loading...
Thị trường chứng khoán tăng mạnh ngay khi mở cửa phiên sáng, thậm chí VN-Index tăng hơn 30 điểm chỉ sau ít phút giao dịch. Dù sau đó đà tăng bị thu hẹp, nhưng chỉ số VN-Index vẫn giữ được sắc xanh cho đến cuối phiên sáng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sau 4 phiên hồi phục (từ 26 -29/4) liên tiếp thì đã giảm mạnh sau kỳ nghỉ lễ dài. Tâm lý tiêu cực vẫn đè nặng lên thị trường, thanh khoản cũng ở mức thấp và không có dấu hiệu cải thiện so với trước kỳ nghỉ lễ.
Tuy nhiên đến phiên chiều, thị trường diễn biến tiêu cực và VN-Index đã đảo chiều giảm sâu. Chốt phiên giao dịch ngày 16/5, VN-Index giảm 10,82 điểm xuống 1.171,95 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 584,3 triệu đơn vị, tương ứng gần 14.578 tỷ đồng. Toàn sàn có 232 mã tăng giá, 224 mã giảm giá và 45 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 4,66 điểm lên 1.307,05 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 76,8 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.531,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 149 mã tăng giá, 72 mã giảm giá, 44 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,41 điểm xuống 93,2 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 32,8 triệu đơn vị, tương ứng hơn 628 tỷ đồng. Toàn sàn có 183 mã tăng giá, 112 mã giảm giá và 65 mã đứng giá.
Tại nhóm cổ phiếu VN30 có 16 mã tăng giá và 11 mã giảm giá, 3 mã đứng giá. Tuy nhiên, các mã giảm giá có mức giảm rất sâu. Theo đó, STB và MSN giảm kịch sàn, trong khi BVH giảm 5,5%, GAS cũng giảm tới 5%, VHM giảm 3,2%, VIC giảm 1,3%... đã tạo áp lực giảm điểm rất lớn lên chỉ số VN30 và VN-Index.
Tại nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, sắc xanh xuất hiện nhiều hơn sắc đỏ. Dù vậy, biên độ giảm của cổ phiếu ngân hàng rất lớn.
Cụ thể, KLB giảm tới 7%, STB giảm 6,8% xuống giá sàn, SHB giảm 5,1%, PGB giảm 2,4%.
Ở chiều tích cực, nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh. Trong nhóm này không còn mã nào ở chiều giảm giá, trong khi PVC và PVS tăng kịch sàn. Các mã PVT tăng 6,3%, POS tăng 5,4%, PVB tăng 5,3%, PVD tăng 4,8%, PLX tăng 4,7%, BSR tăng 2,1%, OIL tăng 1,6%.
Sắc xanh cũng tràn ngập nhóm chứng khoán. Các mã ART, APS, CSI, HCM tăng hết biên độ. Các mã lớn khác như SHS tăng 8,5%, SSI tăng 5,8%, VND tăng 3,2%, MBS tăng 2,5%, VDS tăng 2,1%...
Điểm tích cực là khối ngoại vẫn mua ròng cổ phiếu. Theo đó, khối ngoại mua ròng 258 tỷ đồng trên HOSE, trong khi bán ròng 32,66 tỷ đồng trên HNX và 6,44 tỷ đồng trên UPCOM.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán nói chung biến động theo chiều hướng rất tiêu cực thì giao dịch của khối ngoại là lại điểm sáng. Tuần trước, khối ngoại mua ròng 46,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 1.752 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect), tính tới ngày 10/5/2022 đã có 1.089 công ty niêm yết trên ba sàn, chiếm 94,3% giá trị vốn hóa thị trường, công bố kết quả kinh doanh quý I.
Theo đó, lợi nhuận ròng quý I/2022 của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn đã có báo cáo tăng mạnh 33,2% so với cùng kỳ, nhanh hơn mức tăng trưởng 14,4% so với trong quý IV/2021. Đáng chú ý quý I/2022, nhóm VN30 có 25 doanh nghiệp tăng trưởng khả quan.
Trong chương trình tiêu điểm cuối tuần với chủ đề “điềm tĩnh” do Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) tổ chức, ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết, thời điểm này các yếu tố về giá trị doanh nghiệp, cũng như yếu tố kỹ thuật rất khó để hỗ trợ cho chỉ số VN-Index. Thị trường giảm mạnh cũng không phải là do yếu tố tâm lý.
Có thể thấy rằng các phiên buổi sáng tâm lý thị trường rất bình ổn, thậm chí tăng mạnh, không có bán tháo, nhưng đến thời điểm buổi chiều thì áp lực bán tháo tăng lên rất mạnh.
Tại thời điểm này chúng ta có lẽ rất ngạc nhiên vì những mã cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh rất ấn tượng, nền tảng doanh nghiệp tốt, thậm chí có những công ty kinh doanh rất ổn định, trả cổ tức cao như các công ty sản xuất kinh doanh điện, nhưng cổ phiếu vẫn có xu hướng giảm mạnh, ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, áp lực về vay nợ trong thời gian vừa qua cũng khiến cho một số nhà đầu tư quan ngại và những nhà đầu tư kỷ luật sẽ phải giảm margin (vay giao dịch ký quỹ).
Trước những biến động giảm rất mạnh trên thị trường chứng khoán trong những phiên giao dịch gần đây, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng với Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) đã chủ trì tổ chức buổi họp với Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và 23 công ty chứng khoán thành viên Top đầu thị trường về vốn, thị phần môi giới chứng khoán để nhận định, đánh giá tình hình thị trường chứng khoán và đề xuất các giải pháp nhằm sớm ổn định lại thị trường chứng khoán.
Qua ghi nhận tại cuộc họp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các công ty chứng khoán đều đồng quan điểm cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ xu thế giảm điểm của thị trường chứng khoán thế giới và một số nguyên nhân trong nước. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng khi nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ yêu cầu các Sở giao dịch chứng khoán thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán.
Đồng thời, sẽ điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số VN30 trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn.
Văn Giáp/TTXVN
loading...