã viết rõ trong quyển sách là mình “vừa ngu vừa không có tiền”, làm gì mà thường xuyên “bù khú” với bạn bè được. Còn cái bút lực “giàu kinh nghiệm”, chẳng qua là tôi ghi nhớ được mỗi khi có bạn bè rủ đi “bù khú” mà thôi.

Bà xã tôi không bao giờ có “ý kiến ý cò” gì mỗi khi tôi “say ngà ngà” vì một lý do hết sức đơn giản: bà ý kiến khi ông chồng mắt đã hoa, tai đã ù - tức là không biết ai đang nói và nói về cái gì - thì tốt nhất là… im lặng. Người Pháp có câu “im lặng là vàng”, đúng là… tài thật.

Hoàng Nhân (thực hiện)

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...