A+ A A- Kiểu đọc sách

Hai nhà khoa học Việt Nam nằm trong danh sách 100 nhà khoa học châu Á 2018

08:38 05/04/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Tạp chí AsianScientist (Singapore) vừa công bố danh sách 100 nhà khoa học học hàng đầu châu Á năm 2018. Việt Nam có 2 đại diện được bầu chọn vào danh sách này là GS. TS Phan Thanh Sơn Nam, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM) và PGS. TS Nguyễn Sum, Trường ĐH Quy Nhơn.

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam được Tạp chí Asian Scientist đưa vào mục các nhà khoa học thuộc lĩnh vực hóa học. Còn PGS.TS Nguyễn Sum được vinh danh ở lĩnh vực toán học. Cả hai nhà khoa học này được bình chọn dựa vào thành tích cùng nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017. Đây là giải thưởng khoa học duy nhất ở Việt Nam do chính các nhà khoa học bầu chọn nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

GS. TS Phan Thanh Sơn Nam - Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2014

GS. TS Phan Thanh Sơn Nam là tác giả chính của một công trình trên Tạp chí Journal of Catalysis, nghiên cứu sử dụng vật liệu Cu-MOFs làm xúc tác cho phản ứng điều chế các hợp chất họ propargylamine theo con đường hoạt hóa trực tiếp liên kết C-H. Đặc biệt, công trình đã phát hiện ra một chuyển hóa của N-methilaniline chưa từng được công bố. Các hợp chất chứa cấu trúc propargylamine có nhiều ứng dụng quan trọng trong lĩnh vực hóa dược, hóa chất nông nghiệp, vật liệu chức năng.

Hướng nghiên cứu này còn được mở rộng ra cho một số phản ứng ghép đôi khác cũng diễn ra theo con đường hoạt hóa trực tiếp liên kết C-H trong điều kiện sử dụng xúc tác MOFs.

Chú thích ảnh
GS TS Phan Thanh Sơn Nam trong danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á. Ảnh chụp màn hình. Nguồn: vnexpress.net

Công trình khoa học này được thực hiện ở Việt Nam bởi 5 tác giả là người Việt Nam. Bài báo khoa học làm nên giải thưởng được các nhà chuyên môn trên thế giới rất quan tâm: bài báo đã được trích dẫn 21 lần.

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam sinh năm 1977, tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật hóa học - hóa hữu cơ tại Trường Đại học Bách khoa năm 1999; bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật hóa hữu cơ tại Đại học Sheffield (Vương quốc Anh) năm 2004. Sau đó, hoàn tất khóa học thực tập sinh sau tiến sĩ tại Viện công nghệ Georgia (Hoa Kỳ) năm 2006.

Hiện GS.TS Sơn Nam là Trưởng Khoa Kỹ thuật hóa học tại Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, là giáo sư trẻ nhất năm 2014 khi mới 36 tuổi.

Bên cạnh những thành tích về học thuật, GS.TS Sơn Nam còn nhận được rất nhiều danh hiệu với tư cách là một giảng viên trẻ: Bằng khen của Đại học quốc gia TPHCM cho Giảng viên đạt thành tích công bố khoa học xuất sắc năm học 2007-2008; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho giảng viên hướng dẫn sinh viên đoạt giải nhất giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc-2008”, giải nhất VIFOTEC sinh viên 2008, 2009...

GS.TS Nguyễn Sum và công trình khoa học đặc biệt xuất sắc

GS.TS Nguyễn Sum được trao giải thưởng vì một bài báo dài 57 trang được công bố năm 2015 trên một trong những tạp chí toán học hàng đầu trên thế giới. Đây là một công trình khoa học đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực tô pô đại số, giải quyết được một trường hợp đặc biệt (k=4) của giả thuyết “hit” do nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây 30 năm. Đây là một bước tiến mới trong việc giải quyết giả thuyết Peterson kể từ năm 1990.

Chú thích ảnh
PGS TS Nguyễn Sum trong danh sách do tạp chí uy tín của Singapor bình chọn. Ảnh chụp màn hình. Nguồn: vnexpress.net

PGS.TS Nguyễn Sum sinh năm 1961, hiện là giảng viên khoa Toán, Đại học Quy Nhơn; từng giữ chức Trưởng khoa Toán, Trưởng phòng Đào tạo, Phó Hiệu trưởng trường này.

PGS.TS Nguyễn Sum đã chủ trì và tham gia với tư cách nghiên cứu viên của 11 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; là tác giả và đồng tác giả của 24 bài báo, trong đó có 15 bài trên các tạp chí quốc tế uy tín. PGS.TS Nguyễn Sum từng nhận được bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 1997; giải thưởng Công trình toán học năm 2013, 2015 và 2016; giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017.

Tạp chí Asian Scientist

Asian Scientist là một tạp chí của Singapore ra đời bản online từ năm 2011. Bản in chính thức được xuất bản từ năm 2014. Đây là năm thứ 3 tạp chí này công bố danh sách các nhà khoa học hàng đầu khu vực với những nghiên cứu, đổi mới và có đóng góp đáng kể ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tiêu chí lựa chọn các nhà khoa học để đưa vào danh sách 100 nhà khoa học châu Á của Asian Scientist là các nhà khoa học được chọn phải được trao các giải thưởng về khoa học trong năm được bình chọn.

Trước đó, năm 2016, Việt Nam có hai nhà khoa học nữ được lọt vào bảng xếp hạng này là TS Trần Liên Hà Phương (Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) và TS Đặng Thị Oanh (Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Thái Nguyên). Năm 2017, PGS Lê Thị Kim Phụng (Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) cũng được lọt tốp này ở lĩnh vực khoa học nông nghiệp.

Giáo sư Nguyễn Xiển - Nhà khoa học khí tượng hàng đầu Việt Nam

Giáo sư Nguyễn Xiển - Nhà khoa học khí tượng hàng đầu Việt Nam

Giáo sư Nguyễn Xiển, nhà khoa học khí tượng hàng đầu ở Việt Nam, kiến trúc sư của ngành khí tượng cách mạng Việt Nam, đã để lại cho ngành khí tượng thủy văn nhiều công trình khoa học giá trị.

Hồng Anh (tổng hợp)

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...