A+ A A- Kiểu đọc sách

Những lớp học dưới… gầm nhà sàn!

08:25 06/10/2008
loading...
(TT&VH) - Ở các bản người dân tộc Thái, từ con gà, con trâu, xe máy đến cái cuốc, cái cày, gỗ, củi... hầu hết các gia đình đều để dưới gầm nhà sàn. Khoảng không gian đó nay lại đang phát huy thêm tác dụng “ bất đắc dĩ” là dùng làm... lớp học.

Bước vào năm học mới 2008 – 2009 đã hơn 1 tháng song chỉ tính riêng tại các điểm tái định cư thủy điện Sơn La ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu) có gần 60 lớp học mầm non, tiểu học với hơn 1000 học sinh phải học dưới gầm nhà sàn.

Ảnh minh họa


Các lớp học đều ở trong tình trạng bốn bề “thoáng mát”, nền lổn nhổn đất đá, bàn ghế học tập cũ kỹ, ọp ẹp, còn thiếu hoặc không đúng tiêu chuẩn. Thật khó tránh khỏi bị bụi, rác từ trên sàn nhà lọt qua khe gỗ bay xuống lớp học mỗi khi các gia đình quét nhà hằng ngày.

Tại bản tái định cư Phiêng Cửm xã Chăn Nưa, lớp học mẫu giáo trống tuyềnh trống toàng dưới gầm sàn nhà của ông Trưởng bản Vàng Văn Kịch. Bốn cái ghế băng, 4 cái bàn cũ kỹ để lộn xộn, một cánh giấy ô ly ghi mấy chữ cái được treo vào một cái đinh ngay cột nhà. Hỏi thì được biết lớp học nghỉ, cô giáo đi thăm một học sinh tiểu học ốm... Ngày hôm sau, từ sáng sớm cô giáo Lò Thị Phương (22 tuổi) đã đến chuẩn bị lớp học, bê mấy chiếc ghế băng, cái bạt từ trên nhà xuống. Tự tay dọn sạch sẽ lớp học, cô còn quét rộng ra cả khoảng đất nhỏ cạnh đó làm chỗ vui chơi cho các cháu. Chị Phiện (chủ nhà) mến trẻ cũng xuống phụ giúp cô giáo, quét dọn và đốt đống rác. Chuẩn bị xong cũng là lúc các bà, các mẹ đưa trẻ đến lớp. Trẻ nào mạnh bạo thì hoà đồng chơi đùa ríu rít ngay, có trẻ nhút nhát một tay cầm túi kẹo, tay kia bám khư khư vạt áo bà, vạt áo mẹ, không nỡ rời xa. Lúc này cô Phương lại phải “vào cuộc” dỗ dành... Khi được hỏi cô giáo chỉ cười và nói, các anh cũng thấy cả rồi, dụng cụ để dạy học chúng em phần lớn là tự tạo, không có bảng, bàn ghế cũ, hỏng, khập khiễng không đủ tiêu chuẩn với các trẻ... Trước mắt, em mong các cấp quan tâm làm trần sàn, lát nền, thung xung quanh đề phòng những ngày mưa gió.

Cả xã Chăn Nưa có 5 lớp học gầm nhà sàn, duy nhất có một lớp 1 học ở gầm sàn nhà ông trưởng bản Pú Tre - Lò Văn Phin là khá nhất vì được láng nền xi măng sạch sẽ. Ông tâm sự, thương các cháu học sinh, thông cảm với nhà trường lắm, cũng muốn giúp làm thêm trần sàn, thưng bốn xung quanh lớp cho đỡ gió, đỡ bụi nhưng điều kiện gia đình có hạn. Tại 8 xã khác của huyện Sìn Hồ như Lê Lợi, Nậm Hăn... các lớp học gầm nhà sàn đều ở trong điều kiện ấy. Nhìn những móng công trình trường lớp đã được xây trên nhiều điểm tái định cư nhưng bỏ dở, rêu phong mấy tháng nay trong khi con em học sinh phải học trong gầm sàn, thật buồn lòng. Bà con các điểm tái định cư kháo nhau “đang sai thiết kế, phải làm lại” “làm trường học là cái thiết thực nhất thì không làm đằng này đi xây nhà văn hoá”...

Ông Lê Thanh Dương, Trưởng Phòng giáo dục huyện Sìn Hồ cho biết, từ tháng 8/2008, Phòng đã cử cán bộ xuống các điểm tái định cư chưa kịp làm trường, lớp học, thống kê trường lớp, số học sinh, tham mưu với huyện tạm ứng cho 58 lớp học tạm với 1.011 học sinh, mỗi lớp 3 triệu để lát nền, làm trần, thưng xung quanh và thuê 200.000 đồng/ 1 gầm nhà sàn; chọn những nhà sàn cao ráo sạch sẽ nhất bản thuê. Đến đầu tháng 9, huyện đã duyệt phương án này cho Phòng. Hiện Phòng đang triển khai xuống các xã, trong tháng 10 sẽ làm xong. Còn đến khi nào kiên cố hoá khắc phục được các lớp học kiểu này thì… chưa biết.

Công Hải
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...