loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Hầu hết các công ty chứng khoán cho rằng, với bối cảnh các thông tin vĩ mô hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tiếp tục diễn diễn "lình xình", nhưng nhà đầu tư ngắn và dài hạn vẫn có thể tìm thấy nhiều cơ hội đầu tư.
Nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán tuần tới (từ 28/2 - 4/3), chuyên gia từ công ty chứng khoán cho rằng, xu hướng tăng của thị trường có đôi chút bị ảnh hưởng nhưng vẫn chưa đáng lo ngại.
Tận dụng giai đoạn lình xình
Các nhà phân tích từ Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, dù VN-Index đã chính thức vượt khỏi mốc 1.500 điểm, nhưng chủ yếu nhờ lực kéo của các cổ phiếu vốn hóa lớn và đà tăng chưa có sự lan tỏa đồng đều trên toàn thị trường.
Theo đó, VCBS tiếp tục kỳ vọng VN-Index sẽ dao động tích lũy trong vùng 1.480 - 1.510 điểm trong một vài tuần tới và có thể kèm theo đó là xu hướng tăng, giảm phân hóa rõ nét hơn trong nhóm vốn hóa lớn.
Do vậy, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội "lướt sóng" ở các cổ phiếu đang bước vào nhịp tăng nóng trong tuần vừa qua thuộc các nhóm ngành được hưởng lợi từ căng thẳng Nga - Ukraine.
Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tận dụng giai đoạn lình xình trên thị trường ở thời điểm hiện tại để tích lũy thêm các cổ phiếu mục tiêu. Dù vậy, nhà đầu tư nên hạn chế gia tăng margin và giữ lại một phần sức mua nhằm sẵn sàng giải ngân theo chiều lên nếu thị trường xuất hiện tín hiệu bứt phá trong tuần tới.
VCBS nhận định, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế đang có những biến động mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam là điều không thể tránh khỏi.
Dù vậy, VCBS vẫn nhìn nhận triển vọng trung - dài hạn của thị trường Việt Nam là tích cực, dựa trên cơ sở mức độ tăng trưởng kinh tế dần hồi phục theo lộ trình "mở cửa" của Chính phủ và việc phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục là tâm điểm của thị trường trong tuần qua. Hai bên đã có 2 lần hội đàm với nhau, nhưng hiện tại vẫn chưa thể đạt được một thỏa thuận thực sự nào nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Điều này khiến cho giá cả các loại hàng hóa trên thế giới tiếp tục có tuần tăng giá. Bên cạnh đó, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã có phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ và tán thành với đề xuất chỉ tăng lãi suất 0,25% trong tháng 3 này. Đây là thông tin đã hỗ trợ phần nào đó cho thị trường.
Thực tế, từ sau Tết đến nay, VN-Index đã trải qua 4 tuần giao dịch liên tiếp chủ yếu chỉ giằng co và đi ngang với biên độ trong khoảng 1.470 - 1.520 điểm. Điều này một phần cũng do tình hình chính trị trên thế giới hiện tại đang khá bất ổn với căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Đây sẽ tiếp tục là câu chuyện được kể nhiều nhất trên thị trường trong tuần tới, SHS nhận định.
SHS cho rằng, hiện tại đang có những yếu tố không lường trước được ảnh hưởng đến thị trường, những tin tức này có thể làm thay đổi xu hướng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên nếu không có gì bất ngờ diễn ra thì trong tuần giao dịch tiếp theo, từ 7-11/3, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 1.470-1.520 điểm để chờ cơ hội bứt phá trở lại.
Nhà đầu tư đã tham gia mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại để hướng đến vùng kháng cự 1.530 - 1.550 điểm.
Cũng có nhận định thận trọng, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, chỉ số VN-Index vẫn trong xu thế đi ngang khi một lần nữa lùi lại từ vùng kháng cự 1.512 điểm. Chỉ số VN-Index cần phải vượt qua vùng này với khối lượng giao dịch duy trì trên đường trung bình 50 ngày để củng cố cho khả năng tiếp tục đi lên vùng kháng cự tiếp theo nằm tại 1.537 điểm.
Về diễn biến thị trường, phần lớn các thị trường tài chính đều tăng hoặc giảm nhẹ trong tuần qua và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Cụ thể kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.505,33 điểm, tương ứng tăng 6,44 điểm so với tuần trước đó. HNX-Index tăng 10,43 điểm lên 450,59 điểm. UPCoM-Index tăng 0,63 điểm lên 113,29 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh xấp xỉ so với tuần trước đó và đã là tuần thứ 6 liên tiếp thấp hơn mức trung bình, cho thấy nhà đầu tư vẫn đang có sự thận trọng nhất định.
Giao dịch của khối ngoại diễn ra vẫn theo chiều hướng xấu khi bán ròng 13,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng 713 tỷ đồng.
Theo thống kê từ SHS, cổ phiếu nguyên vật liệu dẫn đầu đà tăng với 8% giá trị vốn hóa, với các đại diện tiêu biểu từ nhóm thép như: HPG tăng 8,5%, TLH tăng 11,2%, HSG tăng 13,8%, NKG tăng 18%...; ngành hóa chất như: DGC tăng 9,8%, DPM tăng 11,9%, DCM tăng 16,5%...
Các cổ phiếu dầu khí tuy vẫn giữ được xu hướng tăng nhưng mức tăng đã bị thu hẹp đáng kể về cuối tuần, khi mà giá dầu cũng đang có sự thoái trào nhất định, có thể kể đến: GAS tăng 0,7%, BSR tăng 1,1%, PVD tăng 2,6%, PVB tăng 5,2%, PVS tăng 6,8%, PVT tăng 12,8%...
Gây thất vọng nhất có lẽ là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi giảm 1,8% giá trị vốn hóa, phần lớn các mã trong nhóm này đều đi xuống như: ACB giảm 0,1%, VCB giảm 0,2%, VPB giảm 0,3%, TCB giảm 1,5%, SHB giảm 2,1%, BID giảm 2,8%, CTG 3,2%, MBB giảm 3,5%...
Chứng khoán toàn cầu lao đao
Diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá tích cực nếu so với các thị trường chứng khoán trên thế giới, trong bối cảnh giới đầu tư tập trung vào căng thẳng Nga-Ukraine.
Căng thẳng Nga-Ukraine đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu "lao đao", đồng thời làm dấy lên lo ngại rằng sự phục hồi trên toàn cầu sau dịch COVID-19 sẽ bị "trật bánh".
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên 4/3, với cả ba chỉ số chính trên Phố Wall đều kết thúc tuần vừa qua trong sắc đỏ, khi giới đầu tư đang tập trung vào căng thẳng Nga-Ukraine.
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hay 0,5%, xuống 33.614,80 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 34,62 điểm xuống 4.328,87 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq để mất 1,7% xuống 13.313,44 điểm.
Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm 1,3%, còn chỉ số Nasdaq giảm 2,8%. Chỉ số Dow Jones đã giảm bốn tuần liên tiếp, trong khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều giảm ba trong bốn tuần qua, theo số liệu của Dow Jones Market Data.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán đi xuống trong phiên ngày 4/3 do thông tin nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đặt tại Ukraine đã bị bốc cháy khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn, đồng thời làm dấy lên lo ngại về chiến sự tại Ukraine.
Mặc dù các nhà chức trách Ukraine cho biết tình hình đã được đảm bảo và ngọn lửa đã được dập tắt, song các nhà giao dịch vẫn trong tình trạng bấp bênh.
Chứng khoán Tokyo và chứng khoán Hong Kong dẫn đầu đà giảm tại khu vực châu Á. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 của Tokyo giảm 2,2 % xuống 25.985,47 điểm và chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2,8% xuống 21.848,94 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 1% xuống 3.447,65 điểm. Chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Mumbai, Đài Bắc, Manila, Bangkok và Wellington cũng hòa chung xu hướng giảm.
Văn Giáp/TTXVN
loading...