loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Gợi ý chuẩn bị mâm cúng và văn khấn ông Công ông Táo 23 tháng Chạp đầy đủ nhất.
Văn khấn ông Công ông Táo ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn đến các vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ đã phù trợ cho gia đình trong suốt một năm đã qua cúng ông Công ông Táo còn là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt.
Lễ vật và mâm cúng ông Công ông Táo
Lễ vật cúng Táo quân truyền thống gồm có: mũ ông Công gồm hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công ông Táo thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Những đồ mã này sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.
Với các gia đình cúng chay thuần khiết, mâm cỗ cúng có thể gồm các món canh thập cẩm rau củ hoặc cay măng chay, nem rau củ, đậu phụ sốt nấm cay Tứ Xuyên, giò chay, chả chay, chạo nấm, xôi, chè, nộm, xào thập cẩm rau củ.
Đơn giản hơn nữa có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng chay theo trường phái trí tuệ. Theo đó, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo chỉ gồm: 1 mâm ngũ quả, 3 bát chè, 1 đĩa xôi, hoa tươi, nước, nến đỏ và 3 “ông” cá chép sống. Những người theo trường phái này không dâng cúng và đốt mũ, tiền vàng và cá chép giấy. Khi thắp hương xong, gia chủ sẽ mang cá thả ra sông.
Nếu bạn là một Phật tử cần chú ý đến các lễ vật dâng cúng ngày tiễn ông Công ông Táo cũng như tổ tiên nên là những lễ vật thanh tịnh. Không chỉ là hương, hoa, trà, quả thực, lễ vật quan trọng nhất chúng ta cần dâng lên là hương của tâm: hương niệm, hương định, hương tuệ, hương giải thoát và hương giải thoát tri kiến hương.
Với các gia đình muốn cúng mặn, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo bao gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, gà luộc hoặc 1 khổ thịt vai gáy luộc, 1 bát canh, 1 đĩa xào, 1 đĩa giò, 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống), 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa, 1 tập giấy tiền, vàng mã.
Văn khấn ông Công ông Táo
Bài cúng ông Công ông Táo theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam
Xin giới thiệu tới quý vị bài cúng ông Công ông Táo (văn khấn ông Công ông Táo) theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin để tham khảo:
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: …
Ngụ tại: …
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Văn khấn ông Công ông Táo được lưu truyền trong dân gian
Nam mô a di đà Phật! (3 lần)
Kính lạy Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân!
Tín chủ con là:.............
Ngụ tại:.............
Nhằm ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén Tâm Hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, Ngài là vị chủ, Ngũ Tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo Quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn Thần, gia ân châm chước. Ban lộc, ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
Dãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
Nam mô a di đà Phật! (3 lần)
Tục cúng ông Công ông Táo ở ba miền Bắc-Trung-Nam
Theo truyền thống của người Việt, vào ngày cúng ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong gia đình nhà chủ với Ngọc Hoàng, mọi người thường dọn dẹp nhà, bếp sạch sẽ, làm một mâm cơm để tiễn ông Công ông Táo về trời.
Ngoài những điểm tương đồng này, thì tuỳ theo phong tục vùng miền mà nghi lễ cúng ông Công, ông Táo giữa 3 miền Bắc-Trung-Nam có sự khác biệt nhất định, nhưng nhìn chung là đều thể hiện tấm lòng thành kính của gia chủ đối với vị thần cai quản việc phúc đức trong nhà.
- Tại miền Bắc:
Người miền Bắc thường cúng ông Công ông Táo từ khá sớm, các gia đình phần lớn đều chuẩn bị mâm cỗ làm lễ từ khoảng 20 tháng Chạp và muộn nhất là vào trưa ngày 23. Sở dĩ không nhiều nơi làm lễ cúng sau khoảng thời gian này là vì có quan niệm rằng kể từ 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, các Táo phải về thiên đình làm lễ chầu với Ngọc Hoàng nên không còn ở dương gian để nhận lễ được.
Nét đặc trưng văn hoá khác biệt nhất của miền Bắc đối với 2 miền còn lại là đại đa số các gia đình thường dùng cá chép để làm đồ cúng lễ. Tuỳ theo từng địa phương nói chung và gia đình nói riêng mà đó có thể là cá chép sống, hoặc cá chép giấy với số lượng khác nhau. Cá chép còn sống được đặt cạnh mâm lễ vật, sau khi xong lễ thì được đem thả phóng sinh ở ao hồ, sông suối gần nhà với ý nghĩa cá chép hoá rồng, làm phương tiện đưa các Táo trở về thiên đình. Bên cạnh đó, việc phóng sinh cá chép vào ngày này còn thể hiện tấm lòng nhân hậu, đức độ và thiện lương của gia chủ.
Ngoài ra, trong mâm cúng ông Công ông Táo của người miền Bắc còn không thể thiếu bộ áo mũ các Táo. Và mâm cỗ cúng thường là những món truyền thống như xôi, gà, giò, nem, canh măng…; cũng có thể là mâm cỗ chay với các món xôi, chè…
- Tại miền Trung:
Tục cúng ông Công ông Táo của người miền Trung thường được cho là cầu kỳ nhất trong 3 miền. Không cúng áo mũ vàng mã cho các Táo như miền Bắc, người miền Trung thường dâng lên một con ngựa bằng giấy, có yên cương đầy đủ, đốt vàng mã và dâng cúng nhiều lễ vật.
Công việc đầu tiên mà người miền Trung làm trong nghi lễ cúng ông Táo chính là thay mới bên trong lư hương và lau dọn bàn thờ ông Táo sạch sẽ, chuẩn bị tươm tất cho lễ cúng diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp. Sau khi cúng xong, gia chủ sẽ tiến hành tiễn tượng 3 Táo quân cũ bằng đất nung khỏi bàn thờ và đưa tới các am miếu ở đầu xóm hoặc ở dưới các gốc cây cổ thụ ngã ba đường. Tiếp đến là rước tượng 3 Táo quân mới đặt lại lên bàn thờ để bắt đầu năm mới.
Người dân Huế còn có tục dựng cây nêu trước sân nhà hay sân đình trong sáng ngày 23. Lễ cúng chiều 30 Tết, họ lại rước thần về và sáng mồng 1 Tết an vị ông Táo mới.
- Tại miền Nam:
Theo phong tục của người miền Nam xưa thì có nhiều điều khác biệt so với cách cúng ngày nay. Các gia đình thường cúng Táo quân vào buổi đêm, trong khoảng thời gian từ 20 giờ đến 23 giờ ngày 23 tháng Chạp. Bởi quan niệm rằng, lễ cúng ông Táo chỉ được thực hiện vào cuối ngày, khi cả gia đình đã dùng xong bữa tối, không phải dùng đến bếp núc để nấu nướng nhằm tránh làm phiền đến các Táo thì nghi lễ tiễn Táo về chầu trời mới có hiệu quả.
Tuy nhiên, do có sự giao thoa văn hoá nên thời gian cúng và mâm cỗ cúng ông Táo của người miền Nam ít nhiều có sự thay đổi. Mọi nhà làm lễ tiễn ông Táo từ sáng sớm tại khu vực đặt bếp nấu, với mâm lễ tuỳ điều kiện nhưng không thể thiếu những chén chè trôi nước, đĩa kẹo được làm từ mè đen và đậu phộng, nhang đèn, 3 chung nước nhỏ và đặc biệt là bộ "cò bay, ngựa chạy".
"Cò bay, ngựa chạy" là hình giấy hình con cò và con ngựa (khác với miền Bắc là sử dụng khung tre) dùng để hoá thật sau khi xong lễ với mong muốn Táo về chầu trời nhanh hơn. Bên cạnh đó, gia chủ còn sắm 3 bộ quần áo mới bằng giấy cho 3 vị Táo.
Cúng ông Công ông Táo năm nay giờ nào, ngày nào để năm mới nhiều may mắn?
Nếu tiến hành cúng ông Công ông Táo vào Giờ Ngọ ngày 21 tháng Chạp, hứa hẹn năm mới gặp nhiều niềm vui, may mắn...
Xem tiếp TẠI ĐÂY
|
Bảo Anh (tổng hợp)
loading...