A+ A A- Kiểu đọc sách

Nước Nhật - Mùa hoa anh đào đang về

14:09 22/03/2011
loading...

(TT&VH) - Vừa trở về từ Nhật Bản, anh Phạm Hồng Long, nghiên cứu sinh Đại học Rikkyo, Tokyo & Saitama đã có bài viết gửi TT&VH. “Khi viết những dòng chữ này thì tôi đã ngồi ở Hà Nội, nơi cách Tokyo gần 4.000km. Mới chỉ cách đây hai ngày tôi vẫn còn đắn đo lựa chọn về hay ở lại Tokyo trong thời gian này. Một quyết định rất khó mà chỉ những người ở vào hoàn cảnh như tôi mới thực sự hiểu hết được” – anh mở đầu bằng câu chuyện của chính mình.

>> Chuyên đề: Động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản

Xin trân trọng giới thiệu bài viết cùng bạn đọc.

Những câu hỏi trước khi về nước

Khi còn ở Tokyo tôi đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều với hàng loạt câu hỏi như:

- Có nên rời bỏ nước Nhật vào lúc này?

- Liệu người Nhật sẽ nhìn vào những người như tôi như thế nào nếu tôi về nước và khi trở lại thì họ sẽ nghĩ gì?

- Nếu ở lại thì giúp ích được gì cho người Nhật, nước Nhật?

- Nếu về nước thì giúp gì cho bản thân, người thân trong gia đình và bạn bè...?

- Nên hay không nên tin vào những gì báo chí và các phương tiện truyền thông đưa tin?

- Tại sao một số nước lại di chuyển nhân viên đại sứ quán về một số địa phương miền nam của Nhật Bản như Osaka, Kobe, Kyoto?

- Tại sao không ít bạn bè tôi đã nhanh chóng rời về miền Nam của Nhật hoặc trở về nước trong thời gian này...?

Hoa anh đào vẫn nở bên những khuôn mặt lo âu của người Nhật

Câu hỏi nào cũng khó trả lời. Cuối cùng, gạt sang hàng loạt những đắn đo, tôi đã tìm ra lời giải cho riêng mình: Về nước. Tôi đã về nước nhiều lần từ khi sang Nhật học tập, nghiên cứu nhưng đây là lần đầu tiên về nước mà tâm hồn của những người như tôi vẫn đau đáu về nước Nhật.

Tôi vẫn nói với người thân và bạn bè rằng chuyến trở về nước của tôi lần này là một sự “đào tẩu” khỏi nước Nhật. Có rất nhiều lí do cho sự “tháo chạy” này nhưng chủ yếu là do cái tâm của những người như tôi không yên. Nếu ở lại cũng không tập trung học tập, nghiên cứu hay giúp đỡ gì được người Nhật, nước Nhật. Những ngày sau động đất là những ngày tôi phải sống trong nỗi lo lắng về các trận dư chấn xảy ra liên tục và khả năng xảy ra sự cố phóng xạ. Nhưng nếu tôi lo một phần thì người thân, gia đình, bạn bè ở nhà lo gấp vài lần. Hằng ngày, hằng giờ sau động đất, tôi đã nhận được rất nhiều email, tin nhắn, điện thoại hỏi thăm tình hình và khuyên nên về nước nghỉ ngơi một thời gian. Những lời hỏi thăm thường là nguồn động viên tinh thần rất lớn, nhưng trong trường hợp này có vẻ như nó đã có tác động ngược lại với tâm lý và tinh thần của tôi. Thay vì bình tĩnh và lạc quan giống người Nhật thì bản thân tôi và không ít người Việt Nam và người nước ngoài khác lại trở nên lo lắng và bi quan hơn. Do vậy, sự trở về của tôi lần này ngoài phần làm cho cái tâm mình được yên, cũng giúp cho gia đình và người thân bớt phần lo lắng.

Cơ sở của niềm tin

Giờ đây, khi đã bình tĩnh trở lại, thì tôi vẫn tin tưởng nước Nhật, người Nhật sẽ xử lý thành công sự cố nhà máy điện nguyên tử Fukushima và vượt qua được giai đoạn khó khăn này để vươn lên mạnh mẽ.

Cơ sở cho niềm tin đó là sự bình tâm, tinh thần lạc quan, sự đoàn kết vượt khó của người Nhật mà tôi có dịp cảm nhận những ngày sau động đất. Tại Tokyo, nhịp sống vẫn diễn ra nhộn nhịp như thường ngày. Trẻ em vẫn đến trường; nhân viên văn phòng, công sở và người lao động vẫn làm việc, lao động và sống... như chưa từng có trận động đất xảy ra. Có chăng do ảnh hưởng của động đất và sự cố nhà máy điện nên việc cắt điện được thực hiện luân phiên khiến nhiều cửa hàng, cửa hiệu, các cơ quan, trường học... phải tạm thời đóng cửa trong thời gian bị mất điện. Ngoài ra, do nhu cầu dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm sau động đất nên một số mặt hàng khá khan hiếm tại Tokyo thời điểm này.

Những ngày vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta không ngớt đưa thông tin về tình hình sau động đất và sự cố nhà máy điện nguyên tử ở Nhật, cũng như liên tục ca ngợi nước Nhật, người Nhật với những bài học về kỷ cương, đạo đức và tinh thần của người Nhật, nhưng với những người đã, đang và sẽ sống tại Nhật như tôi thì không ngạc nhiên nhiều lắm về điều này. Nước Nhật đã dạy dỗ chúng tôi từ những bài học thực tế, không giáo điều mà khó có sách vở, giấy bút nào viết hết. Trong bài viết này tôi chỉ xin đưa ra một vài cách lí giải về sự bình tâm và tinh thần lạc quan, phép lịch sự của người Nhật mà bản thân tôi rút ra từ việc sống và học tập tại Nhật:

1. Vốn sinh sống trên vùng đất cằn cỗi, ít tài nguyên và đặc biệt khắc nghiệt với nhiều núi lửa, động đất nên người Nhật có thói quen đối mặt với thiên tai luôn mạnh mẽ bình tĩnh, sẵn sàng đón nhận và tin tưởng vào khả năng xử lý khủng hoảng, thảm họa của mình. Tinh thần cộng đồng trong giải quyết khủng hoảng, thảm họa của người Nhật do vậy là rất cao.

Ngày đầu mới sang Nhật một trong những kỹ năng tôi và rất nhiều bạn bè của tôi được rèn luyện là phòng chống động đất, cháy và sơ cứu. Tuy đã được học những kỹ năng này nhưng do thiếu kinh nghiệm thực tế nên khi động đất xảy ra thật thì thay vì bình tĩnh xử lý tình huống như người Nhật thì mình chỉ thấy hoảng sợ, tìm đường tháo chạy, đây chính là bài học mà tôi đã rút ra được trong trận động đất vừa rồi.

Chỉ ngay sau động đất vài giờ, tại không ít cửa hàng, siêu thị của Nhật, thực phẩm (gạo, bánh mỳ, mỳ tôm, rong tảo biển, nước uống...) và các nhu yếu phẩm cần thiết cho phòng chống động đất (như đèn pin, pin, nến, bật lửa, gas...) đã được họ mua sạch trơn. Trong khi hầu hết những người nước ngoài như tôi vẫn còn chưa hoàn hồn và lí giải được vì sao lại có hiện tượng như thế... Nhiều ngày tiếp theo và cho đến cả thời điểm này, những thực phẩm và nhu yếu phẩm như trên vẫn đang còn rất khan hiếm tại các cửa hàng, siêu thị ở Nhật.

Ở đây tôi không đề cập lại tính kỷ luật của người Nhật trong việc xếp hàng vào siêu thị mua đồ, hay việc không có tăng giá, cướp giật... sau động đất, mà rất nhiều báo chí đã nêu, tôi chỉ lấy ví dụ từ bài học về sự chu đáo, phép lịch sự và tinh thần hết lòng của người Nhật mà tôi có dịp trải nghiệm.

Chỉ một giờ sau động đất xảy ra, tôi và các bạn học cùng trường đã nhận được email của trường gửi trực tiếp vào điện thoại di động của mỗi cá nhân thông báo về động đất, động viên tinh thần và hướng dẫn cách xử lý các tình huống có thể xảy ra. Cả buổi tối sau động đất, ở lại trong khuôn viên của trường, chúng tôi luôn nhận được sự chỉ bảo nhiệt tình của nhà trường. Sự quan tâm này đã làm tôi và bạn bè quốc tế cảm thấy ấm lòng và yên tâm hơn nhiều.

Sau động đất hai ngày, tôi đã đến rất nhiều siêu thị để tìm mua gạo và gas dự trữ. Ở siêu thị nào cũng hết hàng, tuy nhiên ở đâu tôi cũng nhận được lời xin lỗi về sự khan hiếm hàng hóa sau động đất và lời khuyên nên quay trở lại xếp chỗ sớm vào sáng hôm sau từ nhân viên các siêu thị. Không một lời kêu ca phàn nàn, không thái độ cau có trong hoàn cảnh này từ các nhân viên siêu thị.

2. Hầu hết người dân Nhật (trừ một bộ phận nhỏ) họ luôn ủng hộ các đường lối, chính sách của Chính phủ, tin tưởng vào khả năng giải quyết tình huống của Chính phủ nên khi động đất và sự cố nhà máy điện hạt nhân xảy ra thì họ vẫn bình tâm, không quá sợ sệt và hoảng loạn như những người nước ngoài sống tại Nhật như tôi.

Sự bình tâm và tin tưởng này có thể lí giải sâu xa từ việc Chính phủ Nhật luôn đảm bảo về vấn đề an sinh xã hội và dịch vụ công rất tốt với công dân của mình. Bản thân những người làm việc trong nội các Chính phủ, nếu cảm thấy mình không giúp gì được cho dân, cho quốc gia là họ sẵn sàng từ chức. Điều này vô hình trung đã làm tăng uy tín của Chính phủ, đặc biệt trong hoàn cảnh người dân cần một chỗ dựa vững chắc về tinh thần và vật chất như trong hoàn cảnh hiện nay.

***

Với những người như tôi-được nước Nhật nuôi dưỡng, ăn học, nước Nhật thực sự giống như quê hương thứ hai. Tôi tin tưởng nước Nhật sẽ hồi sinh trở lại sau thảm họa này và vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mùa Xuân đang về, hoa anh đào đang và sắp nở trên khắp nước Nhật – đó cũng là tín hiệu báo hiệu sức sống mạnh mẽ và trường tồn của nước Nhật.

Phạm Hồng Long

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...